Ngày 19-3-1975, địa phương cuối cùng của tỉnh Quảng Trị là huyện Hải Lăng mới được giải phóng, nhưng tỉnh Quảng Trị lấy ngày 1-5-1972 làm dấu mốc giải phóng quê hương. Và câu chuyện bắt đầu từ cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải...
Ký ức dân tộc khó quên những tháng năm đất nước tạm thời bị chia đôi theo Hiệp định Geneva được ký kết vào tháng 7-1954. Vết cắt non sông ấy được định vị ở vĩ tuyến 17 và Bến Hải trở thành chỗ đứt của sợi dây đàn bầu có tên gọi Việt Nam. Một nhà thơ nước ngoài từng ví như thế.
Nhưng, với người Việt Nam thì khác, phần đông đồng cảm với thi sĩ Tế Hanh với hai câu thơ để đời: “Trời vẫn xanh một màu xanh Quảng Trị/ Tận chân trời mây núi có chia đâu”. Khát vọng thống nhất non sông chưa phút giây nào lịm tắt trong lòng dân đất Việt. Nếu theo đúng Hiệp định Geneva thì hai năm sau đó, tức vào tháng 7-1956 sẽ có cuộc tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Ôi, giá như điều đó thành hiện thực thì năm tôi chào đời sẽ trở thành năm thống nhất non sông. Và chắc chắn rằng sẽ không có hai mươi năm đánh trận trường kỳ, hai mươi năm đất nước không đêm nào ngủ được khi cả dân tộc “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”.
Quảng Trị cũng sẽ không có Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn; Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9; không có 81 ngày đêm đỏ lửa ở Thành cổ; Khe Sanh vẫn là Khe Sanh chứ không là “khe tử” ám ảnh những người lính viễn chinh Hoa Kỳ... Bao nhiêu máu xương của đồng bào, đồng chí đã đổ xuống cho nền độc lập, tự do dân tộc, hòa bình thống nhất non sông, mà Quảng Trị được coi như là một biểu tượng bi tráng của cuộc chiến tranh yêu nước chống đế quốc xâm lược kéo dài hai thập kỷ. Di tích lịch sử đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải xứng đáng được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt. Không có giá trị nào lớn hơn độc lập, tự do dân tộc và hòa bình, thống nhất non sông. Tư tưởng yêu nước, thương dân không bao giờ cũ kỹ, lỗi thời.
Di tích đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải sẽ luôn nhắc nhớ hôm nay và mai sau điều đó. Cây cầu Hiền Lương đã được phục dựng theo cầu sắt do Pháp xây dựng năm 1952, với chiều dài 183,65m, rộng 5,50m là một chứng tích lịch sử quan trọng về một thời “ngày Bắc đêm Nam” thổn thức, xót xa ấy. Nó là chứng tích lịch sử minh chứng cho thế hệ hôm nay và mai sau câu chuyện của quá khứ bi hùng đầy chiến công kỳ tích nhưng cũng nặng trĩu nỗi mất mát thương đau.
Ngày giải phóng Quảng Trị gắn liền với cuộc tiến công chiến lược năm 1972 của quân và dân ta trên toàn miền Nam. Lịch sử ghi rõ, cuối tháng 3-1972, hai Sư đoàn 304 và 308 với sự hỗ trợ của các trung đoàn xe tăng và pháo binh đã vượt sông Bến Hải tiến về phía nam. Cùng lúc, từ phía tây, Sư đoàn 324B với xe tăng hỗ trợ xuất phát từ Lào theo Đường 9 vào Khe Sanh rồi tiến về đồng bằng. Hệ thống phòng thủ của sư đoàn 3 ngụy và đồng minh Mỹ bị bóc ra từng mảng dẫn đến tan rã.
