Chăm lo xây dựng “linh hồn, mạch sống” của Quân đội
Đồng chí Lê Quang Đạo tên khai sinh là Nguyễn Đức Nguyện, sinh ngày 8-8-1921, trong một gia đình có truyền thống văn hóa và yêu nước ở làng Đình Bảng (nay là phường Đình Bảng, TP Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Ở tuổi 16-17, Lê Quang Đạo đã tổ chức tại quê nhà buổi rước đèn của Hội Truyền bá quốc ngữ với khẩu hiệu “Đi học là yêu nước”. Đồng chí gia nhập Đảng Cộng sản năm 19 tuổi.
Năm 1950, đang là Phó ban Tuyên truyền Trung ương, phụ trách Báo Sự thật, đồng chí Lê Quang Đạo được điều động vào Quân đội, làm Cục trưởng đầu tiên của Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị. Ngay sau đó, đồng chí được phân công làm Phó chủ nhiệm chính trị Chiến dịch Biên giới. Tại chiến dịch này, đồng chí Lê Quang Đạo được tháp tùng Bác Hồ trực tiếp đi thị sát chiến trường. sinh thời, nhà văn Nguyệt Tú, phu nhân đồng chí Lê Quang Đạo, kể: “Bác Hồ dạy anh Đạo bài học đầu tiên làm công tác chính trị trong Quân đội. Những lời chỉ bảo trực tiếp của Bác và hoạt động thực tiễn của chiến dịch vô cùng quý giá đối với anh. Bác nói: Công tác của một cán bộ chính trị trong Quân đội còn phải quan tâm đến mọi sinh hoạt của bộ đội”.
|
|
Trung tướng Lê Quang Đạo (1921-1999). |
Đồng chí Lê Quang Đạo được giao nhiệm vụ trực tiếp tổ chức Hội nghị Tuyên huấn toàn quân đầu tiên. Kể lại việc được giao tham gia tổ chức hội nghị, Trung tướng Đoàn Chương (1927-2010), nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược quân sự Bộ Quốc phòng cho biết: “Mới vào bộ đội, đi ngay vào việc chuẩn bị cho một hội nghị toàn quân, quả là không dễ dàng. Chúng tôi ít nhiều cũng đã trải qua công tác vận động quần chúng bên ngoài, bây giờ vào LLVT thì vận dụng như thế nào đây. Vừa tổ chức điều tra nghiên cứu, vừa bàn bạc thảo luận, cuối cùng chúng tôi cũng xác định được chủ đề của hội nghị là công tác lãnh đạo tư tưởng... Ngay từ hồi ấy, đồng chí Lê Quang Đạo đã có quan điểm rất đúng đắn và cụ thể để xây dựng công tác lãnh đạo tư tưởng trên 3 hướng chính, đó là vừa nâng cao giác ngộ chính trị của bộ đội trên cơ sở phân rõ thù, bạn, ta, khắc phục mọi biểu hiện mơ hồ giai cấp, mất cảnh giác cách mạng, đồng thời xây dựng quan điểm trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh, nhưng nhất định thắng lợi và tập trung xây dựng quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ”.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đồng chí Lê Quang Đạo là Phó chủ nhiệm Chính trị chiến dịch kiêm Chính ủy Đại đoàn 308. Đồng chí đến tận các trạm vận tải, nơi trọng điểm đánh phá của máy bay địch, vừa theo dõi, đôn đốc, vừa động viên tư tưởng bộ đội, hơn nữa còn cùng làm việc với họ. Sau này, trong một bài viết, đồng chí kể lại: “Suốt đêm chúng tôi trực bên máy điện thoại, hồi hộp theo dõi từng chiếc xe, từng khẩu pháo qua phà. Phải hỏi đi hỏi lại nhiều lần để nắm chắc tình hình và góp ý xử lý các tình huống trục trặc, gay cấn”.
