… Trên Báo Tiền phong có lần nhà báo Xuân Ba kể cuộc gặp gỡ giữa một chiến sĩ của Đoàn tàu không số năm xưa, ông Đào Hồng Tuyển với tướng bại trận Nguyễn Cao Kỳ có một đoạn như sau:

“Thứ trang trí bắt mắt trong phòng làm việc của ông Tuyển là tấm hình đặc biệt. Nó được tìm thấy năm 1975, trong hộc tủ một cơ quan tình báo Mỹ chụp từ trên cao con tàu đánh cá loại vừa đang lênh đênh trên mặt bể. Con tàu cá sơn số hiệu và mang cờ một nước thuộc khu vực Đông Nam Á.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương.

Ông Tuyển từ nhiều năm nay luôn giữ tấm hình được sao lại ấy như thứ báu vật bất ly thân! Chiến sĩ Hải quân Đào Hồng Tuyển từng có mặt trên con tàu không số ấy (từng phải ngụy trang số giả và mang cờ nước ngoài) ba lần cùng đồng đội vận chuyển vũ khí vào Nam. Con tàu ấy, loại tàu đó không được xuất bến lần thứ 4 trong hải trình Đường Hồ Chí Minh trên biển bởi đã bị lộ. Tin mật báo máy bay trinh sát của Hạm đội 7 đã nhiều lần ghi hình được con tàu khả nghi này...”.

Lần đầu tiên ông Kỳ đến phòng này. Vừa yên vị đưa mắt quanh phòng, tấm ảnh con tàu không số kia như tức khắc chạm ngay mắt ông! Ông đứng bật dậy đến gần nhìn chăm chăm và dồn hỏi ông Tuyển nhiều điều về bức ảnh… Ông Kỳ cho ông Tuyển biết, có một buổi ông được mời đến Phòng Tác chiến đặc biệt Mỹ - Việt. Tại đó, đã có sự hiện diện của nhiều chuyên gia sừng sỏ về điều nghiên phân tích tin tức tình báo. Hình con tàu lạ lênh đênh trên Biển Đông và vùng hải phận quốc tế được giăng trên tường với kích cỡ, cự ly khác nhau và được các chuyên viên tường trình rất cụ thể... Họ đã sơ bộ kết luận rằng, Việt Cộng đang thay đổi phương thức trong việc bí mật vận chuyển vũ khí bằng đường biển! Nhưng cho đến bây giờ ông Kỳ vẫn không hiểu là tại làm sao, vào thời điểm ấy miền Bắc lại biết được phương thức giả làm tàu cá nước ngoài để vận chuyển vũ khí vào Nam khi đã bị lộ?

Câu chuyện về tuyến vận chuyển trên biển những năm chống Mỹ, cứu nước còn nhiều điều chưa được biết, còn đang là những dấu hỏi cần tiếp tục tìm hiểu, tìm câu trả lời nhưng đã vào sử, lên báo và được truyền tụng cả trong nhân dân như những huyền thoại suốt cả nửa thế kỷ nay. Và, với văn học, con đường huyền thoại ấy được nói tới trong những tác phẩm khá nổi tiếng của nhà báo Nguyễn Tư Đương, nhà văn Đình Kính, nhà văn Hồ Phương… mà nổi bật hơn cả là cuốn tiểu thuyết Biển gọi của Thiếu tướng nhà văn Hồ Phương.

Đời bộ đội, đời viết văn của Hồ Phương không chỉ gắn bó với mảnh đất Điện Biên - nơi ông từng tham chiến, gắn bó với Hà Nội - nơi ông sinh ra và theo học, mà còn rất gắn bó với biển, đảo.

