Là người lính trực tiếp cầm súng những năm chống Mỹ ác liệt nhất, thời gian ấy đã giúp nhà văn Chu Lai có một vốn sống dày dặn, phong phú-thứ tài sản quý báu của nhà văn. Lại thêm tâm huyết về đề tài người lính và tài năng sáng tạo ở thể tiểu thuyết, Chu Lai đã gặt hái những trái ngọt (chỉ riêng khu vực tiểu thuyết sử thi) với: “Nắng đồng bằng”; “Ăn mày dĩ vãng”; “Phố”; “Ba lần và một lần”; “Cuộc đời dài lắm”; “Khúc bi tráng cuối cùng”; “Mưa đỏ”...
Chắc hẳn người lính đặc công nước Chu Lai xưa đã giúp nhà văn Chu Lai nay miêu tả ấn tượng hình ảnh anh lính thông tin giữa dòng Thạch Hãn nối hai đầu dây thông tin bị đứt. Không đủ chiều dài dây để nối, anh đã “quyết định đưa hai đầu dây vào giữa hai hàm răng, nghiến chặt để tạo thành sự liền mạch, thành mối nối qua thân thể... Một trái pháo nổ gần, toàn thân anh tung lên, dập xuống nhưng răng vẫn không rời mối dây”. Chi tiết ấy chỉ diễn ra trong mấy chục giây của bối cảnh chung là trận chiến giữ Thành cổ Quảng Trị-một trong những trận chiến dài ngày nhất, căng thẳng và dữ dội nhất: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sĩ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thật sự là một mét vuông máu”. Cái tên “Mưa đỏ” là một ẩn dụ ám ảnh đậm chất sử thi, “mưa đỏ” chính là “mưa máu”!
Dòng Thạch Hãn chảy suốt trong “Mưa đỏ” làm nên kết cấu trôi theo dòng thời gian 81 ngày đêm, không chỉ chảy ngoài không gian địa lý, còn chảy trong không gian tâm trạng các nhân vật tạo cho nhịp tiểu thuyết uyển chuyển, linh hoạt và đa dạng như chính trên chiến trường ngày ấy. Vang lên từ bản giao hưởng bi tráng này là âm thanh của đạn bom, của đủ mọi loại đạn pháo, vũ khí, phương tiện chiến tranh hiện đại nhất lúc bấy giờ. Là hình ảnh các chiến sĩ cảm tử bên ta và những người lính “phía bên kia”-khi họ bị đẩy vào bước đường cùng. Là khói lửa, là những cái chết... Nhà văn đã chọn được bối cảnh tiêu biểu về chiến tranh ác liệt nhất không chỉ ngoài chiến địa mà còn cả trong lòng người ở hai bờ chiến tuyến, với những đấu tranh giằng xé để bật ra sự dũng cảm và đớn hèn, yêu thương và căm giận, thiện và ác... Tiểu thuyết “Mưa đỏ” đã vươn tới sự đa thanh, đa giọng, đa tuyến, đa tính cách.
Đối mặt với bão lửa dữ dội, khủng khiếp là một tiểu đội có Tiểu đội trưởng Tạ cùng “dáng nông dân chắc nịch vùng đồng bãi...”, còn các chiến sĩ khác thì mỗi người một quê. Lúc chiến đấu, họ là những người lính ngoan cường, lúc thư thái hiếm hoi, họ sinh hoạt như trong một gia đình. Đó là Sen đã lớn tuổi người Sài Gòn, Cường-sinh viên Nhạc viện Hà Nội, Bình “vẩu”-sinh viên mỹ thuật quê Đông Hà, Hải “gù”-công nhân điện Hà Tây. Em út là Tú, tròn tuổi 16. Về sau bổ sung thêm Tấn mới 15 tuổi. Đó là lứa thanh niên “tài hoa ra trận” để thành những người lính can trường, quả cảm.
|
|
Nhà văn Chu Lai. Ảnh: NGUYỄN TÚ
|
Một người lính được nhà văn điêu khắc bằng thứ ngôn ngữ vừa hoành tráng sử thi vừa trữ tình là Đặng Huy Cường. Có bố là bộ đội chống Pháp, anh trai là liệt sĩ, được tuyển chọn đi học nước ngoài nhưng Cường tình nguyện lên đường chiến đấu và có mặt ở Thành cổ gần trọn 81 ngày đêm. Như một nốt nhạc trong bản tổng phổ giao hưởng hoành tráng, Cường đã góp thêm, tô thêm màu đỏ chiến công của lá cờ chiến thắng. Những giọt máu hồng tươi đỏ của đời anh đã hòa lẫn vào “mưa đỏ” để tưới nhuần cỏ xanh Thành cổ tươi non sắc xanh hòa bình. Cùng với Cường, là Hải một mình đánh nhau với cả đại đội hắc báo, là Tú đang tuổi học trò 16 mà đã đánh giáp lá cà đẩy lui cả đội hình tập kích địch... Thân thể họ, tuổi hai mươi của họ đã hóa “thành sóng nước” dòng Thạch Hãn để “vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”!
