Theo dòng hồi ức, Đại tá Ngô Doanh chia sẻ với chúng tôi về những lần bị thương của mình. Hồi ấy, như bao bạn bè cùng trang lứa, vừa bước sang tuổi 19, chàng trai Ngô Doanh, quê ở xã Tam Thanh (huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) lên đường nhập ngũ về Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn 316, Quân khu Tây Bắc. Sau thời gian huấn luyện, năm 1963, ông được biên chế về Trung đội Thông tin thuộc Tiểu đoàn 2, Lữ đoàn 335, Quân khu Tây Bắc (nay là Trung đoàn 335, Sư đoàn 324, Quân khu 4).
Từ năm 1965 đến 1987, Trung đoàn 335 làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào xây dựng cơ sở cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc. Những năm 1971-1972, Trung đoàn 335 tác chiến tại khu vực Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Cũng chính khoảng thời gian này, ông Doanh bị thương tới 3 lần.
    |
 |
Đại tá, cựu chiến binh Ngô Doanh. Ảnh: NINH NHI |
Đại tá Ngô Doanh kể: “Ngày 18-12-1971, Tiểu đoàn 2 chúng tôi nhận lệnh của cấp trên triển khai tấn công cụm cứ điểm Phu Keng. Theo kế hoạch, Đại đội 6 do tôi chỉ huy tiến công trên hướng thứ yếu, hướng chủ yếu do Đại đội 8 thực hiện dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Trường Núi. Ngày 20-12-1971, chúng tôi đánh vào mỏm 1 của cụm cứ điểm có sự yểm trợ của hỏa lực ĐKZ. Tuy nhiên, sau khi có lệnh cho bộ binh xung phong, trận địa ĐKZ không kịp nhận lệnh chuyển làn. Tình hình lúc bấy giờ trở nên nguy hiểm, vì nếu hỏa lực vẫn tiếp tục bắn vào tuyến mục tiêu cũ, trong khi lực lượng bộ binh đã tiến sát trận địa địch thì dễ xảy ra bắn nhầm vào đội hình ta. Kịp thời nhận ra tình huống đó, chúng tôi đã bắn pháo hiệu cảnh báo để ĐKZ chuyển làn, tạo điều kiện cho bộ binh tiếp tục tiến công.
Sau khi ta đánh chiếm được mỏm 1, địch vẫn còn cố thủ bên trong công sự, chúng bất ngờ ném lựu đạn ra ngoài. Những mảnh lựu đạn văng nhiều phía, thấy máu từ trên đầu chảy xuống, tôi biết mình đã bị thương nhưng không có cảm giác đau đớn. Tôi dùng tay trái ôm đầu, nhanh chóng tự cầm máu rồi dùng súng ngắn bắn vào trong công sự nơi địch ẩn nấp. Thấy tôi bị thương, anh em vội kéo tôi ra ngoài. Y tá của đại đội nhanh chóng sơ cứu và đưa tôi xuống trạm phẫu của tiểu đoàn để băng bó vết thương. Chỉ nghỉ ngơi một đêm, hôm sau, tôi tiếp tục cùng đồng đội phát triển tấn công vào sâu bên trong.
Đầu tháng 5-1972, khi trú quân tại một hang động ở gần khu vực Loong Chẹng, chuẩn bị cho phòng ngự khu trung gian, Tiểu đoàn 2 của tôi bị máy bay địch phát hiện. Sau nhiều vòng bay lượn trinh sát trên không, chúng bất ngờ tấn công vào nơi trú quân của ta. Cuộc tập kích khiến nhiều cán bộ, chiến sĩ bị thương và hy sinh, trong đó, tôi bị thương do mảnh đạn găm trúng đỉnh đầu. Vết thương không quá nặng, sau khi được quân y sơ cứu, tôi có thể chỉ huy các lực lượng làm công tác thương binh, tử sĩ. Khi tình hình đã ổn định, Tiểu đoàn 2 tiếp tục hành quân về khu trung gian chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo. Lúc này, tôi mới gặp quân y đơn vị để kiểm tra vết thương của mình”.
Khi vết thương lành, ông Doanh lại cùng đơn vị tích cực rèn luyện, huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật. Một lần, ông cùng các cán bộ tiểu đoàn đi kiểm tra trận địa, nhưng do đại đội chưa kịp thông báo đến trung đội để gỡ mìn trên trận địa nên đã có tình huống bất ngờ xảy ra. Đoàn kiểm tra gồm tổ dẫn đường đi trước, ông Doanh khi ấy là Tiểu đoàn trưởng đi phía sau. Khi tổ dẫn đường vừa bước vào trận địa thì bị vướng phải dây mìn. Theo phản xạ tự nhiên, các chiến sĩ hô: “Nằm xuống!” và cả tổ nằm rạp xuống đất. Mìn nổ khiến một số đồng chí bị thương nhẹ. Ông Doanh bị mảnh mìn bắn trúng vào tay và vùng đầu bên phải. “May mắn thay, khi nghe tiếng nổ và tiếng hô: “Nằm xuống!”, bộ phận bảo vệ trận địa kịp nhận ra là quân ta nên không cho nổ mìn định hướng. Nếu không thì tôi đã không thể ngồi đây nói chuyện với các bạn được rồi”, Đại tá Ngô Doanh nhớ lại.
Với những đóng góp cho cách mạng Lào, Đại tá Ngô Doanh vinh dự được Nhà nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào trao tặng Huân chương Tự do hạng Nhất, Huân chương Hữu nghị... Dù tuổi đã cao và mang trong mình bệnh tật nhưng thương binh hạng 4/4 Ngô Doanh vẫn luôn giữ vững tinh thần Bộ đội Cụ Hồ. Hiện nay, ông là Trưởng ban liên lạc cựu Quân tình nguyện Trung đoàn 335.
PHƯƠNG NINH