Khi còn chưa đầu quân về Văn nghệ Quân đội, tôi đã đọc Chúng tôi ở Cồn Cỏ - một tập ký sự nóng bỏng viết về cuộc chiến đấu của các chiến sĩ đảo Cồn Cỏ anh hùng trong những ngày quần nhau với máy bay và tàu chiến Mỹ; lại cũng đã hình dung về ông - “người của biển” qua mấy câu thơ của nhà thơ Xuân Sách: Trên biển lớn, mênh mông trời nước/ Ngó trông về Xóm mới tít mù xa/ Cỏ non nay đã về già/ Buồn tênh lại giở Thư nhà ra xem (cũng như Thư nhà, Cỏ non, Xóm mới, Trên biển lớn là tên mấy tác phẩm của Hồ Phương). Và khi đã về “nhà số 4”, về “phố nhà binh” cả mấy tháng trời tôi vẫn chưa gặp tác giả Trên biển lớn, mãi sau mới biết ông đang “cắm” dưới Hải Phòng, bám Bộ đội Hải quân để viết Biển gọi - cuốn sách mà tướng quân hằng ấp ủ nhiều năm.

Biển gọi là cuốn tiểu thuyết đầu tiên viết về Đường Hồ Chí Minh trên biển, về những con tàu không số năm xưa. Biển gọi cũng là cuốn sách đã “văn học hóa”, đã “bắt” những con số khô khan nặng chất sử liệu ở trên cất lên tiếng nói; đồng thời Biển gọi cũng là câu chuyện dài về những hình ảnh, những hiện vật như bức ảnh con tàu được treo trong phòng khách của “chúa đảo” Tuần Châu - cựu chiến binh tàu không số ngày nào - bức ảnh đã làm ông “tướng râu kẽm”, “tướng cao bồi” khét tiếng của đối phương những năm chưa xa là ông Nguyễn Cao Kỳ bất ngờ đến… sững sờ!

Câu chuyện mà nhà văn Hồ Phương viết trong tiểu thuyết Biển gọi là câu chuyện kể về Đoàn tàu không số, về một chiến sĩ có tên là Vũ và đồng đội của anh, về những chiến sĩ hải quân, những thủy thủ trên những con tàu đó. Những con tàu nhỏ nhoi, đơn độc, len lách tìm tòi, khai mở những con đường mới trên biển cả mênh mông, lạ lẫm và đầy sóng gió, giông bão và giữa xăm xoi vây bủa trùng điệp của quân thù. Nhiều lần chạm trán với tàu Mỹ, tàu ngụy, với thám báo người nhái của địch. Có lần vượt qua được vòng vây của chúng, có chuyến bị chúng bắn chìm, đánh đắm… Lại có lần chỉ còn cách tự đánh chìm, dạt lên bộ, đói khát lạc giữa rừng, mất phương hướng, sa vào vùng địch, có lúc phải đổ máu hy sinh. Nhiều lần bám được đất liền, gặp được quần chúng, nối được liên lạc, tìm lại được đội ngũ, nhưng cũng có lần vĩnh viễn nằm lại một góc rừng, hoặc chìm sâu mãi mãi dưới đáy đại dương...

Bìa tiểu thuyết “Biển gọi”.

Viết về những câu chuyện ấy, Hồ Phương không chỉ có những trang viết về những chuyến vượt biển đầy bí hiểm, gợi sự tò mò; viết về biển thẳm với những trận cuồng phong, những đợt sóng ngầm sôi sục, những cơn mưa trộn lẫn biển với trời cùng những pha truy đuổi, những trận đấu trí đấu súng trên biển như những cuộc phiêu lưu thời cổ hoặc những cảnh trí trong một cuốn phim hành động… mà ông muốn viết về những con người trong chiến tranh với những số phận, cảnh đời đôi khi hết sức trớ trêu và những cảnh huống, những thử thách tưởng chừng như không thể vượt qua được. Ấy là đời bộ đội, đời chiến đấu của Vĩnh - một người con của miền Nam đã cắn răng giã từ mối tình đầu để lên tàu không số, đi về cả thảy 8 lần và lần cuối cùng có mặt trong trận chiến Vũng Rô “như một chiến công đau thương của hải quân non trẻ… được ghi nhận như một trong những sự hiện diện, sự đóng góp, hy sinh âm thầm của những người con trung thành của Tổ quốc trên biển cả mênh mông và thảm khốc” (tr.17).

