Trong ngày lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 tại TP Đà Nẵng, chúng tôi được nghe cựu chiến binh, thương binh Đinh Văn Bình (hiện trú tại xã Giao Long, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) kể về những trận đánh của lực lượng đặc công nước Quảng Đà mà ông trực tiếp tham gia.

Cựu chiến binh Đinh Văn Bình kể: “Ngày 20-4-1974, tôi được đồng chí Trần Châu Á, Chính trị viên Tiểu đoàn Đặc công nước 471 giao nhiệm vụ làm tổ trưởng cùng đồng chí Nguyễn Xuân Đạc (người cùng huyện Giao Thủy) làm tổ viên, đi đánh tàu tại vùng biển Đà Nẵng. Sau khi làm công tác chuẩn bị, chúng tôi vượt núi, xuyên rừng gần 30km, bơi gần 20km đường biển qua các tàu bo bo, tàu tuần tiễu dày đặc của địch để sang bán đảo Sơn Trà nằm phục.

Chiều 28-4, chiếc tàu khoảng 10.200 tấn vào neo đậu tại vịnh Đà Nẵng cách vị trí tập kết khoảng 7km, sau đó là nhiều tàu tuần tiễu, tàu bo bo đến chạy quanh bảo vệ vòng trong, vòng ngoài. Nhận định đây là chiếc tàu chở hàng quân sự quan trọng nên địch mới cho nhiều tàu tuần tiễu bảo vệ chặt chẽ, chúng tôi cùng nhau bàn và thống nhất phương án đánh tàu là dùng mìn đặt ngòi nổ hẹn 1 giờ. Khi làm công tác chuẩn bị chiến đấu, lắp ngòi nổ vào mìn, tôi kiểm tra chốt hẹn giờ chỉ 7 phút. Lúc này, tổ tác chiến chỉ có hai người, không thể bơi về căn cứ để đổi ngòi nổ hẹn giờ, cũng không thể xin chỉ đạo của cấp trên. Chúng tôi xác định chấp nhận hy sinh, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đinh Văn Bình (thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội về thăm lại chiến trường xưa.

Đúng 20 giờ ngày 28-4, tổ xuất phát vượt qua các tàu tuần tiễu, tàu bo bo bên ngoài, đến 23 giờ tiếp cận mục tiêu. Lúc này sóng to, mưa gió lớn, nước chảy mạnh, một tàu tuần tiễu đậu ở phía trước mũi tàu vận tải, hai chiếc chạy hai bên mạn tàu, quét đèn pha cảnh giới, khi phát hiện vật khả nghi thì chúng dùng súng, lựu đạn bắn ra xung quanh, khiến cho việc bắt mũi tàu rất khó khăn. Tôi nói với đồng chí Đạc: “Con tàu này chở nhiều xe tăng, xe bọc thép và cả pháo lớn, phải đánh bằng được mới về”.

Đến hơn 1 giờ ngày 29-4, chúng tôi mới tiếp cận được mũi tàu vận tải. Luồn qua tàu tuần tiễu sang mạn phải ướm khoảng giữa thân tàu, tôi lấy hai quả mìn đặt sát nhau và rút chốt hẹn giờ, kiểm tra lại rồi rút dao găm đâm thủng phao buộc ở hai quả mìn, ra hiệu cho đồng chí Đạc bí mật bơi nhanh ra ngoài. Chúng tôi bơi khoảng hơn 20m chưa đến đuôi tàu thì mìn nổ. Một cột nước trùm lên cả thân tàu. Địch báo động. Tàu tuần tiễu chạy lùng sục quét đèn pha, bắn pháo sáng, ném thủ pháo, lựu đạn và bắn phá ác liệt. Tàu vận tải dần chìm xuống biển. Chúng tôi tuy bị sức ép của mìn nổ nhưng vẫn cố gắng bơi về nơi tập kết an toàn”.

