Ngay sử gia Trung Quốc Phạm Diệp, tác giả Hậu Hán Thư-cuốn sử nổi tiếng của Trung Hoa biên soạn vào thế kỷ 5, viết về lịch sử Đông Hán (từ năm 25 đến 220) cũng kính nể gọi Hai Bà là Vương và ca ngợi bằng tính từ khẳng định cao nhất “thậm (rất) hùng dũng”. Như một ngọn lửa tỏa sáng, khơi gợi, cổ vũ tinh thần yêu nước, bản lĩnh tự chủ, tự cường không chịu làm nô lệ cho ngoại bang, trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, cuộc khởi nghĩa luôn được nhắc đến như là điểm tựa tinh thần của lòng yêu nước, nhất là trong những giai đoạn đất nước bị đô hộ, xâm lăng.

Trước năm 1945, các nhà chí sĩ cách mạng lớn như: Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn An Ninh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Ái Quốc (sau này là Hồ Chí Minh) đều có những tác phẩm kêu gọi, cổ vũ, thúc giục mọi người dân đứng dậy cứu nước. Hầu hết các trang viết đều gián tiếp nêu ra câu hỏi: Hai Bà Trưng là phụ nữ đã dám đứng lên đánh giặc, giành lại độc lập, làm rạng danh con Lạc cháu Hồng. Khi giặc Pháp, giặc Mỹ cướp nước, con cháu Lạc Hồng phải làm gì để xứng đáng với lịch sử anh hùng? Xét từ mọi góc độ, đối tượng hướng tới, hình thức thể loại, nội dung biểu hiện, tác phẩm của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh đa dạng, phong phú, cũng sâu sắc, nổi bật hơn.

Ngày 24-6-1922, trên Báo L’Humanité (Nhân đạo), Nguyễn Ái Quốc cho in truyện ngắn viết bằng tiếng Pháp “Lời than vãn của bà Trưng Trắc” trong bối cảnh ông vua An Nam bù nhìn Khải Định sang Pháp dự Hội chợ triển lãm thuộc địa Marseille. Gây tiếng vang trong dư luận Pháp ở nội dung châm biếm sâu cay và hình thức nghệ thuật trào phúng thâm thúy, tác phẩm có kết cấu độc đáo “giấc mộng trong giấc mộng”: Giấc mộng thứ hai của Khải Định mơ về bà Trưng Trắc, nằm trong giấc mộng thứ nhất của “đồng chí Nguyễn Ái Quốc”. Câu chuyện là sự tương phản gay gắt giữa “một trong những người khai sáng nước Nam tươi đẹp” và Khải Định-“đứa con thảm thương”, chịu cảnh “nhục nhã thậm tệ” vì khom lưng, uốn gối, bán nước cầu vinh. Truyện là lời của bậc anh hùng “khai sáng nước Nam”, thực ra là lời của lịch sử kết tội Khải Định ươn hèn.

Là tội dứt bỏ truyền thống, cũng là một biểu hiện của phủ nhận lịch sử: “Trước đây, mi đã từng phạm tội báng bổ là bệ lên bàn thờ linh thiêng của ông vải hình ảnh ghê tởm của thằng da trắng ngái ngủ và bụng phệ nọ, nó sặc lên mùi tỏi, ớn mùi thây ma. Tại sao, ừ, tại sao mi lại làm thế? Nay mi lại sắp lẩn xa tôn miếu. Tay mi sẽ không thắp hương vào những tiết đầu xuân, đầu thu nữa. Mi sẽ không tự tay mở hương án dâng hoa quả đầu mùa và cúng cơm mới nữa”.

Là tội phản dân hại nước, ca ngợi, tâng bốc kẻ đã cướp nước mình, giày xéo lên mảnh đất cha ông mình: “Giờ thì mi lại sắp làm tệ hại hơn nữa. Mi sắp ca ngợi công đức của những đứa bóc lột và hiếp đáp dân mi... Mi sắp tâng bốc công ơn vô ngần và tưởng tượng của nền văn minh đã thâm nhập sơn hà xã tắc của mi bằng mũi nhọn của lưỡi lê và bằng họng súng canông”.

