Sau nhiều lần hẹn, gần đây, tôi được gặp cựu chiến binh Trần Văn Lịch tại nhà riêng. Ở tuổi 82 nhưng ông vẫn nhanh nhẹn, trí nhớ tốt. Ông cho biết, từ tháng 10-2022, dù đã thôi tham gia Ban lãnh đạo Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam và Hội truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển TP Hải Phòng nhưng ông vẫn dự các buổi sinh hoạt hội, nói chuyện truyền thống giáo dục thế hệ trẻ...

leftcenterrightdel
 Chiến sĩ Trần Văn Lịch (hàng thứ hai, bên phải) cùng đồng đội tàu C41. Ảnh tư liệu

Cựu chiến binh Trần Văn Lịch kể: “Tháng 2-1964, tôi nhập ngũ. Hàng trăm chiến sĩ đợt nhập ngũ cùng tôi được huấn luyện ở Tiên Yên (Quảng Ninh). Sau 3 tháng, tháng 5-1964, Đoàn 125 Hải quân đến nhận và đưa chúng tôi về Đồ Sơn (Hải Phòng) huấn luyện tiếp tại K35. Tháng 10-1964, tôi được bổ sung xuống Tàu C41. Thuyền trưởng khi ấy là đồng chí Hồ Đắc Thạnh, người Phú Yên (sau này được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân) và Chính trị viên Trần Hoàng Chiến, quê ở Vĩnh Long. Tàu được biên chế khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ. Trên tàu còn một số cán bộ đi cùng để chi viện cho tiền tuyến miền Nam...

Trước khi Tàu C41 rời bến, chúng tôi được lãnh đạo, chỉ huy đơn vị, tổ chức đảng, đoàn thanh niên gặp gỡ, động viên. Trong hải trình thực hiện nhiệm vụ, trên tàu, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn phải khắc phục, nhất là hạn chế về phương tiện, khí tài hàng hải. Tàu chỉ có la bàn, máy đo phương vị, thế nhưng toàn tàu vẫn đi đúng hướng, bởi thuyền trưởng dày dạn kinh nghiệm, thông thạo hải trình, nhiều năm đi biển và lái tàu rất giỏi. Tàu tới đâu có người ở đó đón, từ Vũng Rô cho tới Cà Mau... Có chuyến đi tới Vũng Rô thì Tàu C41 gặp địch, nhưng Thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh vẫn bình tĩnh đưa con tàu vòng tránh, không đối đầu với địch”.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Trần Văn Lịch. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Từ năm 1964 đến 1970, ông Lịch có 3 chuyến đi cùng Tàu C41. Ông nhớ mãi một lần tàu bị mắc cạn ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. “Đã có hai tàu của ta bị mắc cạn ở Hoàng Sa không ra được, ta phải lấy vũ khí rồi hủy tàu. Tàu C41 cũng bị rơi vào cảnh tương tự, mắc cạn đúng thời điểm tôi trực quan sát. Tuy nhiên, toàn tàu bình tĩnh, quyết tâm vượt cạn và rất may mắn là đến khoảng 3-4 giờ sáng hôm sau, tàu được kéo ra khỏi bãi cạn, tiếp tục hành trình đến đúng địa điểm”, ông Lịch nhớ lại.

Khi chúng tôi đang trò chuyện, một người phụ nữ bước vào, ông Lịch giới thiệu đó là vợ của ông và chia sẻ về câu chuyện tình yêu trong chiến tranh của ông bà. Năm 1960, chàng trai đất cảng ra Quảng Ninh làm thợ cơ khí ở Hòn Gai. Rồi ông quen bà, một cô gái xinh đẹp, quê ở Quảng Ninh. Năm 1964, ông đi bộ đội, bà cũng rời vùng mỏ đi học ở Hà Nội và sau đó làm giáo viên tại một trường kỹ thuật.

leftcenterrightdel

 Ông Trần Văn Lịch (hàng thứ hai, đứng thứ ba, từ trái qua) cùng đồng đội

và các cựu chiến binh Mỹ tại Thành cổ Quảng Trị. Ảnh do nhân vật cung cấp

Kể từ thời điểm ấy, hai người cách xa nhau. Nhiệm vụ của người thủy thủ trên Tàu không số là nhiệm vụ đặc biệt, phải tuyệt đối giữ bí mật và không có chế độ phép. Thư từ gửi cho ai đều phải giữ bí mật về nhiệm vụ và đơn vị. Đó là những nguyên tắc phải tuyệt đối chấp hành. Thế nên thỉnh thoảng ông mới viết được bức thư gửi thăm người yêu. “Năm 1968, sau khi báo cáo và được tổ chức đồng ý, tôi lên Hà Nội tổ chức lễ cưới. Thời chiến, đám cưới tổ chức đơn giản nhưng với tôi, đó là một kỷ niệm không thể quên trong cuộc đời. Sau đó tôi đưa vợ về Hải Phòng sinh sống và công tác”, ông Lịch cho biết.

Năm 1970, ông Trần Văn Lịch chuyển công tác về một đơn vị thuộc Quân khu 3, sau đó chuyển ngành sang các cơ quan dân sự ở Hải Phòng cho đến khi nghỉ hưu.

ĐỖ HÂN