Mở đầu câu chuyện, ông Định trải lòng: “Năm 1947, tôi nhập ngũ vào Tiểu đoàn 150 thuộc Chiến khu 3 (nay là Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312). Giữa năm 1947, Tiểu đoàn được lệnh hành quân lên Việt Bắc, lấy phiên hiệu là Tiểu đoàn 11 độc lập. Trước khi lên đường, chúng tôi tập trung ở đình làng Thanh Cù, xã Ngọc Thanh, huyện Kim Động (Hưng Yên) một đêm, sáng hôm sau đi đò vượt sông Hồng, qua Ba Thá, xã Viên An, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội) đến Phúc Yên (nay là thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc), rồi qua Phú Thọ đến đóng quân ở xã Độc Lập (nay là xã Tiên Hội), huyện Đại Từ (Thái Nguyên).

Đêm 25-7-1948, tôi tham gia chiến đấu cùng Tiểu đoàn tiêu diệt đồn Phủ Thông (nay thuộc thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn). Đồn được quân Pháp xây dựng kiên cố, có nhiều hầm hào và hỏa lực mạnh. Sau hơn một giờ chiến đấu, ta tiêu diệt được đồn, tôi bị thương... Từ trận thắng này, Tiểu đoàn 11 vinh dự mang tên Tiểu đoàn Phủ Thông.

Sau khi điều trị khỏi vết thương, tôi tiếp tục ở lại Tiểu đoàn. Khi Đại đoàn 308 thành lập (ngày 28-8-1949), Tiểu đoàn Phủ Thông được điều về trong biên chế của Đại đoàn. Từ tháng 5 đến tháng 9-1950, chúng tôi được lệnh sang Vân Nam (Trung Quốc) tập huấn quân sự. Ngày 2-9-1951, tôi được vinh dự kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam...”.

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Đỗ Như Định (bên trái) cùng tác giả bài viết, năm 2019. Ảnh: NGUYÊN VÂN

Tháng 9-1951, ông Định cùng Tiểu đoàn 11 (lúc này  thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312) hành quân lên Tây Bắc, tham gia Chiến dịch Lý Thường Kiệt, đánh các đồn địch ở Nghĩa Lộ (Yên Bái). Trong trận đánh đồn Nghĩa Lộ, do địa hình hiểm trở, báo cáo của trinh sát chưa chuẩn, địch lại ở trên cao rất đông, ta ở dưới thấp, quân số lại ít hơn nhiều nên ròng rã 3 ngày đêm ta không dứt điểm được, thương vong nhiều nên đơn vị phải rút lui. Sau đó, ông Định cùng Tiểu đoàn hành quân lên Sơn La, đánh đồn Pú Hồng của địch. Trận này, ta bị lộ nên địch gọi viện binh từ Sơn La về rất đông, đơn vị lại phải rút lui. “Sang năm 1953, đơn vị chúng tôi được lệnh hành quân sang Lào phối hợp cùng bộ đội Pathet (Lào) trong Chiến dịch Thượng Lào, đánh tiêu diệt đồn Sốp Hào, đồn Mường Hàm (tỉnh Hủa Phăn)... Sau đó, rút quân về qua sông Mã nhận lệnh triển khai đánh tiêu diệt địch ở đồi 600. Trận này, quân ta toàn thắng, thu được nhiều vũ khí, lương thực, thực phẩm, bắt sống nhiều tù binh...”, ông Định kể.

Cuối năm 1953, ông Định được bổ nhiệm Trung đội phó Thông tin thuộc Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. “Đại đội tôi do đồng chí Vi Kim Chức làm Đại đội trưởng, đồng chí Hoàng Văn Đắc làm Chính trị viên. Chúng tôi được học tập, quán triệt nghị quyết của Trung ương Đảng, mệnh lệnh của Tổng Quân ủy, thư động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị đánh tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đơn vị tôi được giao nhiệm vụ mở màn đánh đồi Him Lam...”, ông Định kể lại.

Đêm 24-4-1954, đồng chí trung đội trưởng hy sinh, ông Định trực tiếp chỉ huy đơn vị đào giao thông hào, bảo đảm thông tin liên lạc cho Trung đoàn. Không may, trong một đợt pháo kích của địch, ông bị mảnh đạn cắt cụt chân phải và ngất đi. Lúc tỉnh dậy, ông thấy mình đã được đồng đội băng bó và đưa về tuyến sau điều trị tại Phú Thọ. “Chiều 7-5-1954, tôi được tin Điện Biên Phủ đại thắng, tướng De Castries bị ta bắt sống. Tôi cùng đồng đội vui sướng tột độ trong tiếng hò reo lẫn tiếng khóc vì vui sướng, vì thương nhớ biết bao đồng chí đã anh dũng hy sinh để có ngày đại thắng chấn động địa cầu. Ít tháng sau, vết thương của tôi lành, được xác định tỷ lệ thương tật 71%, là thương binh hạng 2/4...”, ông Định xúc động kể.

ĐỖ XUÂN TUYỂN