Vĩ tuyến 17 và khát vọng thống nhất
Ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneva về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết. Theo đó, Việt Nam tạm thời bị chia cắt làm hai miền, lấy Vĩ tuyến 17 làm giới tuyến.
Quảng Trị là nơi đế quốc Mỹ gây bao đau thương, mất mát cho quân và dân ta. Quảng Trị cũng là tỉnh duy nhất của cả nước phải chịu nỗi đau vô hạn, trực tiếp mang trên mình vết thương chia cắt. Bởi vậy, nhiệm vụ chống chia cắt, giữ vững sự thống nhất đất nước để hậu phương nối liền với tiền tuyến, hỗ trợ lẫn nhau chiến đấu và chiến thắng là nhiệm vụ hàng đầu của quân và dân tỉnh Quảng Trị.
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, các huyện phía nam sông Bến Hải bị Mỹ-ngụy chọn làm địa bàn trực tiếp chia cắt chiến lược, vừa phòng ngự ngăn chặn miền Bắc tiến công, vừa gây dựng bàn đạp để khi có thời cơ sẽ tấn công xâm lược miền Bắc. Vì vậy, Quảng Trị trở thành đầu cầu chiến lược quan trọng để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam. Đây là nơi đọ sức quyết liệt giữa lực lượng cách mạng và phản cách mạng; giữa chính nghĩa và phi nghĩa, nơi đụng đầu lịch sử của hai chế độ, nơi quyết chiến, điểm vô cùng ác liệt của chiến tranh... “Trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ, quân và dân tỉnh Quảng Trị đã đoàn kết, vững chí bền lòng, kiên cường, dũng cảm, ra sức xây dựng thế và lực, càng đánh càng mạnh, càng chiến đấu càng trưởng thành”, Thượng tá Nguyễn Hữu Đàn, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị tự hào nói về vùng đất thân yêu.
Cách đây 50 năm, chiến sự ở vùng đất Quảng Trị trở thành tâm điểm chú ý của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Để hiểu rõ hơn về sự kiện này, chúng tôi đã tới khu chung cư Hưng Thịnh, xã Hưng Lộc, TP Vinh, tỉnh Nghệ An gặp Thiếu tướng Cao Xuân Khuông. Khi nhắc về khoảng thời gian chiến đấu ở Quảng Trị, Thiếu tướng Cao Xuân Khuông xúc động nói: “Trong suốt thời gian chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, hằng ngày, Mỹ-ngụy tổ chức nhiều đợt tiến công với sự chi viện của không quân. Pháo mặt đất từ phía sau bắn ra, pháo hạm từ Cửa Việt bắn vào hàng vạn quả... Quân và dân ta đã kiên cường chống trả, gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Tuy nhiên, trong cuộc chiến đấu ác liệt đó, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của ta đã anh dũng ngã xuống...”.
|
|
Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị chuẩn bị thả hoa đăng trên dòng sông Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ, năm 2021. Ảnh: XUÂN DIỆN |
Sau khi kết thúc 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị, cấp trên cử một số cán bộ đại diện cho LLVT địa phương ra Hà Nội báo cáo với lãnh đạo Quân ủy Trung ương, thủ trưởng Bộ Quốc phòng. Thành phần đoàn gồm 3 đồng chí: Lê Quang Thúy, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, Sư đoàn 320; Lê Ích Thu, Chính trị viên Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 48 và Cao Xuân Khuông, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị. Thiếu tướng Cao Xuân Khuông nhớ lại: “Đầu tháng 11-1972, chúng tôi ra Hà Nội, lần lượt báo cáo với thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, gồm các đồng chí: Lê Trọng Tấn, Vương Thừa Vũ, Trần Sâm... Tiếp đó, chúng tôi có buổi báo cáo với lãnh đạo Quân ủy Trung ương do đồng chí Văn Tiến Dũng chủ trì. Ngày 26-11-1972, đoàn công tác báo cáo với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trước lúc về, Đại tướng căn dặn: “Phải rút kinh nghiệm để tìm ra cách đánh mới ở thành phố, thị xã, để chúng ta không chỉ giữ được 81 ngày đêm, mà phải giữ được 100 ngày, 1.000 ngày và giữ được mãi mãi bất cứ thành phố, thị xã nào...”.
