Phạm Thế Hiển sinh năm Quý Hợi (1803) tại làng Luyến Khuyết (xã Thụy Phong, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Xuất thân trong gia đình có truyền thống Nho học nên ngay từ nhỏ, cậu bé Hiển đã ham học và học rất giỏi. 25 tuổi, Phạm Thế Hiển thi đỗ cử nhân và chỉ một năm sau đó thi đỗ Đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.
Con đường quan lộ của ông phát triển khá thuận lợi. Từ một tri phủ, Phạm Thế Hiển được gọi về triều đình và lần lượt được giao các trọng trách: Lại bộ viên ngoại lang, Biện lý hộ bộ sự vụ, Lại bộ hữu thị lang... rồi sau đó được cử đi làm Án sát các tỉnh Hải Dương, Bắc Ninh, Phú Yên. Trải qua 3 triều vua: Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Phạm Thế Hiển đều phụng sự hết mình với tấm lòng “làm tôi thì trung, làm con thì hiếu, khí khái anh hùng lẫm liệt”. Vì vậy, ông luôn được các vị vua tin cẩn, bổ nhiệm vào những chức vị quan trọng. Đặc biệt dưới thời Vua Tự Đức, Phạm Thế Hiển được vua hết sức tin cẩn và trọng dụng, giao cho nhiều trọng trách quan trọng tại các “điểm nóng” như: Tham tán quân thứ, Tuần phủ Gia Định, Thự (quyền) Tổng đốc hai tỉnh Gia Định và Biên Hòa kiêm Tham biện kinh lược sứ...
    |
 |
Con đường mang tên danh tướng Phạm Thế Hiển tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: HÙNG KHOA
|
Phạm Thế Hiển nhậm chức Tham tán quân thứ Gia Định vào đúng thời điểm tình hình nơi đây cực kỳ nóng bỏng. Thực dân Pháp tìm mọi cách xâm lược Việt Nam. Vận nước lâm nguy, không phụ lòng tin của nhà vua, Phạm Thế Hiển đã dốc hết tài năng và tinh lực cùng với Thống đốc quân vụ đại thần Nguyễn Tri Phương thay mặt triều đình chèo chống tình hình, giải quyết và lo liệu công việc ở 6 tỉnh Nam Kỳ. Dưới sự hoạch định và chỉ huy của “cặp bài trùng” Nguyễn Tri Phương-Phạm Thế Hiển, nhiều vùng đất hoang hóa ở 6 tỉnh Nam Kỳ đã từng bước được phục hóa, hồi sinh. Song song với việc khẩn hoang, dựng làng, lập ấp, bảo vệ chủ quyền và cuộc sống làm ăn của dân chúng, Phạm Thế Hiển đã bàn với Nguyễn Tri Phương cho triển khai xây dựng gấp nhiều đồn lũy ven biển và dọc tuyến biên giới Tây Nam, trong số đó có thể kể đến như: Chiến lũy Ngũ Hổ ở Hà Tiên, đồn binh ở cửa biển Cần Giờ, đại đồn Chí Hòa...
Thời kỳ này, dưới bàn tay của “kiến trúc sư” Phạm Thế Hiển, hàng loạt đồn điền mang tính chất “bán quân sự” được xây dựng tại Nam Kỳ lục tỉnh. Đây không chỉ là giải pháp kinh tế cho dân nghèo mà còn là những pháo đài quân sự nhằm đối phó với họa ngoại xâm. Không phải ngẫu nhiên sau này khi đã đánh chiếm và thôn tính xong 6 tỉnh Nam Kỳ, Đô đốc Pierre Paul de La Grandière đã ngay lập tức ra nghị định (20-9-1867) giải thể toàn bộ đồn điền này.
