QĐND - Thiếu tướng Cao Xuân Khuông, nguyên Phó tư lệnh Quân khu 4 sinh năm 1942, tại xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Năm 1960, khi vừa tròn 16 tuổi, chàng trai trẻ Cao Xuân Khuông chia tay gia đình, chia tay mối tình đầu đầy lưu luyến lên đường nhập ngũ. Ông bảo, lúc đó, ông chỉ thích được ra chiến trường, trực tiếp cầm súng chiến đấu, được kề vai sát cánh với anh em đồng chí, đồng đội, được sống trong tình quân dân giản dị mà ấm áp. Nhiều lần vào sinh ra tử, ông nhận ra một điều, mình là người may mắn, may mắn vì được sống sót trở về, may mắn vì có một người vợ giàu đức hy sinh. Cuộc đời binh nghiệp buộc ông phải sống xa nhà, một tay vợ ông nuôi dạy con cái, chu toàn việc nhà cửa, họ hàng. 

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông.

Thiếu tướng Cao Xuân Khuông kể: “Là một người con xứ Nghệ, nhưng thời gian tôi chiến đấu và công tác phần lớn ở Quảng Trị. Nhân dân Quảng Trị đã cưu mang, yêu thương tôi như người thân trong nhà. Sau 3 tháng huấn luyện, tôi gia nhập Tiểu đoàn 925 trực thuộc Quân khu 4, đứng chân ở biên giới Kỳ Sơn, giáp nước bạn Lào, làm nhiệm vụ quốc tế thiêng liêng là diệt phỉ ở Noọng Hét và Nậm Vang (tỉnh Xiêng Khoảng, Lào). Sau đó, tôi được chọn đi học Trường Sĩ quan Lục quân 1. Sau 3 năm, tôi xin về lại Quân khu 4 đúng lúc đơn vị đang xúc tiến thành lập Tiểu đoàn mới mang tên 924 làm nhiệm vụ ở chiến trường Thượng Lào. Tôi được bổ nhiệm Trung đội trưởng thuộc Trung đoàn 924. Trong thời gian này, ở xã biên giới Mường Lống thuộc huyện Kỳ Sơn xảy ra vụ phỉ Vàng Pao từ bên kia biên giới nhảy dù tập kích vào lán trại công nhân, giết chết gần 20 người nên tôi lại được điều động trở về tham gia tiêu diệt. Cuối năm 1965, tôi được đơn vị điều về làm Trợ lý Ban tác chiến Sư đoàn 324, rồi cùng cả đơn vị hành quân vào Quảng Trị. Năm 1965, địch triển khai chiến dịch tấn công Đường 9, sau một vài trận đánh ác liệt, đại đội của tôi được lệnh bám trụ vừa để nghe ngóng tình hình, vừa kìm chân địch. Một tình huống không ai ngờ tới, ấy là trong lúc đang làm nhiệm vụ thì bất ngờ một tiểu đoàn khác của Mỹ đổ xuống chốt chặn ở khu vực Khe Sanh khiến đại đội tôi mắc kẹt lại. Địch tổ chức đi càn nhiều lần làm cho anh em trong đơn vị thương vong không ít, riêng tôi bị trúng đạn, gãy cánh tay phải. Ăn củ chuối, lá rừng để cầm hơi và chiến đấu, thuốc thang đã cạn kiệt nhưng anh em trong đơn vị đều nhiệt tình cứu chữa, không để vết thương của tôi bị nhiễm trùng. Sau đó, đơn vị tôi tìm được một ngôi làng của người dân tộc Pa Cô và được đồng bào bao bọc, che chở. Tại đây, chúng tôi được bà con yêu quý, xem như thành viên trong nhà. Cuộc sống của bà con nghèo khó nhưng rất yêu cách mạng và có ý thức giác ngộ cách mạng cao. Đồng bào ăn khoai, ăn sắn thì cũng để phần cho bộ đội. Ròng rã hơn một tháng trời nương dựa vào dân làng, Sư đoàn 324 mới tổ chức tập kích, bất ngờ tiến công để giải cứu cho đại đội chúng tôi. Trở về từ cõi chết, tôi tiếp tục tham gia chiến đấu trên các mặt trận lớn như đánh đồn Cồn Tiên (Gio Linh), tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968”...

Đầu năm 1970, ông Khuông được điều động, bổ nhiệm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8 bộ đội địa phương Quảng Trị, tham gia hoạt động chống phá bình định, diệt ác trừ gian, xây dựng cơ sở để tạo điều kiện mở rộng địa bàn, đồng thời tham gia các chiến dịch. Tháng 6-1972, địch tái chiếm Quảng Trị, tất cả các đơn vị địa phương được lệnh bám trụ để giành lại Thành cổ. Sau cuộc chiến oanh liệt tại Thành cổ, Tiểu đoàn 8 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, riêng Cao Xuân Khuông được cử ra Bắc báo cáo thành tích. Năm 1975, hòa bình lập lại, Quân khu 4 và Quân khu Trị Thiên chia tách, ông được điều động về làm Phó phòng Tác chiến Quân khu 4.

 “Đối với tôi, Quảng Trị đã trở thành quê hương thứ hai. Hằng năm, tôi đều trở lại nơi đây thăm chiến trường xưa, thắp nén hương thơm tưởng nhớ những đồng đội của mình đã ngã xuống. Mỗi dịp như vậy, tôi đều dành thời gian ghé thăm những gia đình, những làng quê từng cưu mang mình. Biết bao ngọt bùi cay đắng, cả những nụ cười lẫn giọt nước mắt lại rơi trong những lần gặp gỡ ấy” - Thiếu tướng Cao Xuân Khuông bồi hồi tâm sự.

Bài và ảnh: NGUYỄN LÊ