Cựu chiến binh Phan Tương sinh năm 1932, tại thôn Thổ Sơn (Lộc Tiến, Phú Lộc, Thừa Thiên Huế). 18 tuổi, đang học dở lớp 5 thì ông hăng hái nhập ngũ. Ông Tương kể rằng, quê ông là vùng tạm chiếm, không có trường học nên dù đã đến tuổi trưởng thành mới có điều kiện ra vùng tự do học tập, phải đi lại rất vất vả nhưng ông không nản chí.

“Mỗi lần đi học phải đi hơn 20km, đi bộ qua đèo dốc rồi qua mấy lần đò ngang nhưng tôi chẳng vì thế mà bỏ dở học hành. Chỉ đến khi thấy trong làng, ngoài xã, mọi người nô nức tòng quân thì tôi cũng tình nguyện nhập ngũ và được biên chế vào Ban Tham mưu Trung đoàn 101. Vào bộ đội ngày ấy còn đơn sơ chứ chưa được trang bị đầy đủ như bây giờ, ai có gì mặc nấy. Đồng chí Tham mưu trưởng Trung đoàn thấy tôi đã học đến lớp 5 nên cử đi học quân y, sau đó thì tôi về Ban Quân y Trung đoàn làm việc”, ông Phan Tương kể.

Năm 1955, ông Phan Tương được cử ra Bắc học bổ túc văn hóa tại Kiến An, Hải Phòng. Năm 1956 thì được lựa chọn vào Bộ đội Hải quân và sang Trung Quốc học tàu phóng lôi. Ông Phan Tương cho biết: “Ngày 5-9-1956, đoàn xuất phát tại ga Hàng Cỏ. Sang đến nước bạn thì được bố trí học ở Trường Hải quân số 3 ở TP Uy Hải, tỉnh Sơn Đông. Một năm sau thì chuyển về học tại Trường cao cấp chuyên khoa hải quân tại TP Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Mặc dù trình độ văn hóa của anh em không đồng đều nhưng do xác định tốt trách nhiệm, lại có đầy đủ phương tiện học tập, ai cũng cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Phan Tương (bên trái) và đồng đội tại Trung Quốc (năm 1957). Ảnh do nhân vật cung cấp

Tháng 9-1958, khóa học kết thúc, ông được chuyển về thực tập tại Đại đội tàu phóng lôi ở căn cứ Du Lâm, đảo Hải Nam. Tháng 3-1959, ông Phan Tương và đồng đội về nước. Trải qua một số nhiệm vụ, sau khi Tiểu đoàn 135 (Cục Hải quân) được thành lập, ông được điều về làm Phân đội phó rồi Phân đội trưởng kiêm Thuyền trưởng Tàu T323, Phân đội 2.

Kể về lần bị thương của mình trong trận đánh ở cảng sông Gianh trưa 5-8-1964, ông Phan Tương cho biết: “Tối 30-7, tôi được lệnh đưa phân đội gồm 3 tàu: T326, T329 và T323 vào Quảng Bình đánh biệt kích. Vào đến nơi, đội hình của chúng tôi tập trung ở cảng sông Gianh. Thời điểm này, địch đang ráo riết thực hiện các hoạt động quấy phá vùng biển, đảo của ta. Trưa 5-8, sau khi ngụy trang tàu kỹ, chúng tôi đưa tàu vào khu neo đậu. Đang nghỉ trưa, tôi giật mình tỉnh dậy bởi tiếng pháo rít, tiếng còi báo động inh ỏi”.

Ngay lập tức, ông Phan Tương cùng đồng đội chạy ngay ra cảng. Trên bầu trời, khoảng 8 máy bay của địch lượn vòng tròn, bổ nhào cắt bom. Qua bộ đàm ông nhắc mọi người: “Giữ cự ly, bắn máy bay!”. Ông Tương kể rằng, khi ấy, tất cả các tàu trong cảng đều nổ súng. Suy nghĩ lúc ấy của ông chỉ là phải làm sao cứu được tàu, không để máy bay địch bắn trúng. Ông chỉ huy 3 tàu trong phân đội chạy theo hình dích dắc và ngược lên theo hướng thượng nguồn để tránh đạn địch.

Do ở trong lòng sông nên việc cơ động rất khó khăn. Nhưng ngay lúc ấy, lại có máy bay tách đội hình bay ngược lại cảng sông Gianh hướng về phía đội hình 3 tàu của phân đội ông. Một suy nghĩ vụt qua rất nhanh trong đầu người chỉ huy trẻ tuổi “thằng này ngắm bắn vào đội hình của ta đây”, rồi ông đập vào tay đồng chí máy trưởng Nguyễn Xuân Ảnh: “Sẵn sàng máy, tăng giảm tốc độ đột ngột”. Nghe tiếng đồng chí Ảnh hô: “Rõ”, rồi ghì lấy tay cần giảm tốc độ. Chợt thấy chớp lửa lóe lên, ông hét: “Tăng hết tốc độ!”. Cùng lúc đó, Tàu T323 và các tàu trong phân đội lao vút đi.

Quả đạn của địch đã không bắn trúng được đội hình ta. Nhưng ngay lúc ấy, ông Phan Tương không hề biết mảnh rocket nổ đã trúng vào tay và ngực phải của mình. “Sự căng thẳng của trí não và toàn bộ cơ thể trong lúc nguy nan đã khiến tôi không cảm thấy đau. Chỉ đến khi đồng đội phát hiện máu thấm ướt áo, tôi mới biết mình đã bị thương. Máy bay địch đã bỏ đi, tôi được đồng đội đưa lên bờ băng bó và đưa ra Bệnh viện Quân y 4 điều trị. Hơn một tháng sau, cảm thấy sức khỏe đã ổn định, tôi xin trở lại đơn vị chiến đấu”, ông Phan Tương cho biết.

Những năm sau này, ông Phan Tương cùng đồng đội ra đảo Cồn Cỏ, rồi bám trụ ở những trọng điểm đánh phá của địch tại Quảng Bình, Quảng Trị. Năm 1967, sức khỏe có dấu hiệu suy giảm do ảnh hưởng vết thương, hay đau vùng ngực cũng như sức bền không còn được như trước, ông Phan Tương đành phải chuyển ngành về Cục Vận tải đường sông (nay là Cục Đường thủy nội địa Việt Nam), Bộ Giao thông vận tải. Năm 1990, ông về hưu trên cương vị Trưởng phòng Lao động-Tiền lương.

KHÁNH AN