Đặc biệt, cuối tháng 4-1954, cuộc chiến đấu trên Mặt trận Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt tại các cụm cứ điểm ở phân khu trung tâm. Suốt một thời gian dài, bộ đội ta phải chiến đấu liên tục, bị tiêu hao sức lực, mỏi mệt về tinh thần. Bên cạnh đó, những khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày và chiến đấu dưới lòng chiến hào làm nảy sinh tư tưởng bi quan, chán nản trong bộ đội. Một đợt sinh hoạt chính trị đã được tổ chức, tạo không khí tin tưởng, phấn khởi trên toàn mặt trận. Sau đó, đợt 3, tổng công kích tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được mở ra với khí thế hăng hái trên toàn mặt trận. Sau này, nhớ lại những ngày tháng ấy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Anh Đạo giúp tôi tổ chức một hội nghị cán bộ chính trị để động viên tinh thần quyết chiến, quyết thắng đối với cán bộ trung, cao cấp ở Điện Biên Phủ. Hội nghị cực kỳ thành công!”.
Không chỉ là lãnh đạo đầu tiên và nhiều năm của ngành tuyên huấn Quân đội, Trung tướng Lê Quang Đạo còn là Chính ủy, Bí thư Đảng ủy của nhiều chiến dịch lớn: Đường 9-Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào, Trị-Thiên năm 1972. Ông cũng để lại nhiều dấu ấn đặc biệt trên các cương vị, trọng trách như: Bí thư, Phó bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Khoa giáo Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam... |
“Nhanh chóng đưa tin chiến sự!”
Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Quang Đạo luôn nhắc nhở việc theo dõi diễn biến chiến sự và nhanh chóng đưa tin về tình hình chiến trường. Nhớ lại kỷ niệm trong lần tháp tùng đồng chí Lê Quang Đạo đi kiểm tra chiến trường ở Quân khu 4, tại căn cứ hải quân ở sông Gianh vào tháng 8-1964, Trung tướng Phạm Hồng Cư (sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị) sinh thời từng kể: “Khi từng đoàn máy bay phản lực Mỹ xuất hiện trên bầu trời, gầm rú, bổ nhào, ồ ạt ném bom bắn phá cửa sông Gianh... tôi vội đưa anh Đạo tạm lánh vào một cái cống bên đường... Giữa lúc bom đạn ấy, anh Đạo vẫn ghé sát tôi nói: “Theo dõi diễn biến, nhanh chóng đưa tin chiến sự!”. Với Trung tướng Phạm Hồng Cư, câu nói đó chính là một mệnh lệnh tác chiến của ngành tuyên huấn.
Những năm 1964-1965, Mỹ ném bom miền Bắc và đổ quân trực tiếp tham chiến tại miền Nam, đồng chí Lê Quang Đạo đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tăng cường chỉ đạo báo chí, đài phát thanh đưa tin và bình luận quân sự để cổ vũ quyết tâm chiến đấu của chiến sĩ trên các chiến trường, vạch trần âm mưu, thủ đoạn của địch. Bên cạnh đó, đồng chí chỉ đạo Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân tăng cường các phát thanh viên nói tiếng nước ngoài phục vụ công tác binh vận. Trên sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, bản tin “Thông cáo chiến thắng” của Chương trình Phát thanh Quân đội nhân dân được đồng chí Lê Quang Đạo trực tiếp thông qua, đã đưa tin nhanh nhất về chiến sự đến toàn quân, kịp thời cổ vũ tinh thần của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Nhờ những tin tức này, ở cả hai miền Nam-Bắc đã nở rộ các phong trào thi đua: “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Tay cày, tay súng”, “Tay búa, tay súng”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”...
Trên cương vị Cục trưởng Cục Tuyên huấn và sau này là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị phụ trách công tác tuyên huấn, đồng chí Lê Quang Đạo luôn chăm lo việc xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ Quân đội và phát triển văn hóa, văn nghệ trong Quân đội. Đồng chí cũng chủ trương đưa lực lượng văn nghệ sĩ vào chiến trường tham gia chiến đấu... Từ đó, các văn nghệ sĩ đã tạo nên những tác phẩm văn học, bài hát, chương trình nghệ thuật... giá trị cao, trực tiếp động viên bộ đội, nhân dân kháng chiến, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cả dân tộc.
Đồng chí Lê Quang Đạo là người lãnh đạo đưa công tác giáo dục văn hóa, chính trị trong Quân đội đi vào nền nếp. Đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo biên soạn và phát hành tận tay bộ đội các tài liệu giáo dục chính trị từ năm 1971 đến 1973, để lại nhiều kinh nghiệm quý báu về công tác giáo dục chính trị trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
THỦY TIÊN - BẢO LINH