Chúng tôi đã đến Cao Bằng, Đông Khê, tham quan khu vực Cốc Xá-điểm cao 477, nơi quân ta đã tiêu diệt 2 binh đoàn cơ động thiện chiến của quân Pháp, bắt sống cả 2 tên chỉ huy của 2 binh đoàn... Chúng tôi còn đi tiếp 16km từ đường số 4 vào đến nơi đặt Sở chỉ huy chiến dịch, nơi Bác Hồ ở và trực tiếp theo dõi, chỉ đạo chiến dịch. Người đã leo lên núi Báo Đông và cùng cán bộ, chiến sĩ quan sát trận đánh Đông Khê mở màn chiến dịch sáng 16-9-1950.

Chiến dịch Biên giới 1950 được Đảng ta và Bác Hồ xác định không chỉ tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng địa bàn biên giới rộng lớn mà còn nhằm khai thông với Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Do tầm quan trọng của chiến dịch, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp đi thị sát thực địa, nắm tình hình và chỉ đạo chiến dịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi giao nhiệm vụ cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tư lệnh kiêm Chính ủy chiến dịch, căn dặn: “Chiến dịch này hết sức quan trọng, chỉ được thắng không được thua!”.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đài quan sát trong Chiến dịch Biên giới, năm 1950. Ảnh tư liệu 

Trên đường ra mặt trận, Bác Hồ đã ghé thăm một số đơn vị, địa phương. Trước khi bước vào chiến dịch, Bác viết thư động viên, kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ dốc lòng, dốc sức chuẩn bị cho chiến dịch, khẳng định lòng tin vào thắng lợi của chiến dịch. Khi trận tiến công cứ điểm Đông Khê diễn ra, Người đã trực tiếp lên đài quan sát theo dõi, chỉ đạo trận đánh. Sau khi quân ta tiêu diệt hai binh đoàn cơ động do Le Page và Charton chỉ huy, buộc quân Pháp rút chạy khỏi thị trấn Thất Khê, Người đã chỉ đạo Bộ chỉ huy chiến dịch thông báo và cho phép phía Pháp đến nhận thương binh.

Một hoạt động đặc biệt của Bác Hồ trong thời gian đi chiến dịch, đó là việc Người cải trang, lấy danh nghĩa là cố vấn chính trị của chiến dịch đi gặp, nói chuyện với tù binh ngày 12-10-1950 tại Nà Lạn. Cuộc gặp đầu tiên với Trung tá Le Page, Chỉ huy trưởng Binh đoàn Baya và Thiếu tá quân y Duris; cuộc gặp sau đó với Trung tá Charton, Chỉ huy trưởng một binh đoàn rút khỏi thị xã Cao Bằng. Quá trình gặp tù binh, Người hoàn toàn dùng tiếng Pháp và xưng tôi, gọi các viên sĩ quan Pháp bằng ông (monsieur) hoặc các ông (messieurs) chứ không dùng từ tù binh (prisonnier). Với tầm hiểu biết sâu rộng, đối nhân xử thế đúng mực, ôn tồn, Người tìm hiểu suy nghĩ, thái độ, tâm trạng của từng viên sĩ quan về cuộc chiến tranh và về Chính phủ Pháp, chỉ rõ sự phi nghĩa, giết chóc tàn bạo của cuộc chiến tranh xâm lược mà họ đang tham gia; giải thích vì sao nhân dân Việt Nam phải chiến đấu để bảo vệ độc lập dân tộc.

Qua các cuộc gặp, Bác Hồ từ tốn nghe Le Page, Charton, Duris nói, rồi lấy bao thuốc lá ra mời, tự tay châm lửa cho họ và cùng hút với họ. Sau đó, Người nói chậm rãi nhưng kiên quyết: Chính phủ Pháp đã cố tình gây ra cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam-một nước mà Pháp đã công nhận có chủ quyền. Vì thế, nhân dân và Quân đội Việt Nam bắt buộc phải chiến đấu chống lại và nhất định sẽ bảo toàn được nền độc lập, toàn vẹn lãnh thổ. Các ông đã thua trong Thu Đông 1947 ở Việt Bắc, nay lại thua trên chiến trường biên giới trong Thu Đông 1950 này. Nếu còn ngoan cố, các ông sẽ còn tiếp tục thua trên các chiến trường khác, kể cả trên mặt trận đấu tranh chính trị, sẽ thua hoàn toàn... Người còn nói với Charton: Ông nói quân đội Pháp đánh nhau với Việt Minh là không đúng. Việt Minh là tên một tổ chức rộng rãi của toàn thể nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ đoàn kết toàn dân, chiến đấu giành độc lập, tự do cho dân tộc. Còn tổ chức và lực lượng vừa chiến thắng các ông là Quân đội nhân dân Việt Nam.

PGS, TS NGUYỄN MẠNH HÀ