Ấy là cuộc đời, cuộc tình và những chuyến vượt biển cùng đồng đội đầy trắc trở hy sinh song cũng đầy mưu trí, đầy tinh thần quả cảm của Vũ - một trung úy hải quân, để cuối cùng đến với “khúc ngoặt” của cuộc đời… Rồi ấy còn là đời chiến đấu, đời thường của nhiều cán bộ, chiến sĩ hải quân khác trên các con tàu không số cùng tấm lòng yêu thương đùm bọc của những người dân hậu phương lớn miền Bắc, những người dân vùng bị tạm chiếm miền Nam, trong đó có cả những người dân Sài Gòn - sào huyệt của Mỹ - ngụy, cũng như vùng căn cứ, vùng giải phóng suốt dọc chiều dài của bờ biển hình chữ S thân yêu.

Hồ Phương là nhà văn quân đội, là “nhà văn của những dòng ngợi ca” như người ta vẫn thường nói, nhưng khi viết Biển gọi, ông không chỉ ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, không chỉ phác thảo gương mặt của những người anh hùng, miêu tả những hành động anh hùng mà ông còn có những trang viết bi tráng nói về sự hy sinh mất mát lớn lao của người lính như những trang viết về sự kiện Vũng Rô, những trang viết về việc tàu gặp nạn trên biển (tr.268-270) và cả những dòng viết về một khu tập thể quân nhân với nếp sống bao cấp nhiều phản cảm (thói đành hanh, trưởng giả, buôn chuyện, đố kỵ…). Qua Biển gọi, Hồ Phương một mặt cho ta thấy hình ảnh những con người qua sóng gió mà trưởng thành và mặt khác còn cho thấy những kẻ qua gian nan, thử thách mà vấp ngã. Gặp sóng cả, những người như Thuyền trưởng Khôi, như Trung tá Lệnh… đã “ngã tay chèo”... Lệnh, như qua nhận xét của nhân vật chính của truyện, là “một con người gần như suốt đời chỉ ngồi trên bàn giấy để vẽ ra biết bao chuyện, cũng như để quanh năm hạch sách đủ trăm nghìn công việc không đâu vào đâu”. Còn Khôi, bằng sự may mắn (và có cả sự thông minh) mà tiến rất nhanh, nhưng trước mắt bạn đọc, con người có rất nhiều những góc tối. Các trang 131-133 viết về cuộc đối thoại giữa Khôi và Vũ là những trang viết rất hay, đầy kịch tính và làm rõ được những mảng “tối”, “sáng” của cá tính nhân vật. Ở đây, tác giả viết về một cuộc chạm trán, cũng là viết về một cuộc xung đột giữa hai loại người. Sau cuộc đối chất đó, Vũ được bí thư chi bộ trực tiếp giao chỉ huy con tàu, thay Khôi. Khôi như một cái xác không hồn, chán nản và tiêu cực, còn Trung tá Lệnh trong khi phê phán Vũ là phiêu lưu, thoát được nạn là do may rủi, hành động giơ súng ra là phát xít... người đọc lại thêm một lần nhận ra bộ mặt thật. Tóm lại, trong cuộc chiến đấu, trên hành trình đầy gian nan mất mát hy sinh của những con tàu không số năm xưa, đan xen, đồng hành cùng sự mất còn của đất nước cũng có những tính toán được mất của mỗi cá nhân. Viết những dòng này, tác giả Biển gọi - nhà văn Hồ Phương muốn gửi tới bạn đọc một thông điệp rằng, cuộc chiến đấu trong mỗi con người trong chiến tranh cũng ác liệt không kém gì cuộc chiến với bão tố và quân thù nơi biển cả, ngoài mặt trận!

Biển gọi-cuốn tiểu thuyết đầu tiên, bài ca về “những con tàu không số” được viết cách nay đã mấy thập kỷ, đã được in đi in lại mấy lần, được đưa cả lên phim, được nhiều giải thưởng văn học cao quý, đã trở nên quen thuộc đối với nhiều thế hệ cán bộ, chiến sĩ và bạn đọc, nhưng đọc lại vẫn thấy đậm chất thời sự, vẫn thấy nhiều điều đáng phải tiếp tục suy nghĩ.

 Ngô Vĩnh Bình