Để tìm hiểu thêm nhân chứng trực tiếp tham gia chiến đấu ở Quảng Trị năm 1972, chúng tôi tới phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, TP Hà Nội để nghe Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Giang Văn Thành kể chuyện thời chiến. Thiếu tướng Giang Văn Thành hiện là Chủ tịch Hội truyền thống Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị TP Hà Nội, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Sĩ quan Chính trị. “Đầu năm 1972, tôi là chiến sĩ Tiểu đội Hỏa lực thuộc Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1). Ngày 17-11-1972, lúc đó tôi là trung sĩ, được cấp trên chỉ định giữ chức Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B. Trong suốt quá trình chiến đấu, chúng tôi nhận được sự yêu thương, đùm bọc, che chở, giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và bà con nhân dân, bộ đội địa phương, nhất là việc dẫn đường, giúp chúng tôi cứu chữa thương binh và làm công tác tử sĩ...”, Thiếu tướng Giang Văn Thành kể lại.
“Đêm hoa đăng” tri ân các anh hùng liệt sĩ
Dòng sông Thạch Hãn đã đi vào huyền thoại, gắn liền với chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong suốt 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Không biết bao nhiêu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh, máu xương hòa vào dòng sông. Ngày nay, nhiều người coi dòng sông Thạch Hãn là một “nghĩa trang liệt sĩ không bia mộ”. Theo Trung tá Hà Huy Công, Chính trị viên phó Ban CHQS thị xã Quảng Trị, Chương trình “Đêm hoa đăng” lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2012, đến nay đã trở thành hoạt động thường xuyên. Chương trình diễn ra vào tối 14 âm lịch hằng tháng để tri ân các anh hùng liệt sĩ, đồng thời tạo dấu ấn văn hóa-du lịch tâm linh của vùng đất thiêng Thành cổ. Mới đây, ngày 14-4-2022 (tức ngày 14-3 năm Nhâm Dần), Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với UBND thị xã Quảng Trị, Trung tâm Văn hóa thông tin-Thể dục thể thao, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, LLVT trên địa bàn tổ chức Chương trình “Đêm hoa đăng”. “Theo thông lệ, từ 18 giờ 30 phút đến 19 giờ ngày 14 âm lịch, tại hai bờ bắc và nam sông Thạch Hãn, cán bộ, chiến sĩ quân phục chỉnh tề cùng hàng trăm, hàng nghìn người dân đến đây để chờ thời khắc thả hoa đăng. Chúng tôi rất vinh dự, tự hào được tham gia, đồng hành với các Chương trình “Đêm hoa đăng” và “Lễ hội hoa đăng” để tri ân các anh hùng liệt sĩ”, Trung tá Hà Huy Công cho hay.
Đặc biệt, trong những ngày tháng Tư lịch sử, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã diễn ra chuỗi hoạt động kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 / 30-4-2022); 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1-5-1972 / 1-5-2022) và 50 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (1972-2022). Điểm nhấn là sáng 30-4, tại Di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải đã diễn ra Lễ thượng cờ thống nhất non sông đầy trang nghiêm, xúc động...
Ai đến vùng đất thiêng Quảng Trị hôm nay đều cảm nhận được, nơi đây thấm đượm tình đất, tình người. Chúng tôi đứng bên dòng sông Thạch Hãn-địa danh đầy bi tráng đã đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người. Và bất chợt bên tai chúng tôi văng vẳng những câu thơ của cựu chiến sĩ Thành cổ Phạm Đình Lân: “Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi/ Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ/ Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió/ Ru mãi bài ca bất tử đến vô cùng”...
NGUYỄN KIÊN THÁI