Ngày 28-4-1972, lá cờ giải phóng tung bay trên thị xã Đông Hà, quân ta tiếp tục áp sát thị xã Quảng Trị. Hốt hoảng, quân ngụy được lệnh rút về cố thủ ở sông Mỹ Chánh. Ngày 1-5-1972, thị xã Quảng Trị được giải phóng. Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta giành thắng lợi lớn đã góp phần làm thay đổi cơ bản cục diện chiến trường, đẩy chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”của Mỹ đến bờ vực phá sản, tạo đà và thế cho việc giải phóng hoàn toàn miền Nam sau này.
|
|
Bình yên ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Ảnh: HOÀNG HÀ |
Về Quảng Trị mà chưa tới Thành cổ coi như chưa có mặt ở mảnh đất này. Tôi đã từng đến đây nhiều lần; điều ám ảnh tôi nhiều nhất có lẽ là cỏ. Cái màu cỏ xanh nhức tưởng rằng chẳng có nơi nào như thế. Trong bài thơ “Thắp cho Thành cổ” tôi viết: “Rêu cũng đỏ như đã từng là máu/ cỏ xanh hơn nơi vạn chiến binh nằm/ Ù ù gió hay hồn lính trận/ thổi trăm năm không qua được mùa hè...”. Mùa hè năm 1972, Mỹ-ngụy đã điên cuồng mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị với mật danh “Lam Sơn 72”. Mục tiêu số 1 của đối phương là phải chiếm lại Thành cổ bằng mọi giá.
Thành cổ Quảng Trị trở thành huyết chiến điểm, một túi bom trong 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) vô cùng khốc liệt. Làm sao nói đủ, nói hết lòng dũng cảm, sức chịu đựng của các chiến sĩ ta trong 81 ngày đêm máu lửa ấy. Sau này, mỗi khi đến khu di tích Thành cổ Quảng Trị, tôi đều dâng lên cảm nhận, phải chăng, trong lòng đất Quảng Trị đang có những mạch sông ngầm chảy. Những dòng chảy của tuổi thanh xuân “mỗi khi cười ánh sáng cười theo” đã ngã xuống trên mảnh đất này. Có những câu thơ của tôi khởi nguồn từ cảm thức đó: “Những người lính lặng im tan vào đất/ Là cuộc đời chảy tiếp những dòng sông”.
Quảng Trị như một bảo tàng chiến tranh đầy hiện thực trần trụi và tâm linh sâu thẳm. Ở đâu hầu như cũng mang những dấu vết quá khứ mà ai đã trải qua khi gặp lại đều nghe được những thầm thì của lịch sử. Có cả những điều rất khó lý giải rành rọt. Nhắc đến Quảng Trị, không thể không nói tới Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (ở TP Đông Hà) và Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn nằm ở thượng nguồn sông Bến Hải (thuộc huyện Gio Linh), quy tập hơn mười nghìn mộ liệt sĩ. Các anh chị ra đi khi còn quá trẻ. Bạn học của tôi, Nguyễn Thị Liên, quê ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch (tỉnh Quảng Bình) ngã xuống ở Trường Sơn những năm đánh Mỹ lúc chưa đầy hai mươi tuổi. Tuổi mười tám đôi mươi đã sống cuộc đời đầy ý nghĩa cao cả với những lặng lẽ hiến dâng cho Tổ quốc.
Tôi đã được nghe nhiều câu chuyện tâm linh về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và đã có một bài bút ký in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội vào tháng 7-1997. Trước đó, mùa hè năm 1996, tôi được Tạp chí Văn nghệ Quân đội mời đi trại viết tại Đồ Sơn (Hải Phòng). Trong một đêm thao thức, tôi thấy trước mắt mình hiện lên hình ảnh những ngôi mộ ở Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và văng vẳng bên tai những câu thơ mới lạ: “Nằm kề nhau/ những nấm mộ giống nhau/ Mười nghìn bát hương, mười nghìn ngôi sao cháy/ Mười nghìn tiếng chuông ngân trong im lặng/ Mười nghìn trái tim neo ở đầu nguồn...”. Đó là những câu mở đầu trong bài thơ “Khát vọng Trường Sơn” (Giải nhì, không có giải nhất cuộc thi thơ Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm 1996) của tôi.
Di tích lịch sử gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước diệu kỳ của dân tộc Việt Nam có nhiều ở vùng đất Quảng Trị, từ biển khơi đến đồng bằng rồi lên miền núi. Những địa danh vô cùng quen thuộc với chúng ta và đó cũng là những “địa chỉ đỏ” để giáo dục lòng yêu nước như: Cồn Cỏ, Hiền Lương, địa đạo Vịnh Mốc, Dốc Miếu, Thành cổ, Cửa Việt, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Làng Vây, Khe Sanh... Đến Quảng Trị, ta nghe vọng lên từ lòng đất những tiếng nói linh thiêng về Tổ quốc. Sự hy sinh đã trở thành bất tử. Tôi hằng tin như thế.
NGUYỄN HỮU QUÝ