Cũng xin nói thêm một điều, nếu tác giả đừng sớm vội về với thế giới người hiền, với người cha - Đại tướng Nguyễn Chí Thanh-thì bạn đọc chắc sẽ còn được đọc tiếp nhiều người thầy khác cùng một người viết, ngoài nhân vật Ba Quốc (Đặng Trần Đức) sẽ còn là Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), Hai Long (Vũ Ngọc Nhạ), Năm Thúy (Lê Hữu Thúy), Tư Cang (Nguyễn Văn Tàu)... những nhà tình báo quân sự nổi tiếng của Việt Nam.
Vì với tài năng, tầm nhìn xa rộng, một tính cách khiêm tốn, rất mực kính trọng các bậc thầy, Nguyễn Chí Vịnh đã kế thừa, học tập, kết tinh những tinh hoa hoạt động tình báo từ họ, coi họ là những tấm gương sáng về nhiều phương diện. Do vậy, ông sẽ viết về họ như đã viết về thầy Ba Quốc, để thể hiện tấm lòng mình, cũng là cách kiến tạo tài sản văn hóa tinh thần cho thế hệ sau.
|
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh. Ảnh tư liệu |
Hình như ở đời, con người ta có cơ duyên, với tôi, một duyên lớn là được cùng cơ quan, cùng công tác với thầy Nguyễn Chí Vịnh.
Nhưng nhiều năm tôi lại được thầy Vịnh gọi là “thầy”. Trước đó, tôi gọi “anh”, xưng “em”... Anh sinh ngày 15-5-1959, nhưng trong lý lịch chính thức thì ghi sinh năm 1957 bởi khai tăng 2 tuổi để đủ tuổi nhập ngũ. Anh vẫn kể, khi anh lên 8 tuổi thì ba mất (1967), lên 10 tuổi thì Bác Hồ mất (1969). Tự tay ba làm cho anh quân hàm “binh bét” và đứa trẻ là anh khi ấy rất vui, hãnh diện, đem khoe với Bác Hồ. Anh kể, Bác rất quý trẻ con, không cứ gì anh mà nhiều con của các cán bộ cao cấp thường hay được Bác nhắn vào chơi. Khi ba mất, anh chưa hiểu sự mất mát lớn như thế nào, nhưng khi Bác mất thì thấy hẫng hụt ghê lắm, vì không được vào chỗ Bác chơi nữa...
Những năm anh làm trợ lý nghiệp vụ tại Campuchia (1984-1988), tôi cùng phòng với anh (Phòng 3, Đoàn 817, Cục Nghiên cứu, Bộ Tổng Tham mưu). Anh hơn tôi 3 tuổi nhưng tính tình điềm đạm, thận trọng, thông minh và người lớn hơn đám trẻ chúng tôi nhiều, tuyệt đối không một biểu hiện nào mình là “con nhà quan”, ngược lại rất giản dị, khiêm nhường, luôn học hỏi, cầu thị, không chơi bời, lúc rỗi thường đọc sách. Chỉ biết, tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin (nay là Trường Sĩ quan Thông tin), được cử sang Liên Xô (trước đây) học tập nhưng anh từ chối để đi chiến trường Campuchia.
Cùng phòng, nhưng mãi sau, tôi mới biết thân thế của anh. Tôi không ngạc nhiên, vì nghề nghiệp phải thế, nhưng phục nhất ở anh là sự chịu khó và quyết tâm. Anh tự học tiếng Khmer thành thạo đến mức ra ngoài phố người dân coi như người bản xứ. Anh đọc được sách Khmer và nhiều sách nước ngoài khác nên có nền tảng văn hóa sâu, rộng-yêu cầu bắt buộc của nghề, nhờ vậy hiệu quả công việc rất cao.
Anh thường nhận những nhiệm vụ khó nhất, đi xa nhất, phức tạp nhất. Đặc biệt là rất nhạy cảm trong phát hiện đối tượng. Những ai từng chiến đấu ngoài mặt trận đều biết, ngoài sự dũng cảm, trí tuệ, còn rất cần đến dự cảm, linh giác, linh tính. Trong nghề tình báo quân sự càng vậy, nhất là đấu tranh với kẻ thù giấu mặt, đòi hỏi có những dự báo để đưa ra các khả năng, tình huống.
