Ngô Văn Sở quê ở làng Trảo Nha (nay thuộc thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh), nhưng sau này chuyển vào huyện Bình Khê, phủ Quy Nhơn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) sinh sống và sinh ông ở đây. Thuở thiếu thời, ông là học trò của một võ sư nổi tiếng. Cho đến nay, sử cũ không cho biết Ngô Văn Sở đầu quân theo Quang Trung từ khi nào mà chỉ chép rằng cuối năm 1787, ông được Nguyễn Huệ cử làm Tham tán quân vụ cùng với Vũ Văn Nhậm và Phan Văn Lân kéo quân ra Bắc Hà đánh dẹp quân Trịnh và tiêu diệt đám lộng quyền Nguyễn Hữu Chỉnh. Từ đây, tên tuổi và tài năng quân sự của Ngô Văn Sở mới được nhiều người biết đến.

Sách “Hoàng Lê Nhất thống chí” chép rằng: “Khi Vũ Văn Nhậm lĩnh ấn tiết chế kéo quân ra Thổ Sơn (Thanh Hóa), Trấn thủ Thanh Hóa là Lê Duật lui giữ bờ Bắc sông Trịnh Giang. Ngô Văn Sở đem quân men theo chân núi đi về phía Tây, bí mật vượt sông đánh úp phía sau quân của Duật. Duật không biết, tối hôm ấy rút quân chạy suốt đêm. Hôm sau tới Cao Lũng đã thấy quân của Sở ở đấy. Quân Duật sợ hãi tan tác, Duật bị quân của Sở giết; khí giới, lương thực bị tịch thu hết”.

Năm 1788, Ngô Văn Sở được Nguyễn Huệ phong làm Đại tư mã và tin tưởng giao trông coi 11 trấn Bắc Hà. Việc Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ gửi gắm niềm tin vào con người này và trao cho trọng trách lớn chứng tỏ Ngô Văn Sở là người có tài năng và tầm ảnh hưởng. Không phải ngẫu nhiên mà trước khi rời Bắc Hà trở về Nam, Nguyễn Huệ đã dặn Ngô Văn Sở rằng: Sở, Lân là nanh vuốt của ta. Dụng, Ngôn là tâm phúc của ta. Ngô Thì Nhậm tuy là người mới nhưng là bậc tân thần ta coi như khách. Nay ta giao cho các khanh hết thảy mọi việc quân quốc, coi quản 11 trấn trong toàn hạt. Hễ có điều chi ta cho cứ việc tiện nghi làm việc.

Tình hình Bắc Hà lúc bấy giờ khá phức tạp. Lê Chiêu Thống đã bỏ chạy ra nước ngoài. Mặc dù triều Lê không còn tồn tại, song nhiều cựu thần và sĩ phu vẫn hoài vọng nhà Lê. Họ liên kết với nhau nổi lên chống phá nhà Tây Sơn. Trong bối cảnh đó, Ngô Văn Sở một mặt cùng với Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà tập trung đánh dẹp các toán phản loạn, trấn áp các mầm mống chống đối để nhanh chóng ổn định tình hình. Mặt khác, ông kiên trì lôi kéo, thu phục nhiều sĩ phu Bắc Hà đi theo Tây Sơn.

leftcenterrightdel
 Con phố mang tên danh nhân Ngô Văn Sở tại Thủ đô Hà Nội. Ảnh: HOÀI NINH

Cuối năm 1788, hơn 29 vạn quân Thanh hùng hổ kéo vào xâm lược nước ta. Thế giặc mạnh “như chẻ tre”. Trước tình hình nguy cấp đó, Ngô Văn Sở một mặt sai người vào Phú Xuân cấp báo cho Nguyễn Huệ, mặt khác ông cho họp ngay Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà bàn mưu, tính kế đánh. Lúc bấy giờ, mặc dù về tinh thần, Tây Sơn đều thống nhất cao, song, khi bàn về kế sách đánh thì một số ý kiến cho rằng ta nên tập trung lực lượng kéo lên biên ải quyết một phen sống mái với kẻ thù ngay tại đấy. Sau khi nghe “quân sư” Ngô Thì Nhậm phân tích và hiến kế, Đại tư mã Ngô Văn Sở cho rằng tương quan lực lượng quá chênh lệch (quân Tây Sơn ở Bắc Hà chỉ có chừng 1 vạn, trong khi quân Thanh có tới 29 vạn), vì vậy mà việc đưa quân lên biên ải là quá mạo hiểm.

Với tư cách là người chỉ huy cao nhất ở Bắc Hà, ông đã vạch kế hoạch rồi tổ chức cho quân Tây Sơn hoàn tất cuộc rút lui chiến lược về Biện Sơn-Tam Điệp; triệt để dựa vào địa thế hiểm của địa bàn này, nhanh chóng biến thành một phòng tuyến vững chãi. Riêng việc này đã cho thấy tư duy nhạy bén cũng như tài tổ chức chỉ huy của Đại tư mã Ngô Văn Sở. Sử cũ chép rằng, Hoàng đế Quang Trung sau khi lên ngôi và kéo quân ra Bắc đã tỏ ý khen: “Các khanh đã biết nhịn, tạm tránh mũi gươm đang bén của giặc; rút quân chọn các nơi hiểm yếu để mặt trong thì khêu mối căm tức của quân ta; mặt ngoài tăng thêm cái khí kiêu căng của quân địch. Chước đó kể cũng rất sáng suốt...”.

Ngày 20 tháng Chạp năm Mậu Thân 1788, đại quân Tây Sơn từ Phú Xuân kéo ra Nghệ An rồi tập kết ở phòng tuyến Tam Điệp chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược với quân xâm lược Mãn Thanh. Mồng 5 Tết Kỷ Dậu 1789, chỉ trong vòng 5 ngày vừa hành quân, vừa chiến đấu, đại quân Tây Sơn đã đánh cho 29 vạn quân Thanh thua tan tác. Trong trận quyết chiến này, Đại tư mã Ngô Văn Sở đã thể hiện xuất sắc vai trò của một tướng quân chỉ huy lực lượng tiên phong trong đạo quân chủ lực do Hoàng đế Quang Trung trực tiếp chỉ huy. Đặc biệt trong trận Ngọc Hồi-Đống Đa, ông đã lập công lớn, góp phần vào thiên anh hùng ca Đại thắng mùa Xuân Kỷ Dậu 1789.

Sau khi hoàn thành cuộc “Bắc tiến”, Đại tư mã Ngô Văn Sở được Hoàng đế Quang Trung tin tưởng giao cho toàn quyền cai quản việc quân, việc nước tại đây. Kể từ sau chiến thắng đó, một nhiệm vụ hết sức quan trọng đối với Bộ chỉ huy Tây Sơn ở Bắc Hà chính là giải quyết mối quan hệ bang giao với triều đình nhà Thanh nhằm giảm bớt sự tức tối, hằn học của họ, cũng như ngăn chặn âm mưu tiến hành một cuộc chiến tranh trả thù có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Năm 1790, nhân dịp Vua Càn Long mời Quốc vương An Nam sang “triều cận” dự lễ “Bát tuần khánh thọ”, Ngô Văn Sở được Vua Quang Trung tin tưởng giao dẫn đầu một đoàn sứ giả sang Yên Kinh mừng thọ Vua Càn Long.

Tham gia trong đoàn còn có “giả vương” Quang Trung (người đóng giả Hoàng đế Quang Trung) là Phạm Công Trị. Sử cũ chép rằng, với tài đạo diễn và ứng phó khôn khéo của Ngô Văn Sở, Vua Càn Long cùng triều đình nhà Thanh đã đón tiếp đoàn rất trọng thị và niềm nở. Thành công của hoạt động ngoại giao này đã góp phần quan trọng dập tắt được nguy cơ một cuộc chiến tranh báo thù vốn đang được triều đình nhà Thanh khởi động.

Hoàn thành sứ mệnh ngoại giao trở về, Ngô Văn Sở tiếp tục được giao cai quản 11 trấn của Bắc Hà. Sau khi Vua Quang Trung băng hà, ông vẫn tiếp tục được giao cai quản toàn bộ công việc nội trị, ngoại giao, chăm lo cho đời sống của dân Bắc Hà. Dưới quyền cai quản của Đại tư mã Ngô Văn Sở, tình hình ở Bắc Hà dần đi vào ổn định, nhân dân được sống trong thanh bình với đời sống được cải thiện. Họ đã dành cho ông sự quý mến và trân trọng.

Điều đáng nói là trong thời gian này, Ngô Văn Sở đặc biệt coi trọng vấn đề thu phục và sử dụng nhân tài, thẳng tay trừng trị những tướng lĩnh công thần, quan lại tha hóa, đục khoét, ức hiếp dân lành. Sử cũ chép rằng: “Ông coi trọng văn học, lập khoa thi để thu lấy kẻ sĩ trong thiên hạ; đặt chức Huấn khoa để xét hỏi kẻ gian trong các châu, huyện, cho nên các trấn được yên vui”.

Là một trong những đại thần trụ cột của triều đình, Ngô Văn Sở không những tập trung lo cho công việc nội trị, ngoại giao ở Bắc Hà mà còn được giao gánh vác nhiều sứ mệnh quan trọng khác. Năm 1792, tình hình trên biển phức tạp do các toán “hải phỉ” quấy phá, trên cương vị là Đô đốc Thủy quân, ông lại được giao chỉ huy công cuộc tiễu trừ đám giặc này ở Biển Đông. Năm 1793, Đại tư mã Ngô Văn Sở chỉ huy một đội quân vào Quy Nhơn giải vây cho Nguyễn Nhạc thoát khỏi sự truy sát của Nguyễn Ánh. Những đóng góp to lớn của Ngô Văn Sở được triều đình ghi nhận qua việc ông được phong Đại đổng lý, tước Quận công.

Nội bộ nhà Tây Sơn những năm tháng trị vì của vị vua nhỏ tuổi Quang Toản khá lục đục. Các phe phái do lộng quyền tìm cách hãm hại lẫn nhau, trong khi ở phía Nam, thế lực của Nguyễn Ánh đang dần hồi phục và tìm cách phục thù. Trước bi kịch đó, những trung thần thẳng thắn như Ngô Văn Sở khó mà tránh khỏi sự liên lụy. Năm 1795, Ngô Văn Sở bị triệu về Phú Xuân và chính tại đây, ông đã bị quyền thần Vũ Văn Dũng sát hại.

Lịch sử có nhiều sự trùng lặp thật trớ trêu. Dưới thời Tây Sơn có hai tướng quân trùng tên Ngô Văn Sở. Một tướng Ngô Văn Sở về sau đầu hàng và theo Nguyễn Ánh, dưới thời Gia Long được phong Khâm sai Chưởng cơ. Còn một tướng quân-Đại tư mã Ngô Văn Sở, người từng trải qua nhiều cương vị, trọng trách, từ chỉ huy trực tiếp cầm quân chiến đấu, cai quản công việc trị nước, an dân ở Bắc Hà... cho đến đảm đương công việc bang giao, luôn trung thành với sự nghiệp của nhà Tây Sơn, hết lòng vì dân, vì nước. Đại tư mã Ngô Văn Sở xứng đáng là một danh tướng tài ba, một bậc công thần của phong trào Tây Sơn.

PGS, TS TRẦN NGỌC LONG