Chiến công vang dội của tổ chiến đấu đã tiêu diệt một tàu vận tải 10.200 tấn của địch, trên đó chở nhiều xe tăng, xe bọc thép, hàng hóa quân sự. Với thành tích này, Tổ trưởng Đinh Văn Bình được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai, tổ viên Nguyễn Xuân Đạc được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba.

Phát huy thắng lợi, ngày 12-7-1974, Đinh Văn Bình tiếp tục được chỉ huy Tiểu đoàn tin tưởng, giao làm tổ trưởng cùng với tổ viên Hoàng Thanh Bình tiếp tục đi đánh tàu tại vùng biển Đà Nẵng.

“Sau khi làm công tác chuẩn bị, 19 giờ 30 phút ngày 14-7, chúng tôi bơi sang bán đảo Sơn Trà nằm phục. Trong 5 ngày đêm theo dõi, chúng tôi chỉ thấy tàu vào bốc hàng, đến 17 giờ lại nhổ neo chạy ra khơi, không có chiếc nào đậu lại ở vịnh. Tổ bàn và quyết định chọn phương án đánh thẳng vào khu cảng sâu nơi các tàu tuần tiễu neo đậu”, ông Bình kể.

Sáng 21-7, tổ hành quân luồn sâu xuyên rừng vượt núi 10km qua các bốt gác, chòi canh, bãi mìn và hàng rào dây thép gai đến nơi tập kết làm công tác chuẩn bị để tối đánh vào cảng sâu. Lúc này tổ đã nằm sâu trong lòng địch. Trên bờ, các bốt gác, chòi canh dày đặc, dưới nước, tàu thuyền chạy kiểm soát, lùng sục, đèn điện bảo vệ sáng như ban ngày. Trong lúc đang chuẩn bị lắp ngòi nổ vào mìn, tổ phát hiện một tàu vận tải cỡ lớn hơn 10.000 tấn vào neo đậu ở vịnh Đà Nẵng, cách điểm tập kết khoảng 8km. Tổ bàn bạc thay đổi phương án, đánh thẳng vào tàu vận tải 10.000 tấn neo đậu ở vịnh, bỏ mục tiêu ở cảng sâu vì tàu nhỏ.

19 giờ 30 phút cùng ngày, tổ xuất phát. Đến 23 giờ 40 phút, tổ mới tiếp cận mục tiêu. Quan sát tàu vận tải thấy một chiếc tàu tuần tiễu đậu ở trước mũi tàu, hai bên có hai chiếc cứ chạy lên chạy xuống bắn và ném thủ pháo, lựu đạn xung quanh. Tổ bơi tiếp cận cách mũi tàu khoảng 150m chờ khi tàu tuần tiễu chạy lên, thả trôi ném thủ pháo, lựu đạn theo quy luật xong, tổ bơi bí mật tiếp cận tàu. “Tôi chọn mạn bên phải rồi bơi xuống khoảng giữa thân tàu, đặt quả mìn thứ nhất, rút chốt hẹn giờ, đâm thủng phao ở quả mìn, rồi đặt tiếp quả thứ hai. Xong việc, tôi ra hiệu cho đồng đội cùng bơi thật nhanh ra khỏi thân tàu. Khi bơi cách tàu vận tải khoảng 500m thì mìn nổ, tuy bị sức ép nhưng chúng tôi lấy lại bình tĩnh và tiếp tục bơi ra xa an toàn. Địch báo động, lùng sục và bắn loạn xạ ra khu vực xung quanh. Sau đó, tàu chìm dần xuống biển. Chúng tôi bơi về nơi tập kết an toàn. Trận đánh này, chỉ huy Tiểu đoàn đã khen ngợi, biểu dương chiến công xuất sắc của tổ chiến đấu. Tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Hai, đồng chí Hoàng Thanh Bình được tặng thưởng Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba”, CCB Đinh Văn Bình kể với niềm tự hào.

Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN CHUNG