Những ai trong nghề đều rất phục các nhà tình báo chiến lược nắm bắt được xu hướng vận động của lịch sử. Cần một thiên phú nghề nghiệp nhưng chủ yếu là do cần cù, chịu suy nghĩ, tìm tòi, lật xới vấn đề, nảy ra những điểm sáng hạt nhân trong bao mối quan hệ dằng dịt, phức tạp. Ngay từ khi học ngắn hạn (chưa đầy năm) ở Liên Xô về (tháng 6-1989), anh đã tiên đoán Liên Xô sẽ sụp đổ và đề nghị cấp trên sớm đưa ra những giải pháp phù hợp. Anh là con người của tình báo là rất đúng. Lịch sử đã và sẽ chứng minh đó là bộ óc của tầm chiến lược quốc gia, cần đến cả một đề tài nghiên cứu khoa học sau này.
|
|
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh (ngoài cùng, bên trái) thăm cơ sở kỹ thuật của Học viện Kỹ thuật Quân sự, tháng 4-2013. Ảnh: XUÂN LƯU |
Nghề tình báo phải tự rèn luyện mình trong môi trường là chính.
Đương nhiên rất cần kinh nghiệm. Cấp trên chỉ vạch cho các đường hướng cơ bản, còn ra địa bàn thiên biến vạn hóa phải tự tìm cách đi ngắn nhất. Hết sức thận trọng, tỉnh táo, nhưng không cầu toàn... Những phẩm chất ấy, anh Vịnh đều có. Đi hướng nào, phải làm gì, chúng tôi đều hỏi anh. Bao giờ cũng vậy, những lời anh đều hợp lý, ăn khớp với hoàn cảnh, mặc dù nơi đó anh chưa hề đến. Đó là trực giác chỉ có ở những người tài. Khi viết báo cáo (bản tin-rất khó) lại nhờ đến anh hướng dẫn, viết ngắn nhất mà đủ ý nhất. Anh không nề hà...
Để hòa nhập vào đời sống ở địa bàn đảm nhiệm, anh tập hút thuốc, thứ thuốc thông dụng, rất nặng thời bấy giờ, rồi nghiện lúc nào chẳng biết. Sau này ở cương vị cao, phải suy nghĩ bao việc lớn, anh thức đêm, hút thuốc rất nhiều, đến nỗi giọng khàn đi. Anh phải lao lực đến vắt kiệt mình để tìm ra những sách lược, sau này là chiến lược đấu tranh với tình báo nước ngoài rất thâm độc, ghê gớm.
Trở thành Cục trưởng phụ trách địa bàn phức tạp nhất, tập trung nhiều đối tượng tình báo nhất, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tình hình trở lại ổn định, xuôi chiều, anh trở thành lãnh đạo ngành là hợp lý, hoàn toàn do năng lực của anh. Chắc chắn một điều, không có nhà tình báo quân sự bẩm sinh Nguyễn Chí Vịnh sẽ không có nhà ngoại giao quốc phòng xuất sắc Nguyễn Chí Vịnh. Tháng 3-2009, anh được bổ nhiệm chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Để gánh vác những trọng trách lớn lao, anh tự học liên tục. Có đêm chỉ ngủ một, hai tiếng. Tháng 10-2009, anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ Luật. Sau đó, anh được thăng quân hàm Thượng tướng năm 2011, nhận học hàm Giáo sư năm 2013.
Quay lại chuyện “thầy trò”, rõ ràng anh là thầy tôi. Nhưng cuộc đời nhiều điều trớ trêu thú vị. Tôi dân gốc sư phạm Văn. Sau thời gian tích lũy đủ vốn nghề, tôi được điều về Đại học Ngoại ngữ Quân sự (nay là Học viện Khoa học Quân sự) làm giảng viên. Ngành tình báo quân sự được Nhà nước công nhận là một chuyên ngành khoa học, mọi cán bộ đều về “hoàn thiện” để cấp bằng, trong đó có anh. Tự nhiên tôi là “thầy”.
