Chúng tôi cùng Đại tá Nguyễn Song Phi, Chánh văn phòng Hội đến thăm gia đình cựu chiến binh Phạm Xuân Nội, Chi hội trưởng Chi hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị quận Hoàn Kiếm, Ủy viên Ban chấp hành Hội. Trong khi ông pha trà mời khách, tôi chú ý đến ngón áp út bàn tay phải bị cụt mất hai đốt của ông và được biết đó là hậu quả của lần bị thương trong chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Cựu chiến binh Phạm Xuân Nội bảo: “Vết thương này không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bằng 12 mảnh đạn vẫn còn găm trong phổi và trên nhiều bộ phận cơ thể của tôi. Nhưng tôi được trở về đã là may mắn rất lớn rồi!”.

Trầm tư một hồi lâu, những kỷ niệm một thời trai trẻ như một cuốn phim hiện về trong ký ức của ông. Tháng 4-1972, cũng như bạn bè đồng trang lứa, Phạm Xuân Nội hăng hái nhập ngũ. “Ngày 27-4, Trường Phổ thông trung học Việt Đức (nay là Trường THPT Việt Đức) của chúng tôi có đến hơn 100 học sinh cùng nhập ngũ. Tôi được biên chế vào Đại đội 55, Tiểu đoàn 60, Trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ đô. Ngay trong những ngày huấn luyện trên thao trường ở Tân Lạc (Hòa Bình), đại đội tân binh chúng tôi đã bị máy bay Mỹ oanh kích, làm hai chiến sĩ hy sinh. Nỗi mất mát ấy càng làm chúng tôi tích cực luyện rèn để sẵn sàng đợi lệnh vào chiến trường”, cựu chiến binh Phạm Xuân Nội kể. 

leftcenterrightdel
Các cấp hội luôn quan tâm, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: KHÁNH VÂN

Vào đến chiến trường, hầu hết chiến sĩ Đại đội 55 của Phạm Xuân Nội được biên chế vào Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B chiến đấu bảo vệ thị xã Quảng Trị. Đến đêm 12-9-1972 thì có lệnh tăng cường vào Thành cổ. Trong đêm tối, các chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn dưới mưa bom, bão đạn của kẻ thù. Lúc ra đến giữa sông, chợt Phạm Xuân Nội nghe một tiếng nổ trầm đục, ngay bên cạnh, đồng chí Hoàng Ngọc Bằng (nhà ở số 17 Hàng Cót, Hoàn Kiếm) chới với: “Nội ơi, cứu tao với!”. Biết bạn đã trúng đạn, nhưng trong hoàn cảnh ấy, Phạm Xuân Nội đã không thể làm gì để cứu bạn mình. Sau này, các ông còn được biết, trong chuyến vượt sông ấy, nhiều chiến sĩ Hà Nội đã anh dũng hy sinh khi mới ở độ tuổi 17, 18.  

Từ ngày 13 đến 15-9-1972, Phạm Xuân Nội và đồng đội đã liên tục chiến đấu trong điều kiện vô cùng gian khổ nhưng ai cùng tràn đầy quyết tâm. Hết loạt bom địch là lại xông lên phía trước. Trong lúc chiến đấu, Phạm Xuân Nội bị một mảnh pháo khá lớn xuyên thủng chiếc bi đông nước đeo bên hông, một số mảnh xuyên vào đầu và nửa người bên phải khiến ông ngất lịm. Sau này, ông được công nhận thương binh hạng 3/4.

Nhập ngũ cùng ngày với Phạm Xuân Nội, biên chế về Đại đội 53, Tiểu đoàn 60, chiến sĩ Trần Trung Thành khi ấy mới 17 tuổi, nhà ở phố Tạ Hiện, phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm). Mặc dù nhà đã có hai anh trai là bộ đội nhưng ông vẫn dùng máu viết đơn tình nguyện tòng quân. Trong ký ức của ông Trần Trung Thành, lần bị máy bay địch đánh trúng đội hình hành quân tại Quảng Bình vẫn hiện lên rõ mồn một: “Đêm đó, xe chúng tôi vừa ra khỏi rừng thì đột nhiên có tiếng máy bay phản lực trên đầu, sau đó là những chùm pháo sáng soi rõ cả đoàn xe... Chúng tôi nhanh chóng tỏa xuống hai bên đường, tìm vị trí ẩn nấp. Sau 20 phút bắn phá, máy bay địch rút đi. Tập hợp lại đội hình, thật đau xót khi Đại đội tôi thương vong hơn 10 đồng chí!”.

