1. Cuối đông năm 1970, từ Nho Quan (Ninh Bình), chúng tôi hành quân vào Nam Bộ. Giáp Tết năm ấy, trời rét đậm. Ngồi trên tàu lửa, mặc dù đã mặc mấy lớp quần áo, người vẫn cứ rét run. Qua cửa sổ, làng quê hiện ra trong màn đêm mờ tỏ.

Mắt nhòe không hiểu do lạnh quá hay do nhớ mẹ.

Xe cơ giới đến Làng Ho (Kim Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình)-trạm giao liên đầu Trường Sơn-thì hành quân bộ. Mưa dầm dài ngày, đường lầy lội như ruộng đang cày. Dép cao su không chịu nổi, vắt lên cổ, đi chân trần. Đã rèn mấy tháng liền với đủ thứ tình huống mà vẫn thấy ngỡ ngàng. Tự an ủi mình, bèn đọc trại câu thơ của Tố Hữu: Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu/ Dấn thân vô là phải chịu gian nan.

Hành quân dằng dặc hơn một tháng thì đến Trạm 93 trên đỉnh Trường Sơn. Một buổi chiều, Trung đội trưởng Quản Đình Mậu, người Hà Tây, gọi đến. Đung đưa cánh võng, Trung đội trưởng thông báo: “Cậu đã có quyết định vào Đảng. Chiều mai đến trạm thì làm lễ kết nạp. Cũng là dịp dừng chân ăn Tết”. Niềm vui đến vỡ òa. Được đứng trong đội ngũ của Đảng là ước mơ, khát vọng của chúng tôi. Lại đúng dịp Tết đến. Là Tiểu đội phó, tôi cùng mấy anh em lên hậu cần tiểu đoàn nhận gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, đường, sữa, chè Phú Thọ, thuốc lá Điện Biên...

Đó là cái Tết đầu tiên ở chiến trường. Đêm Giao thừa, canh nồi bánh chưng (che chắn không để máy bay, biệt kích địch phát hiện) mà nhớ nhà da diết. Giờ này ở quê, bố đang chuẩn bị cỗ cúng Giao thừa, còn mẹ đang dưới bếp bên nồi bánh chưng.

Hôm sau, tôi cùng Trần Quang Thọ và Vũ Viết Vô, bạn học cùng lớp 10A, Trường cấp 3 Hải Hậu, được kết nạp Đảng. Lễ kết nạp đơn sơ, chỉ có lá cờ Đảng treo giữa hai cây mắc võng, vài bông lan rừng mà thiêng liêng, trang nghiêm quá.

Hơn tháng sau, chúng tôi vào căn cứ Suối Dù tập kết, chờ lệnh bổ sung cho đơn vị chiến đấu. Rừng miền Đông năm ấy rét không kém gì ngoài Bắc. Đêm tiễn Vũ Viết Vô về Trung đoàn 174, chúng tôi gần như thức trắng. Vô đi được 3 ngày, tôi nhận hung tin Vô hy sinh tại Ka Rết. Bàng hoàng, thương nhớ bạn, lại chuẩn bị tư tưởng cho mình...

leftcenterrightdel
Tác giả (đeo máy ảnh) trong chiến dịch giải phóng Phnom Penh (tháng 1-1979). Ảnh do tác giả cung cấp

2. Tôi không nghĩ Tết Ất Mão năm 1975 lại là cái Tết cuối cùng thời chống Mỹ. Dạo ấy, đơn vị đứng chân giáp biên giới Việt Nam-Campuchia. Giáp Tết, anh Lại Thế Chưởng, Trưởng tiểu ban Tuyên huấn Trung đoàn giao cho tôi và họa sĩ Nguyễn Trọng Thanh mang vài thứ nhu yếu phẩm vào phum của người Khmer để đổi gà, vịt, gạo nếp... về ăn Tết. Nhờ vốn liếng vài câu tiếng Khmer, chúng tôi được bà con đón tiếp nồng nhiệt, ấm áp. “Con tóp (bộ đội-TG) Việt Nam là anh em. Bà con Campuchia thương lắm. Muốn có gì về ăn Tết, cứ nói”. Các mẹ, các chị ở phum Thơ Mây bảo thế. Và với mấy cân xà bông, đường, muối, lương khô... chúng tôi đã đổi được đủ thực phẩm cho Tết. Về tới nơi đóng quân, dưới vòm cây thốt nốt, cả đơn vị vui mừng. Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Lương Quý Mão thấy vậy khen: “Các cậu làm dân vận khéo phết!”.

Còn cậu Ân, thành viên trong đội tuyên truyền thì nắc nẻ như trẻ thơ: “Em đảm nhiệm gói bánh chưng nhé. Ở nhà, mỗi dịp Tết đến, em vẫn lau lá dong và ngồi xem bố gói bánh”.

