Năm 1978, Thiếu tướng Kim Tuấn vừa từ mặt trận trở về TP Hồ Chí Minh để chuẩn bị lên đường ra Hà Nội, về Bộ Tổng Tham mưu công tác thì nhận được điện của cấp trên: “Về ngay Sở chỉ huy tiền phương 7”.
Một ngày sau, anh đã có mặt ở Bộ tư lệnh X và ngay sau đó cùng đoàn sĩ quan tham mưu ra mặt trận. Anh hy sinh ngày 17-3-1979, trong khi đang làm nhiệm vụ quốc tế trên cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3.
Thiếu tướng Nguyễn Kim Tuấn tên thật là Nguyễn Công Tiến, sinh năm 1927, trên mảnh đất nghèo nhưng giàu truyền thống huyện Thanh Oai (nay thuộc TP Hà Nội). Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 vừa thành công, Kim Tuấn vào bộ đội và được cử đi học ở Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Cuốn nhật ký “Lục quân” của Kim Tuấn còn ghi, một buổi sáng tháng 5-1946, cả Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn tưng bừng như ngày hội, đón Bác Hồ từ Hà Nội lên thăm trường.
Là một thanh niên giàu nhiệt huyết, khát khao lý tưởng độc lập, tự do, ngày đêm Kim Tuấn ra sức học tập, rèn luyện, nắm chắc những kiến thức quân sự, làm sao để trở thành cán bộ tốt của đội quân cách mạng, vì nhân dân chiến đấu, vì nhân dân phục vụ. Vừa ra trường Kim Tuấn tham gia đoàn quân Tây Tiến “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh” (thơ Quang Dũng). Các đồng chí Hoàng Sâm, Chỉ huy trưởng; Lê Hiến Mai, Chính ủy Mặt trận Tây Tiến giao cho Kim Tuấn đi vào những mũi nhọn khó khăn và việc gì được giao, anh cũng đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta bước vào những năm tháng gian khổ nhưng giành nhiều thắng lợi vẻ vang. Càng đánh càng mạnh, các đại đoàn chủ lực lần lượt ra đời. Trong vùng địch hậu Liên khu 3, Đại đoàn Đồng Bằng được thành lập. Kim Tuấn cùng đồng đội ăn hầm, ở bụi, lúc đánh càn, lúc luồn càn, vượt sông, cùng Đại đoàn lập nên nhiều chiến công trên khắp chiến trường Đồng bằng Bắc Bộ.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Sư đoàn Đồng Bằng được lệnh vào Trị-Thiên chiến đấu, sau đó dừng chân ở Tây Nguyên, đảm nhận nhiều nhiệm vụ chiến đấu và ở đâu, Sư đoàn do anh Kim Tuấn chỉ huy cũng được Mặt trận Tây nguyên (B3) và Bộ tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam đánh giá cao: Chấp hành mệnh lệnh nghiêm, đánh giặc thông minh, sáng tạo, nội bộ thống nhất cao, quân dân đoàn kết.
Miền Nam giải phóng, song tập đoàn phản động Pol Pot-Ieng Sary gây hấn và xâm lược biên giới Tây Nam nước ta. Kim Tuấn ở lại miền Nam, chỉ huy Quân đoàn 3 tác chiến chống lại quân Khmer Đỏ.
Trước khi lên đường đi làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, Đại tướng Văn Tiến Dũng siết chặt tay Tư lệnh Quân đoàn 3 Kim Tuấn: “Xin chào người anh em, con tuấn mã sông Hồng”.
Kim Tuấn xốc lại ba lô, kiểm tra khẩu súng ngắn rồi lên đường, như ngày nào đi Tây Tiến.
Anh hy sinh trên mặt trận vào mùa xuân năm 1979, trong khu vực Phum Tốc (cách Battambang 40km), ở tuổi 52.
Đồng đội ca ngợi anh, coi anh như một tấm gương sáng về bản lĩnh, ý chí chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật.
Năm 2022, kỷ niệm 95 năm Ngày sinh của Thiếu tướng, Anh hùng, liệt sĩ Kim Tuấn, chúng tôi-những đồng đội năm xưa đã đến thắp hương, tưởng niệm anh để nhớ mãi một nhân cách trọn đời “trung với Đảng, hiếu với dân”, xứng đáng là cán bộ ưu tú của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.
Đại tá TRẦN TIỆU (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử chống Pháp, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)