Tháng 9-1858, thực dân Pháp nổ súng tiến công Đà Nẵng. Vận nước lâm nguy, triều đình điều Phạm Thế Hiển ra làm Tham tán đại thần Quảng Nam, cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy binh sĩ ngăn cản bước tiến của quân xâm lược. Tại đây, để có thể đương đầu lâu dài với quân Pháp, với phương châm “lấy thủ làm chiến”, Phạm Thế Hiển cùng Nguyễn Tri Phương cho quan quân khẩn trương xây dựng một phòng tuyến chạy dài ven biển với hạt nhân là đồn lũy Liên Trì. Phạm Thế Hiển hy vọng phòng tuyến này sẽ ngăn không cho quân Pháp tiến sâu vào nội địa hoặc chí ít cũng hạn chế tốc độ tiến công của chúng. Cùng với đó, ông chủ trương cho thực hiện kế thanh dã (vườn không nhà trống), đưa dân chúng lùi sâu vào bên trong, một mặt để bảo vệ dân, mặt khác kiên quyết không cho quân Pháp lợi dụng dân chúng để làm bình phong cho cuộc tiến quân.
Với nhãn quan, tư duy quân sự sắc sảo và quyết tâm chiến đấu sắt đá, hơn một năm tả xung hữu đột trên mặt trận Quảng Nam, Phạm Thế Hiển sát cánh cùng Nguyễn Tri Phương chỉ huy quân sĩ đánh hơn 60 trận, cầm chân quân xâm lược Pháp, buộc chúng phải rút khỏi bán đảo Sơn Trà vào đầu tháng 2-1859. Tuy nhiên, với dã tâm xâm lược bằng được Việt Nam, liền sau đó, thực dân Pháp lại kéo quân vào đánh chiếm Nam Kỳ. Ngày 17-2-1859, thành Gia Định thất thủ. Triều đình Huế liền cử Nguyễn Tri Phương vào làm Thống đốc quân vụ chỉ huy quân thứ Gia Định đánh Pháp. Trước ngày lên đường, Nguyễn Tri Phương tiến cử và thiết tha đề nghị nhà vua cử Phạm Thế Hiển-một người bạn tâm đầu ý hợp, từng sát cánh trong nhiều cuộc chinh chiến và là một danh tướng mưu lược, dũng cảm-đi cùng.
Theo Nguyễn Tri Phương thì “người ấy có kiến thức, đảm lược”. Nhà vua chấp thuận đề nghị và Phạm Thế Hiển được giao làm Tham tán quân thứ Gia Định, sát cánh cùng Thống đốc quân vụ Nguyễn Tri Phương chỉ huy quan quân chiến đấu với quân Pháp ở Nam Kỳ. Trong buổi yết kiến nhà vua trước lúc lên đường vào Nam, khi được Vua Tự Đức hỏi ý kiến nên đánh, nên hòa hay giữ, Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển đồng thanh trả lời: “Đánh là tiện hơn cả”.
Lúc này, Phạm Thế Hiển nhận được tin mẹ ốm nặng khó lòng qua khỏi. Để giữ trọn chữ hiếu, ông xin phép nhà vua và được chấp thuận cho tranh thủ về quê thăm mẹ. Sau đó, Phạm Thế Hiển ngay lập tức trở vào Nam để cùng Nguyễn Tri Phương lo việc nước. Vừa vượt chặng đường dài vào tới Gia Định, Tham tán quân thứ Phạm Thế Hiển đã bắt tay ngay vào kiểm tra, đôn đốc các quân doanh tu sửa, củng cố đồn lũy, luyện tập võ bị, chuẩn bị thế trận đánh Pháp. Nhận thấy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, để khuấy động tinh thần dân chúng phối hợp, sát cánh cùng quân triều đình, Phạm Thế Hiển đưa ra ý kiến và bàn bạc với Nguyễn Tri Phương cho soạn thảo bài hịch gửi đi khắp 6 tỉnh Nam Kỳ kêu gọi dân chúng vùng lên đánh Pháp.
