Trong bài thơ chúc Tết Nhâm Thìn, Bác Hồ viết: “Xuân này, xuân năm Thìn/ Kháng chiến vừa sáu năm/ Trường kỳ và gian khổ/ Chắc thắng trăm phần trăm”...
Có được sự khẳng định đó là vì qua 6 năm trường kỳ kháng chiến, quân và dân ta đã giành nhiều thắng lợi lớn. Chúng ta từ thế phòng ngự đã phát triển mạnh mẽ, từng bước giành thế chủ động trên chiến trường. Chiến thắng của Chiến dịch Việt Bắc Thu-Đông 1947 và các trận đánh trên chiến trường, nhất là thắng lợi của Chiến dịch Biên giới (1950) và Chiến dịch Hòa Bình đang diễn ra khi đó là cơ sở để Bác nhận định, chúng ta “chắc thắng trăm phần trăm”.
Ngày 1-1-1952, Bác có “Lời chúc năm mới” gửi đến toàn thể chiến sĩ, đồng bào và kiều bào ta ở nước ngoài, kêu gọi “ra sức thi đua ái quốc”. Tiếp đến, Bác viết bài biểu dương “các đồng bào điền chủ gương mẫu” đã hiến đất, ruộng cho kháng chiến (Báo Cứu quốc số 1984, ngày 2-1-1952, với bút danh Đ.X). Bác nêu rõ: Ở Bắc, ông bà Đỗ Đình Thiện hiến hơn 2.000 mẫu; ông bà Đỗ Thúc Phách hiến 600 mẫu. Ở Nam có 300 điền chủ đã hiến 2 vạn 4 nghìn 500 mẫu... Bác khẳng định: “Đó cũng là một đặc điểm trong cuộc kháng chiến của Việt Nam. Nó chứng tỏ thêm rõ rệt sự toàn dân đoàn kết. Mà đoàn kết thì nhất định thắng lợi”.
Trên mặt trận quân sự, Tết Nhâm Thìn 1952 đến giữa lúc quân và dân ta đang tiến hành Chiến dịch Hòa Bình nhằm phá tan kế hoạch của tướng Pháp De Lattre de Tassigny với âm mưu chia cắt chiến trường Bắc Bộ với Khu 4. Chiến dịch Hòa Bình bắt đầu ngày 10-12-1951, mở màn bằng trận tiến công tiêu diệt cứ điểm Tu Vũ, kéo dài trong hai tháng rưỡi và kết thúc thắng lợi ngày 25-2-1952 (mồng 1 tháng Hai năm Nhâm Thìn). Quân Pháp thua to, phải rút khỏi Hòa Bình, Đường số 6, sông Ðà, ta mở rộng vùng chiến tranh du kích sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc Bộ. Thắng lợi giành được trong Chiến dịch Hòa Bình tiếp tục giúp ta giành thế chủ động trên chiến trường.
Để cổ vũ thắng lợi của quân và dân ta, đồng thời vạch trần âm mưu, tội ác của quân Pháp và can thiệp Mỹ, Bác Hồ viết nhiều bài đăng trên Báo Nhân dân, Báo Cứu quốc trong tháng 1-1952. Những bài báo: “Tát-xi-nhi bị tát” (Báo Nhân Dân ngày 3-1-1952); “Sau lũy tre xanh” (Báo Nhân Dân ngày 10-1-1952), “Uỵch” (Báo Nhân Dân ngày 17-1-1952) đều với bút danh C.B; đặc biệt là bài văn vần “Chết vì ốm đòn” (Báo Nhân Dân ngày 24-1-1952) của Bác không chỉ đả kích sự thất bại của quân Pháp mà còn nêu lên những thắng lợi to lớn của quân và dân ta.
Mặc dù bận rộn nhiều công việc, song Bác luôn dành thời gian theo dõi, nắm tình hình và thăm hỏi, ngợi khen, động viên bộ đội và nhân dân ta, những người lập nhiều chiến công và làm nhiều việc tốt. Cụ thể, nhân dịp giải phóng tỉnh Hòa Bình, ngày 25-2-1952, Bác gửi thư khen ngợi Ban chỉ huy và các chiến sĩ mặt trận Hòa Bình, dân công phục vụ chiến dịch và đồng bào địa phương. Thư có đoạn viết: “So với những thắng lợi trước, thắng lợi lần này là khá to. Thắng lợi lần này đã đánh dấu một bước tiến bộ mới của bộ đội ta, và đã làm cho địch phải thất bại nhục nhã trong âm mưu củng cố phòng ngự chuyển lên tiến công, nhưng bộ đội phải luôn luôn cố gắng thi đua giết giặc lập công và ra sức học tập chỉnh huấn, đồng bào phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất hơn nữa để tranh lấy thắng lợi to hơn nữa” (Hồ Chí Minh toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, năm 2011, tập 7, trang 331).
Nói chuyện với đồng bào và bộ đội nhân dịp đón Tết Nhâm Thìn 1952, Bác thay mặt Chính phủ và đoàn thể chúc mừng đồng bào trong nước vùng tự do, vùng tạm bị chiếm, vùng du kích và kiều bào ta ở nước ngoài. Bác phân tích tình hình thế giới, tình hình trong nước và nêu rõ nhiệm vụ cách mạng trong năm 1952 cho từng đối tượng và thi đua hoàn thành tốt nhiệm vụ. Bác khẳng định: “Năm Nhâm Thìn, chúng ta nhất định tranh được nhiều thắng lợi to lớn và vẻ vang hơn nữa”.
Đọc lại những bài báo, bài nói chuyện và thơ chúc Tết năm Nhâm Thìn 1952 của Bác Hồ, chúng ta khâm phục tầm nhìn của Bác và cảm nhận được sự gần gũi, ấm áp của Người; cùng với đó là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng của Bác trước kẻ thù. Lời khẳng định “chắc thắng trăm phần trăm” của Bác đã trở thành sự thật, khi quân và dân ta giành thắng lợi to lớn trên chiến trường năm 1952, tạo thế chủ động đi đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1954...
TRẦN CÔNG HUYỀN