leftcenterrightdel

Ban Chấp hành Hội Truyền thống Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị TP Hà Nội tại Khu di tích về Bác ở Phủ Chủ tịch. Ảnh: KHÁNH VÂN

Ông Thành và một số đồng đội quê Hà Nội được biên chế về Tỉnh đội Quảng Trị, rồi về Thị đội, khi ấy có tên là Biệt động Quảng Hà. Sau ngày 16-9-1972, khi quân ta đã rút khỏi Thành cổ thì vẫn còn một số đơn vị bám trụ ở Quảng Trị. Ta và địch khi đó ở đan xen. Hai bên đều không mở cuộc tấn công lớn nào mà chỉ cắm chốt, giữ vị trí và đánh quấy rối. Ngay đêm đầu tiên vào chốt, hai người bạn Hà Nội là Tuấn và Quyền đã chiến đấu rất dũng cảm. Sau đó, đồng chí Tuấn trúng đạn hy sinh tại trận địa còn đồng chí Quyền bị thương nát một bên vai. Ngay lúc ấy, ông Thành nhanh chóng đưa đồng chí Quyền về trạm phẫu tiền phương rồi quay lại tìm thi thể đồng đội. Trong đêm tối, lợi dụng những lúc địch bắn pháo sáng để quan sát, tìm kiếm, mãi đến khi trời gần sáng ông mới tìm được thi thể của đồng chí Tuấn. Sự hy sinh của đồng đội đã tiếp thêm sức mạnh để ông Thành kiên cường chiến đấu tiêu diệt kẻ thù, trở thành một trong những tay súng bắn tỉa gan dạ, khiến kẻ địch phải khiếp sợ...

Năm 2015, những cựu chiến binh từng chiến đấu ở Quảng Trị hiện đang sinh sống và công tác ở Hà Nội đã thống nhất đề nghị và được UBND TP Hà Nội ra quyết định thành lập Hội. Với mục đích tri ân, nghĩa tình đồng đội, chia sẻ vui buồn, khó khăn, đến nay, Hội đã phát triển lên 1.338 hội viên với 15 chi hội trực thuộc. Nhiều năm qua, các cấp hội đã trao hàng trăm suất quà tặng hội viên và hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa nhà cho hội viên; tổ chức thành công Hội thảo khoa học với chủ đề “Chiến sĩ người Hà Nội trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972” năm 2018... Với tinh thần tri ân, tưởng nhớ đồng đội, những năm qua, các cấp hội đã tổ chức cho hơn 1.500 lượt hội viên vào thăm chiến trường Quảng Trị, dâng hương tại các nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà trẻ em nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn với số tiền hàng trăm triệu đồng.

leftcenterrightdel
Hội Truyền thống Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị TP Hà Nội dâng hương tại Thành cổ Quảng Trị, năm 2022.  

Theo Đại tá Nguyễn Song Phi, các hội viên đã vận động, quyên góp được gần 1 tỷ đồng để nâng cấp, tôn tạo Nghĩa trang Liệt sĩ xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị với gần 2.000 mộ liệt sĩ. Có cựu chiến binh trực tiếp lưu lại Quảng Trị nhiều tháng liền để hỗ trợ việc khắc lại chữ trên bia mộ liệt sĩ và xây nhà quản trang tại đây.

Đặc biệt, tháng 7-2022, Hội đã phối hợp với UBND tỉnh Quảng Trị và các cấp, ngành làm lễ cầu siêu tưởng niệm anh linh các liệt sĩ tại Di tích Quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị và làm lễ thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn. “Trong dịp này, Hội cũng vận động được hơn 200 triệu đồng tặng quà các gia đình chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương. Với chúng tôi, tri ân đồng đội là nghĩa cử, cũng là mệnh lệnh thiêng liêng với mỗi cựu chiến binh của Hội!”, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Giang Văn Thành, Chủ tịch Hội bộc bạch.

THU THỦY