Vượt qua giới hạn của một tiểu thuyết sử thi truyền thống miêu tả một trận đánh, một chiến dịch và “ta” thắng, “địch” thua, “Mưa đỏ” đã vươn tới sự phân tích tâm lý khá sắc sảo ở mọi tuyến nhân vật. Như ở tuyến nhân vật phản diện, điển hình là tên Quang-toán trưởng hắc báo ngụy được miêu tả sống động làm hiện lên sự hung hãn, với một “bản lĩnh chống Cộng” điên cuồng, nhưng hắn cũng có những rung động, trăn trở về cuộc chiến tranh mà hắn tham chiến!
Hình thức “liên văn bản” nhật ký-tiểu thuyết trong “Mưa đỏ” được vận dụng thành công tạo ra hai điểm nhìn song hành, điểm nhìn của người kể chuyện và điểm nhìn của nhân vật chính-Cường. Điểm nhìn của người kể đánh giá một cách khách quan về cuộc chiến thì điểm nhìn nhân vật (Cường trong các trang nhật ký) lại đậm yếu tố chủ quan, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy, trực tiếp tham gia các biến cố. Nhờ vậy, giọng kể vừa có cái vô tư bên ngoài, bao quát lại có cả tiếng nói bên trong, cụ thể. Giọng kể còn mở ra các không gian mờ ảo, chưa rõ ràng, là các vùng linh giác, linh cảm... mà khoa học gọi là “trường sinh học”-mối liên hệ chỉ xuất hiện ở những người có quan hệ mật thiết, máu mủ.
Qua các trang nhật ký, bạn đọc hình dung rõ hơn về chiến sĩ Cường với tâm hồn trong trẻo của ánh sáng lý tưởng cùng mối quan hệ thiêng liêng với người mẹ. Khi Cường chiến đấu ở Quảng Trị thì mẹ Cường (bà Lan) cũng là chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận ngoại giao ở Paris không kém cam go, gay cấn... Là một người phụ nữ đẹp, vị tha, thông minh, đảm đang nhưng chẳng may chồng mất sớm, bà Lan một mình nuôi các con trưởng thành. Là người mẹ, bà tha thiết mong mỏi đến ngày hòa bình để những thanh niên như Cường được miệt mài trên giảng đường đại học. Trước khi bay về miền mây trắng, như bao người lính trẻ ngã xuống vì Tổ quốc, Cường nghẹn ngào cất lên hai tiếng thiêng liêng cuối cùng: “Mẹ ơi!”. Vì lúc ấy, người mẹ là điểm tựa tinh thần lớn lao nhất. Mẹ sinh ra con và mẹ đón con về. Đúng thời điểm ấy, trong vô thức, bà Lan có một âm vọng như là tiếng gọi của đứa con yêu. Một tiếng nói của tình mẫu tử thảng thốt đáp lại: “Con ơi!”... Người con ấy không chỉ lấy máu mình góp phần viết nên chiến thắng ở Thành cổ mà còn trở thành nguồn sức mạnh để mẹ mình chiến thắng trên bàn đàm phán!
|
|
Bìa tiểu thuyết "Mưa đỏ" của nhà văn Chu Lai.
|
Tác giả dành trang sách cuối để viết về sự hy sinh anh dũng của Cường nhưng những trang ý nghĩa mới thì mở ra: Để có ngày độc lập thì phải có biết bao chiến sĩ tuyệt vời dũng cảm và thánh thiện, trong sáng như vậy ngã xuống? Cao hơn cái chết là vô cùng sự sống. Vượt lên mất mát là chân trời hy vọng. Những cái chết anh hùng ấy đã nâng “Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân”!
Dường như để cân bằng với hiện thực dữ dội kia, có một nguồn ánh sáng của chất thơ trữ tình soi rọi vào miền đất chiến tranh khô cằn, lạnh lẽo. Đó là những dòng thư gửi mẹ của chàng sinh viên Cường tràn trề khát vọng mà chân thành đến đáy. Đó là hình ảnh cô gái (Hồng) đẹp đến nao người chèo thuyền vẽ trên dòng Thạch Hãn buổi sớm êm đềm những quầng sáng thần thánh... Những hình tượng ấy như là một cách lý giải người Việt Nam chiến thắng kẻ thù hung bạo không chỉ bằng lòng dũng cảm, trí thông minh, còn bằng lý tưởng, tình người, cái đẹp và sự thanh thản đến lạ kỳ...
Những cơn “mưa đỏ” đã ngấm sâu vào mảnh đất văn hóa Việt để cây cối đâm chồi nảy lộc, kết thành màu xanh hòa bình, hy vọng. Dưới ánh sáng mặt trời lý tưởng cách mạng, màu xanh ấy sẽ xanh mãi, xanh mãi đến vô cùng!
NGUYÊN THANH