Tôi không ngờ đó là lần cuối cùng chúng tôi gặp Ân. Nồi bánh chưng chưa kịp nấu, đêm ấy, đội tuyên truyền có lệnh xuất quân. Và sáng hôm sau, Ân hy sinh nơi đầu ấp Thái Trị khi làm nhiệm vụ binh vận.

Nồi bánh chưng chưa kịp nấu, bởi cả Trung đoàn có lệnh hành quân vượt qua “cánh đồng chó ngáp” về giải phóng thị xã Tân An. Trước khi lên đường, tôi chạy ra đồi thốt nốt, nơi chôn cất anh Vũ (Chính trị viên phó Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 174), em Ân và nhiều đồng đội để chào tạm biệt. Tôi đứng lặng hồi lâu, không muốn chia xa. Trên đầu, gió hú qua kẽ lá thốt nốt và nghe rõ tiếng chim én đang cõng mùa xuân về.

Tạm biệt Ân và đồng đội nằm lại trên đất Campuchia, chúng tôi hành quân bước vào chiến dịch cuối cùng mang tên Bác. Ngày 30-4-1975, chúng tôi vào giải phóng thị xã Tân An. Cùng thời điểm lịch sử ấy, xe tăng của Quân đoàn 2 đã húc tung cánh cổng sắt dinh Độc Lập. Cờ giải phóng tung bay trên nóc hang ổ cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, báo hiệu ngày thống nhất đất nước đã đến.

3. Cứ nghĩ Tết Ất Mão năm 1975 là cái Tết cuối cùng của chiến tranh. Nhưng bọn phản động Pol Pot đã gây nên một cuộc chiến tranh mới nơi biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Đang chuẩn bị đón Tết Kỷ Mùi 1979 tại một căn cứ ở TP Hồ Chí Minh, tôi và anh Xuân Hòa (cùng là phóng viên Báo Quân khu 7) được giao nhiệm vụ hành quân lên biên giới giúp bạn chiến đấu, giải phóng đất nước Campuchia khỏi họa diệt chủng. Tôi nhớ mãi, anh Mai Bá Thiện, phụ trách Báo Quân khu 7 lúc ấy, mờ sáng đã đưa chúng tôi ra phở Hòa, một tiệm phở danh tiếng nằm trên đường Pasteur. Anh Thiện nói chiêu đãi hai phóng viên chiến trường để lên mặt trận an lành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Tô phở Hòa ngày ấy không bao giờ chúng tôi quên. Nay anh Mai Bá Thiện và các phóng viên Đỗ Kết, Đỗ Tất Thắng, Lê Hanh, Trần Hùng... đã về với tổ tiên. Nhắc lại kỷ niệm ấy, chúng tôi muốn trào nước mắt.

Tạm biệt anh Mai Bá Thiện, hai ngày sau, chúng tôi có mặt tại biên giới Tây Nam. Anh Xuân Hòa theo Sư đoàn 310, còn tôi theo đơn vị cũ-Trung đoàn 174, Sư đoàn 5 vượt sông Mê Công (đoạn Kratie) tiến sang lộ 6 giải phóng Kampong Thom.

Chúng tôi quên cả Tết, mải mê vừa đánh địch, vừa hành quân. Tình hình phát triển, Thiếu tướng Nguyễn Minh Châu (Năm Ngà), Tư lệnh tiền phương lúc đó (sau này là Thượng tướng, Tư lệnh Quân khu 7) lệnh cho Sư đoàn 5 lật cánh hành quân dọc lộ 7 giải phóng Kampong Cham, qua Phnom Penh tiến lên Siem Reap. Tôi theo Trung đoàn 26 thiết giáp rồi cùng Sư đoàn 302 hành quân qua thủ đô Phnom Penh, tiến lên phía Bắc Campuchia.

Đến thị xã Siem Reap (tỉnh Siem Reap), nơi có đền đài Angkor huyền bí, mới biết Tết đã đến. Chúng tôi không ăn Tết mà dồn sức cứu đồng bào Campuchia đang sống trong trại tập trung của Pol Pot. Tôi đến một phum sóc gần đền Angkor, hàng nghìn người dân Campuchia, người sống như bộ xương, người chết đang phân hủy, nằm cạnh nhau...

Đêm ấy, thả bộ một mình trong khu nhà hoang ở thị xã Siem Reap, tôi nhớ đến các đồng đội Vũ Viết Vô, anh Vũ, em Ân và những người lính Trung đoàn đã nằm lại chiến trường để cho đất nước mãi mãi mùa xuân.

TP Hồ Chí Minh, Xuân Giáp Thìn 2024

Đại tá, nhà văn TRẦN THẾ TUYỂN