Xã Thanh La (nay là xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) là địa phương diễn ra cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cách mạng cấp xã đầu tiên trong cả nước. 

Khởi nghĩa Thanh La nổ ra đêm 10-3-1945 (một ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp ở Đông Dương), dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Tạ Xuân Thu và Ban chỉ huy Phân khu Nguyễn Huệ, LLVT cách mạng đã mau lẹ tước vũ khí của lính dõng, bắt bọn tổng lý phải quy phục, giao nộp súng ống, bằng sắc, triện đồng cho ta. Ta giải phóng hoàn toàn xã Thanh La trong đêm 10-3-1945. Sáng 11-3-1945, sau cuộc mít tinh tuyên thệ tại sân đình Thanh La, quân khởi nghĩa với nòng cốt là lực lượng Cứu Quốc quân 3 và tự vệ địa phương giương cao cờ đỏ sao vàng, biểu ngữ cách mạng tiến về giải phóng Đăng Châu, huyện lỵ Sơn Dương. Đêm 12, rạng sáng 13-3-1945, ta bao vây đánh đồn Đăng Châu và hạ đồn sau ít phút, thu hơn 100 khẩu súng, hàng chục két lựu đạn phân phát cho các đội tự vệ, phá kho thóc của Nhật ở huyện lỵ để chia cho dân nghèo.

Ngày 16-3-1945, tại sân đình Thanh La đã diễn ra cuộc mít tinh để tuyên bố thành lập châu Tự Do và bầu ra Ủy ban Cách mạng lâm thời. 

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Thanh La đã tạo điều kiện để đón Bác Hồ từ Pác Bó, Cao Bằng về châu Tự Do (nay thuộc huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang) ở và làm việc, kịp thời chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đi đến thắng lợi trong phạm vi cả nước.

leftcenterrightdel
Bia ghi danh đội viên Trung đội Cứu Quốc quân 2. 

Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn, ngày 23-3-1945, châu lỵ Chợ Rã hoàn toàn giải phóng. Ngày 30-3-1945, tại thôn Phiêng Chì, xã Thượng Giáo (nay thuộc huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn), đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc mít tinh trọng thể tuyên bố Quyết định thành lập Ủy ban nhân dân lâm thời cấp châu (huyện) và đặt tên là châu Chợ Rã với sự tham gia của đông đảo quần chúng nhân dân địa phương. Sự kiện lịch sử này gây tiếng vang lớn trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật, cứu nước của nhân dân ta trên khắp cả nước; khẳng định đường lối lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn của Đảng và Bác Hồ, trực tiếp là Mặt trận Việt Minh do đồng chí Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Chính quyền châu Chợ Rã ra đời đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cao trào chống Nhật, cứu nước, tiến tới Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, giành chính quyền về tay nhân dân. Châu Chợ Rã nay thuộc huyện Ba Bể là một trong những địa phương điển hình của phong trào chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới của tỉnh Bắc Kạn.

Trước đó, ngày 15-9-1941, tại rừng Khuôn Mánh, xã Tràng Xá, huyện Võ Nhai (Thái Nguyên), đồng chí Hoàng Quốc Việt thay mặt Trung ương Đảng tuyên bố thành lập Trung đội Cứu Quốc quân 2 với 36 cán bộ, chiến sĩ, trong đó 22 chiến sĩ là con em xã Tràng Xá. Sau một thời gian, Trung đội Cứu Quốc quân 2 phát triển lực lượng lên 46 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế thành 5 tiểu đội, với trang bị vũ khí còn rất thô sơ, điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn. Nhưng với tinh thần yêu nước, dũng cảm quên mình, ngay từ ngày đầu thành lập, các chiến sĩ của Trung đội Cứu Quốc quân 2 đã dũng cảm xả thân quên mình bước vào cuộc chiến đấu với quân thù, lập nhiều chiến công. Đó là các trận đánh: Đèo Bắp, tiêu diệt tên Đức Phú phản động gian ác; Mỏ Nùng (Lâu Hạ); Suối Bùn (Tràng Xá); Lân Han; cây đa La Hóa...

Đêm 20-3-1945, lực lượng cách mạng (nòng cốt là Cứu Quốc quân) bao vây châu lỵ La Hiên, kêu gọi địch đầu hàng. Gặp sự chống trả của địch, Cứu Quốc quân đã nổ súng tiêu diệt hàng chục tên Pháp, bắt sống hơn 100 lính khố xanh, lính dõng... Ngày 21-3-1945, Trung đội Cứu Quốc quân 2 cùng với đông đảo quần chúng nhân dân trong châu đánh chiếm châu lỵ La Hiên, thành lập chính quyền cách mạng huyện Võ Nhai. Đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên ở Thái Nguyên và cũng là một trong những đơn vị cấp huyện đầu tiên trong cả nước giành được chính quyền trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