Là tội bảo thủ, dốt nát, cam chịu kiếp tôi đòi nô lệ: “Hãy nhìn quanh mi! Thấy chăng Trung Hoa đang thức tỉnh, Nhật Bản đang duy tân...? Thấy chăng toàn cầu đang tiến, chỉ có dân mi là, nhờ mi và lũ quan thượng của mi, cứ phải chìm ngập mãi trong vũng lầy dốt nát và tôi đòi khốn nạn?”.

leftcenterrightdel
Đền thờ Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP Hà Nội được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2013. Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Mê Linh 

Ngoài giọng điệu chủ đạo châm biếm, chế giễu, truyện còn có những đoạn mang âm hưởng hào hùng của cảm hứng anh hùng ca: “Giở sử đất nước ra mà xem, mi sẽ thấy tổ tiên đã treo bao tấm gương đạo đức và dũng cảm, chí khí và tự tôn. Lý Bôn (544), với một nhúm nghĩa sĩ, đã nổi dậy và bẻ gãy ách đô hộ của Hán tộc. Ngô Quyền (938) đã phá tan đạo quân nước ngoài kéo vào đánh chiếm đất đai Tổ quốc ta...”; “Quân Mông Cổ đi đến đâu phá sạch đấy, đã bị nhà Trần vẻ vang của chúng ta đánh bại (1225). Lê Lợi đã hùng dũng đứng ra lãnh đạo cuộc cách mạng nước Nam, đập tan chế độ tàn bạo và hạch sách mà những kẻ tự xưng là bảo hộ ta bắt ta chịu...”.

Từ khi về nước (năm 1941), lãnh tụ Hồ Chí Minh có những nhận định thỏa đáng về biểu tượng Hai Bà, coi đó là tấm gương yêu nước sớm nhất, tiêu biểu cho ý chí quật cường của dân tộc. Tác phẩm “Lịch sử nước ta” (năm 1942) khẳng định tinh thần anh hùng của phụ nữ Việt: Phụ nữ ta chẳng tầm thường/ Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời. “Diễn ca” 33 nhân vật lịch sử, riêng về Hai Bà, tác phẩm ca ngợi: Hai Bà Trưng có đại tài/ Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian/ Ra tay khôi phục giang san/ Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta. Các ngôn từ khẳng định “đại tài”, “ra tay”, “tiếng thơm dài”, “tạc đá vàng” hoàn toàn xứng đáng với tầm cỡ lớn lao của hình tượng.

Sau này, ở cương vị Chủ tịch nước, nhất là trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, Bác Hồ luôn nhắc tới Hai Bà Trưng. Trong “Lời kêu gọi đầu năm mới 1947”, Bác nói với đồng bào: “Từ năm nay trở đi, đồng bào ta, con cháu Hai Bà Trưng, con cháu Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Nùng Trí Cao, có chịu để nước non Hồng Lạc cho thực dân Pháp giày xéo, có chịu để nòi giống Rồng Tiên cho thực dân Pháp giày đạp nữa không?

Không, quyết không!...”.

Đoạn văn ngắn nhưng được tách ra thành nhiều mệnh đề, mỗi mệnh đề biểu hiện một phương diện ý nghĩa: “Đồng bào ta” gợi về tình đoàn kết, từ xa xưa tất cả đều sinh ra trong một bọc; “con cháu Hai Bà Trưng” gợi về tinh thần “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”, quyết không chịu làm nô lệ.

Trong “Thư gửi phụ nữ nhân dịp kỷ niệm Hai Bà Trưng và Ngày Quốc tế Phụ nữ” (ngày 8-3-1952), Bác đề cao công lao của phụ nữ: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”.

Ngày 19-10-1966, phát biểu tại Lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Bác khẳng định: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó, ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”.

Những nhận định trên của Bác cho thấy lịch sử yêu nước quật khởi của dân tộc là tài sản văn hóa vô giá, là bệ phóng, là điểm tựa để đất nước hôm nay bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và sáng tạo ở thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phụ nữ Việt Nam thật sự xứng đáng với 8 chữ vàng Bác tặng: “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”. Ngày nay, phụ nữ luôn phát huy những phẩm chất tốt đẹp, không ngừng nỗ lực, đóng góp toàn diện vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Tiếp nối truyền thống vẻ vang của Hai Bà Trưng, cùng với nhân dân cả nước, phụ nữ Việt Nam anh hùng hôm nay đang gặt hái những thành tựu vẻ vang mới.

NGUYÊN THANH