Nhiều khi thấy anh gọi “thầy”, tôi ngượng, anh bảo: “Nhất tự vi sư...”. Tôi không bao giờ quên ơn anh. Ở Học viện, tôi còn giảng dạy tiếng Việt cho tùy viên quân sự nước ngoài. Một lần, tôi bị họ kiện lên Cục Đối ngoại, vì lý do rất khó lường. Tưởng bị kỷ luật lớn, nhưng anh (khi đó là Tổng cục trưởng) chỉ cho gọi tôi lên, có phần ngạc nhiên, anh nói vui, là “bậc thầy” mà còn để “hở sườn” thế... Lần đó, sau thời gian ở Campuchia, tôi được gặp anh lâu nhất, vẫn dứt khoát, quyết đoán, mạnh mẽ với vẻ ngoài điềm đạm, bao dung, nhân từ, chưa bao giờ nóng nảy. Anh tâm sự nhiều... Rồi tôi xin chuyển đi làm nghề báo. Do yếu tố nghề nghiệp, tổ chức nhất định không cho. Anh lại đứng ra “bảo lãnh”...
Cũng là cơ duyên, làm phóng viên, tôi được gặp anh trong hoàn cảnh mới. Cánh nhà báo trong nước rất phục khi anh thẳng thắn trình bày nguyên tắc giải quyết vấn đề lợi ích phải dựa trên vấn đề chủ quyền-điểm bất di bất dịch. Trong mọi tình huống phải giữ được chủ quyền lãnh thổ; chia sẻ lợi ích là con đường giải quyết những khác biệt, tranh chấp; phải tuân thủ luật pháp quốc tế và không để các thế lực khác can dự. Vấn đề Biển Đông nhạy cảm, với anh cũng thật rõ ràng là phải xem xét trên những vấn đề về lịch sử, những tuyên bố về chủ quyền và lợi ích quốc gia...
Trên quan điểm đối thoại, anh nói rõ về ứng xử, mỗi người có thể có cách nghĩ khác, cách làm khác, có khi cần tranh luận mạnh mẽ, nhưng phải đi đến đồng thuận về đường lối và hành động. Giới quan sát quân sự nước ngoài cũng thể hiện rõ sự kính trọng, khâm phục Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khi công khai về chính sách quốc phòng “4 không”, coi ông là một trong những người đặt nền móng chắc chắn, vững vàng cho ngôi nhà chiến lược quốc phòng Việt Nam.
Cho đến hôm nay vẫn còn nhiều bài báo khen ngợi Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+) đầu tiên (tại Hà Nội, năm 2010). Tầm nhìn chiến lược quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã vượt ra khỏi phạm vi quốc gia, góp phần kiến tạo các hợp tác an ninh khu vực, có ảnh hưởng tốt tới quan hệ quốc tế, thúc đẩy đối thoại, bồi đắp lòng tin để nỗ lực hóa giải những thách thức, bất đồng cùng nhau hướng tới chân trời hòa bình, hữu nghị.
Với những đóng góp lớn lao, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được Đảng, Nhà nước ta và nhiều quốc gia (Lào, Campuchia, Nga, Cuba, Nhật Bản...) trao tặng nhiều phần thưởng cao quý. Với tôi, anh là người thầy hội đủ tâm, tài, tầm. Đọc “Người thầy” càng thấy anh là nhà văn đích thực. Cũng dễ hiểu. Nhà văn phải như cây xanh cắm sâu bộ rễ khỏe mạnh vào nhiều mảnh đất văn hóa, rồi vươn lá cành quang hợp ánh sáng lý tưởng của bầu trời hòa bình mà kết những trái cây có hương vị tư tưởng riêng.
“Người thầy” và những tư tưởng về đối ngoại quốc phòng của anh mang những hương vị tư tưởng vì chủ quyền quốc gia, vì hữu nghị, phát triển, sẽ còn lưu lại mãi!
NGUYỄN THANH TÚ