Những ngày tháng Ba, dù thời tiết nóng nắng gay gắt nhưng nhiều đoàn khách vẫn háo hức tham quan, trải nghiệm khám phá Địa đạo Củ Chi. Du khách lách người xuống đường hầm sâu trong lòng đất tối đen như mực, nhô mình lên ở những lỗ hổng được ngụy trang bằng lá cây, ụ mối.
Thương binh Phạm Minh Thắng, sinh năm 1943, ngụ tại xã Phước Thạnh, huyện Củ Chi, giới thiệu với các du khách và cựu chiến binh trong đoàn Hội Cựu chiến binh Việt Nam đến tham quan địa đạo: Những ụ mối tự nhiên như thế này chính là các lỗ thông hơi, cung cấp oxy giúp chúng tôi có thể sinh hoạt, chiến đấu dưới hầm, địa đạo. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều lính Mỹ từng hoạt động ở đây khi trở lại đã rất bất ngờ trước những sáng tạo độc đáo mà lúc bấy giờ họ không thể ngờ tới. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, chân tôi bị trúng đạn khi đang phục kích địch tại một con kênh trên địa bàn xã. Tôi được đồng đội, bà con đưa về địa đạo chăm sóc, cứu chữa, sau đó tiếp tục chiến đấu cho đến ngày toàn thắng.
    |
 |
Đoàn Hội Cựu chiến binh Việt Nam tham quan, trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi. Ảnh: DUY NGUYỄN
|
Địa đạo Củ Chi hình thành từ thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (giai đoạn 1946-1948). Lúc đầu, địa đạo được xây dựng những đoạn ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng làm nơi ẩn nấp, cất giữ vũ khí, quân trang phục vụ chiến đấu và là nơi trú ém cán bộ ở vùng địch hậu. Mỗi ấp trong xã có một số căn hầm riêng, sau đó, do yêu cầu ngày càng cao của cuộc chiến đấu, quân, dân các xã đã xây dựng những tuyến hào ngầm kết nối với nhau để thuận tiện cho việc cơ động, liên lạc, trao đổi, họp bàn và phối hợp chiến đấu. Địa đạo Củ Chi thể hiện sự độc đáo, mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của quân và dân Củ Chi trong kháng chiến, là biểu tượng bất diệt của chiến tranh nhân dân.
Ngày ấy, xây dựng địa đạo vững chắc được coi là yếu tố có ý nghĩa sống còn, nhằm bảo vệ, duy trì sức chiến đấu của quân và dân vùng “đất thép”. Kẻ thù có vũ khí mạnh, nhưng những con người vùng “đất thép” có tinh thần chiến đấu “một tấc không đi, một ly không rời”, sẵn sàng hy sinh tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Vì vậy, Địa đạo Củ Chi cứ thế được đào, xây dựng dài ra mãi theo “thế trận lòng dân”, theo năm tháng kháng chiến và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, bảo đảm nhiệm vụ chiến đấu trước những thủ đoạn tác chiến mới của địch.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, địa đạo không ngừng được gia cố và mở rộng. Đặc biệt, từ khoảng năm 1966, địch sử dụng vũ khí, trang bị hiện đại với nhiều hình thức, thủ đoạn trong các chiến lược chiến tranh mới nhằm đánh sập tinh thần, ý chí chiến đấu của quân và dân Củ Chi. Thế nhưng, địch càng tàn khốc, thâm độc thì càng làm cho lòng căm thù giặc, ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân vùng “đất thép” bùng lên mạnh mẽ, từ đó sáng tạo ra nhiều cách đánh độc đáo, táo bạo trong xây dựng địa đạo ngày càng liên hoàn, vững chắc.
Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, với sức mạnh, ý chí quật cường, quân và dân vùng “đất thép” đã xây dựng một hệ thống đường hầm dọc ngang, nhiều tầng, dài hơn 200km xuyên trong lòng đất. Phía trên các hầm, địa đạo, quân và dân xây dựng nhiều hố đinh, hầm chông, bãi mìn... bố trí hiểm hóc, bất ngờ, cùng hơn 500km chiến hào gắn với công sự chiến đấu. Nhiều đường hầm có khả năng chống được các loại đạn pháo, các trận càn của xe tăng, xe bọc thép. Những đoạn hầm nằm sâu trong lòng đất còn chống được nhiều loại bom lớn. