Đang rảo bước trên đê sông Đáy để sưu tầm tư liệu về hoạt động của các chiến trường phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ, bỗng một thành viên trong đoàn đọc mấy câu thơ trong bài “Nhà tôi” của nhà thơ Yên Thao làm chúng tôi nhớ đến trận đánh diễn ra cách đây 70 năm của Đại đoàn 320: Trận Hoàng Đan-Vọng Doanh-Giáp Giá. Trận này, Trung đoàn 48 được giao đánh bốt Hoàng Đan; Trung đoàn 52 đánh địch cứu viện ở Vọng Doanh-Giáp Giá.

Buổi chiều bên dòng sông Đáy, ông Hoàng Hải, 92 tuổi, nguyên là cán bộ tiểu đội của Trung đoàn 52, người tham gia trận đánh Hoàng Đan-Vọng Doanh-Giáp Giá, kể với chúng tôi: “Đầu tháng 1-1954, chúng tôi nhận lệnh hành quân đi chiến đấu. Khác với những lần hành quân trước, lần này, chúng tôi được các bà, các chị tiễn đưa đứng chật hai bên đường. Mỗi người ra trận đều được phép nhận quà-những gói xôi với thịt bò, thịt lợn cùng những chiếc khăn mùi soa có thêu tên các cô gái làm kỷ niệm. Cầm trên tay những gói xôi nóng hổi cùng các kỷ vật thiêng liêng đó, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh và được sưởi ấm bởi tình quân dân hết sức thắm thiết. Đêm càng về khuya, sương rơi càng nặng hạt, gió lạnh thổi ù ù bên tai... Đoàn quân rẽ xuống triền sông Đáy. Tiếng cười lưu luyến và hình bóng các bà, các chị đưa tiễn xa dần, chỉ còn lại trong lòng những người lính Trung đoàn 52 nỗi nhớ nhung khó tả.

Mấy chiếc đò ngang đã chờ sẵn ở ven sông Đáy. Từng trung đội lặng lẽ xuống đò và chỉ trong chốc lát, tất cả đã có mặt bên bờ tả ngạn thuộc vùng chiếm đóng của địch. Trước mặt chúng tôi là địa phận làng Vọng Doanh, Giáp Giá; xa hơn một chút là bốt Hoàng Đan. Gió rét thổi mạnh làm tê buốt thấu xương. Chúng tôi nhanh chóng ổn định đội hình, men theo con đường mòn rồi tập trung tại một bãi cỏ rậm rạp ven đê sông Đáy và bắt tay ngay vào việc đào hố chiến đấu cá nhân. Theo kế hoạch, Trung đoàn 48 chủ công đánh bốt Hoàng Đan, còn Trung đoàn 52 chúng tôi phục kích đánh viện binh địch tại khu vực Vọng Doanh-Giáp Giá. Địch chưa có dấu hiệu trinh thám vùng ven sông này nên mặt trận vẫn rất yên tĩnh. Bầu không khí yên ắng lạ thường. Trải qua một ngày đêm chờ đợi căng thẳng, cánh lính chúng tôi tranh thủ thời gian chờ đội bạn nổ súng tiêu diệt bốt Hoàng Đan bằng cách chơi cờ, đánh bài... cho đỡ buồn tẻ.

Nửa đêm 19-1-1954, Trung đoàn 48 khai hỏa tiến công bốt Hoàng Đan. Ánh lửa rực sáng một góc trời, tiếng nổ xé toang bầu không khí tĩnh lặng. Lệnh trên truyền xuống: Ta đã đánh Hoàng Đan, không ai được đi lại trên mặt đất. Tất cả sẵn sàng. Hai giờ đồng hồ sau, tiếng súng bỗng im bặt. Chúng tôi nói với nhau: Thế là ta đã giải quyết xong Hoàng Đan rồi. Nhanh, gọn, ngon ghê! Tối nay, Trung đoàn 52 ngủ ngon để mai lấy sức đánh quân tiếp viện. Cả ngày 20-1, không khí vẫn im ắng, địch chưa có phản ứng gì mới. Đang suy đoán hay là địch không tiếp viện cho Hoàng Đan nữa thì nửa đêm 20-1, tiếng súng bất ngờ rộ lên từ phía Hoàng Đan. Chúng tôi rỉ tai nhau: “Quái lạ. Sao lại đánh nữa? Trung đoàn 48 chủ công chưa giải quyết được sao?”.

leftcenterrightdel
Nhân dân hỗ trợ đưa bộ đội vượt sông trong kháng chiến chống thực dân Pháp. Ảnh tư liệu 

Thì ra đúng như vậy thật. Tiếng súng từ phía Hoàng Đan kéo dài tới gần sáng mới tạm lắng xuống. Sáng 21-1-1954, máy bay và xe lội nước địch bắt đầu xuất hiện, nhưng chủ yếu là bắn mấy loạt vu vơ thăm dò. Lệnh trên truyền xuống: “Tất cả sẵn sàng chiến đấu. Địch bắt đầu xuất quân...”. Chúng tôi đều ra khỏi hầm, mặt trận bắt đầu sôi động. Các ổ hỏa lực được bố trí dọc triền đê đều trong tư thế sẵn sàng nhả đạn. Địch cơ động hàng dọc đổ quân lên đê sông Đáy, dẫn đầu đội hình là Tiểu đoàn số 22 thuộc GM6, tiếp đó là đại đội Âu-Phi (khoảng 100 tên) và khóa đuôi là Tiểu đoàn số 23. Quân địch có phần chủ quan, cơ động trên đê sắp lọt vào trận địa phục kích Vọng Doanh-Giáp Giá mà cứ như đi dạo vậy.

16 giờ 30 phút ngày 21-1-1954, cả khu vực Vọng Doanh-Giáp Giá rền vang tiếng súng khi toàn bộ đội hình quân địch lọt vào trận địa phục kích của Trung đoàn 52. Giữa những cánh đồng lúa ngập nước, từng tốp bộ đội và dân công hỏa tuyến lao lên bám vào thân đê. Pháo địch thi nhau trút xuống các cánh đồng; máy bay liều mạng rà sát mặt nước thi nhau nhả đạn. Tiếng hô “xung phong” vang lên át cả những tiếng nổ đinh tai của đạn pháo, đạn đại liên... địch. Mặc cho một số người ngã xuống, đội hình xung phong vẫn được giữ vững. Cáng thương lập tức được  dân công hỏa tuyến đưa lên để đón thương binh. Bị thương ngã xuống giữa cánh đồng trũng ngập nước, nếu không có chị em dân công hỏa tuyến cứu thương kịp thời thì chỉ có chết”.

Lặng đi một lát vì xúc động, ông Hoàng Hải kể tiếp: “Tôi đang nằm bẹp xuống để tránh làn đạn thì bất ngờ một tốp khoảng 30 tên địch cầm cờ trắng chạy qua. Chưa kịp phản ứng gì thì một tên cầm khẩu súng chúi nòng xuống, mặt mũi xám ngoét, run lẩy bẩy trình bày: “Em xin đầu hàng các anh, em chưa bắn một phát nào cả. Không tin thì các anh ngửi nòng súng em mà xem”. Tôi phì cười, khoát tay ra hiệu cho chúng ra gặp đơn vị phía sau, rồi tiếp tục lao lên bám mặt đê cùng đồng đội truy kích địch. Súng máy của địch từ trên mặt đê vẫn bắn xối xả vào đội hình. Hơn 10 người trong trung đội tôi ngã xuống, trong đó có Tiểu đội trưởng Thảo và Thanh “móm”, người bạn thân nhất của tôi. Chỉ còn một thửa ruộng nữa là vào triền đê, bỗng một tiếng nổ xé tai vang lên, tôi ngã khuỵu xuống và lịm đi. Trong lúc mơ màng, tôi nghe mấy cô y tá kháo nhau: “Anh này dính 2 viên đạn, 1 viên lấy ra rồi, còn 1 viên găm sâu trong bả vai thì đành chịu. Đến chậm chút nữa là hỏng rồi. Chỗ “các anh 52” bị thương, nước đều ngập đến đầu gối. Nhiều người phải nằm lại vì cáng thương lên không kịp...”.

Trận chiến mỗi lúc một gay go, ác liệt. Những người bị thương như chúng tôi được chuyển vào lánh tạm trong các xóm của Vọng Doanh, Giáp Giá để chờ đưa qua sông. Trời nhá nhem tối, hàng chục cáng thương tập trung ở sân đình làng, rồi sau đó được các gia đình đón về chăm sóc ngay trong nhà họ. Ngày hôm sau, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đã ở trên bến sông. Đây là trạm tiếp nhận tạm thời để chờ dân công đưa sang bên kia sông lên vùng tự do. Nhiều bà mẹ ra tận bến sông tiễn thương binh với đôi mắt đỏ hoe. Mặt trời dần lên cao, thương binh chuyển về mỗi lúc một đông. Nằm trên cáng, tôi nghe được cuộc trao đổi của một bác sĩ với hộ lý phòng tiếp nhận: “Bao nhiêu ca rồi, sao về nhiều thế?”. “Dạ, 350 ca”. “Ở đâu về vậy?”. “Dạ, cả Hoàng Đan và Vọng Doanh-Giáp Giá”. “Làm nhanh thủ tục chuyển về tuyến sau đi, ở đây không còn chỗ”... Cùng đơn vị với tôi ở đây còn có Đại đội phó Viễn, Trung đội trưởng Độ. Gặp nhau, Độ bấm ngón tay nhẩm tính, rồi bảo: “Buồn thật, Trung đội mình tổn thất lớn quá. Trong khi quân số tham chiến là 29 thì mất 17”. Độ cho biết: “Đau nhất là trường hợp anh Sử, Đại đội trưởng. Khi chỉ huy đại đội xông lên đến mặt đê để truy kích địch thì anh bất ngờ bị bọn Âu-Phi phản kích, trúng đạn và hy sinh”. Trường hợp Đại đội trưởng Sử thì tôi biết. Anh tả xung hữu đột; vừa chỉ huy bộ đội truy kích địch đến cùng, vừa sử dụng cả hỏa lực tiêu diệt các ụ hỏa điểm lợi hại của địch. Anh hy sinh như một người anh hùng”.

Dừng câu chuyện và đứng lặng hồi lâu trên đê sông Đáy, người cựu chiến binh già Hoàng Hải không kể tiếp mà quay sang chúng tôi khẳng định, đây là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong đời quân ngũ của ông. Năm đó, khi Chiến dịch Điện Biên Phủ chuẩn bị mở màn thì ông và đồng đội lại nằm tại quân y viện ở Ninh Bình, trong khi hàng chục đồng đội khác phải nằm lại trên các cánh đồng Vọng Doanh-Giáp Giá! Chia sẻ với nỗi niềm của người cựu chiến binh già, chúng tôi chỉ biết an ủi rằng, Trung đoàn 52 đã hoàn thành xuất sắc một nhiệm vụ quan trọng là góp phần quyết định đập vỡ phòng tuyến sông Đáy, nối liền vùng tự do Liên khu 3 với các căn cứ du kích ở Tây Bắc Nam Định và Tây Nam Phủ Lý, tạo điều kiện để chủ lực Đại đoàn 320 tiến sâu vào hoạt động ở vùng sau lưng địch, thực hiện chủ trương phối hợp với Mặt trận Điện Biên Phủ.  

70 năm trôi qua, nhưng tại địa danh này vẫn chưa có một tấm bia ghi dấu trận đánh, thậm chí tại bốt Hoàng Đan, nơi nhà văn Nam Cao từng bị quân Pháp bắt và sát hại (tháng 11-1951), cũng chưa có lấy một tấm bia...

TRẦN NGỌC LONG