Tôi gặp anh Nguyễn Hữu Mão lần đầu khi anh làm Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, đóng quân trên đất Sông Bé (nay là tỉnh Bình Dương). Một sư đoàn trưởng trẻ, đẹp trai, hoạt ngôn và dễ gần. Đó là khi chúng tôi làm số báo đặc biệt kỷ niệm 10 năm Chiến dịch Tây Nguyên. Cuộc trò chuyện hôm ấy, anh Mão không nói về mình mà kể nhiều về thế hệ tiền bối của anh ở Sư đoàn 7 như Trung tướng Nguyễn Thế Bôn, Trung tướng Lê Nam Phong, Trung tướng Nguyễn Văn Thái... Tập trung vào chủ đề, tôi chủ động lái câu chuyện sang hướng khác, ấy là Sư đoàn 320 (Sư đoàn Đồng Bằng) mà thời mới nhập ngũ (năm 1970), tôi cũng vinh dự được làm chiến sĩ đơn vị.

Tôi đã có dịp về thăm đình Mống Lá (Nho Quan, Ninh Bình), nơi Sư đoàn 320 thành lập từ những năm chống Pháp. Nghe chuyện ấy, anh Mão sôi nổi hẳn lên. Anh kể cho tôi nghe thời anh làm lính Trung đoàn 48 chiến đấu dọc dài đất nước; đặc biệt là trong Chiến dịch Tây Nguyên, rồi Chiến dịch Hồ Chí Minh (năm 1975). Anh Mão kể: “Trong Chiến dịch Tây Nguyên, Trung đoàn 48 (Sư đoàn 320) do tôi là Phó trung đoàn trưởng, được giao tiêu diệt căn cứ Chư Sê, quận lỵ Thuần Mẫn-Cẩm Ga của địch. Khi Buôn Ma Thuột thất thủ, đơn vị tôi được giao chặn đánh Quân khu 2 của địch tháo chạy từ Tây Nguyên xuống duyên hải miền Trung. Các địa danh: Cheo Reo, Phú Bổn, Củng Sơn... gắn liền với chiến công và sự hy sinh của Trung đoàn 48 và Sư đoàn 320. Ngày 1-4-1975, Trung đoàn 48 làm lực lượng nòng cốt giải phóng tỉnh Phú Yên, sau đó quay lại Đường 7 về Bình Long, Bến Cát. Ngày 26-4-1975, bước vào Chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị tôi được lệnh vượt sông Sài Gòn sang Hố Bò (Củ Chi)...”.

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn hồi ký của Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão. 

Sáng 29-4-1975, Trung đoàn 48 được giao tấn công căn cứ Đồng Dù. Phó trung đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mão được phân công trực tiếp chỉ huy Tiểu đoàn 3. Trận chiến khốc liệt, bộ đội hy sinh nhiều, nhưng không nhổ được chốt. Với kinh nghiệm đánh mở cửa trước đây ở Mặt trận Tây Nguyên, Nguyễn Hữu Mão nhận lệnh trực tiếp của Sư đoàn trưởng chỉ huy một tổ bộc phá, đột phá một hướng của căn cứ địch. Trước khi bộc phá nổ tan hàng rào để đồng đội xung phong, Phó trung đoàn trưởng Mão nén nỗi đau, vuốt mắt cho một chiến sĩ vừa trúng đạn để tiếp tục xông lên phía trước...

Cuộc trò chuyện hôm ấy, Sư đoàn trưởng Nguyễn Hữu Mão kể cho tôi nghe nhiều kỷ niệm sâu sắc từ lúc anh rời quê hương Đan Phượng, Hà Tây (nay là Hà Nội) cho đến khi làm Sư đoàn trưởng. “Ngày 28-4-1967, khi chi đoàn thanh niên tổ chức liên hoan tiễn chúng tôi nhập ngũ thì máy bay địch đến giội bom xuống đập Đáy. Đội nữ dân quân trực chiến đánh trả ngoan cường, nhưng một trái bom rơi trúng trận địa, cả 9 cô gái đã hy sinh anh dũng. Hình ảnh ấy theo tôi mãi trong suốt những chặng đường đánh giặc và tôi quyết lập công để trả thù cho các cô gái quê hương”, anh Mão kể.

Gần chục năm sau, tôi gặp anh Mão tại Học viện Lục quân. Ấy là lúc anh từ Trường Sĩ quan Lục quân 1 được điều vào làm Phó giám đốc Học viện Lục quân. Kinh nghiệm từ chiến trường, trong đó có trận mở màn Chiến dịch Tây Nguyên, anh Mão đã biến thành giáo trình, truyền đạt lại cho thế hệ nối tiếp để hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đó cũng là tên tập hồi ký của anh-Thiếu tướng, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hữu Mão: “Từ chiến trường đến nhà trường”. Tập sách đã được Thượng tướng Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam viết lời giới thiệu.

Năm nay, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão đã ở tuổi 75. Di chứng chiến tranh làm người lính Sư đoàn Đồng Bằng năm xưa không còn khỏe mạnh như trước. Nhưng ký ức một thời cầm súng cùng đồng đội đánh giặc dọc dài đất nước và cả những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Mão không bao giờ quên.

TRẦN NGUYÊN TRANG