Với tài chỉ huy mưu lược và tấm gương mẫu mực, Phạm Thế Hiển đã cố gắng làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn bước tiến của quân Pháp xâm lược. Dù vậy, trong bối cảnh ở triều đình hình thành hai phái là chủ hòa và chủ chiến; trên chiến trường, do tương quan lực lượng quá chênh lệch, quân Pháp chiếm ưu thế tuyệt đối về vũ khí, trang bị nên quyết tâm và mọi nỗ lực của bộ chỉ huy (gồm: Thống đốc Nguyễn Tri Phương, Tham tán quân thứ Phạm Thế Hiển, Tán lý Nguyễn Duy, Tán tương Tôn Thất Trĩ, Tôn Thất Cáp) cùng với quân sĩ đã không thể ngăn nổi bước tiến của kẻ thù.
Theo cuốn “Danh tướng Việt Nam” (Nhà xuất bản Thanh niên) ghi, đêm 14-5 năm Tân Dậu (1861), quân Pháp mở cuộc tiến công tổng lực đánh chiếm nhiều vị trí chiến lược quan trọng ở Gia Định. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương và Phạm Thế Hiển, quân sĩ chiến đấu quả cảm, chặn đứng nhiều cuộc tiến công của quân xâm lược, giữ được thành và cầm cự trong suốt hai ngày 14, 15-5. Ngày 16-5, quân Pháp thay đổi cách đánh, tạm dừng tiến công, tập trung pháo kích vào trận địa của ta, gây nhiều thương vong cho quân sĩ. Thống đốc Nguyễn Tri Phương trúng đạn pháo bị thương, Tán lý Nguyễn Duy và Tán tương Tôn Thất Trĩ hy sinh. Một mình Phạm Thế Hiển tả xung hữu đột đốc chiến, chỉ huy quân sĩ cố cầm cự. Để bảo toàn lực lượng, ông cho quân sĩ tạm lui về cố thủ ở đồn trại dự bị.
Với ưu thế hơn hẳn về binh lực và vũ khí, bộ chỉ huy quân Pháp quyết truy kích đến cùng. Chúng tập trung quân tiến công khu vực đồn trại dự bị. Phạm Thế Hiển chỉ huy quân sĩ bám trụ trận địa, kiên cường chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt tiến công của quân Pháp. Sau nhiều giờ chiến đấu, đạn dược cạn dần, quân sĩ hy sinh nhiều, Phạm Thế Hiển đành phải quyết định cho lui quân về Biên Hòa để bảo toàn và củng cố lực lượng chờ cơ hội đánh tiếp.
Quân Pháp đánh chiếm được đại đồn Chí Hòa-một vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Tin đó nhanh chóng được báo về kinh đô Huế. Vua Tự Đức cho triệu Tham tán quân thứ Phạm Thế Hiển về kinh gấp báo cáo tình hình. Tuy nhiên, trên đường trở ra đến Phú Yên thì ông lâm bệnh nặng rồi qua đời ngày 11-7 năm Tân Dậu (1861). Linh cữu Phạm Thế Hiển được di về an táng tại quê nhà. Dọc đường di quan, các quan chức đầu tỉnh và dân chúng các địa phương đều đổ ra nghênh đón tỏ lòng thương tiếc và tiễn biệt một danh tướng tài ba, hết lòng vì nước, vì dân. Giới văn thân, sĩ phu Phú Yên-nơi Phạm Thế Hiển trút hơi thở cuối cùng-có đôi câu đối tiễn đưa ông, trong đó có câu: “Đà Nẵng trạch Hải Vân Nam, vũ bất tích tử, văn bất ái tiền, thiên hạ thái bình tương hữu nhất” (nghĩa là: Trấn cửa Đà Nẵng phía Nam Hải Vân, làm quan võ không sợ chết, làm quan văn không tham tiền, lòng chỉ mong cho thiên hạ thái bình).
Ghi nhận những chiến công và đóng góp của ông với đất nước, nhiều địa phương ở nước ta như: TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Cà Mau... đã đặt tên Phạm Thế Hiển cho một số con đường, tuyến phố.
TRẦN VĨNH THÀNH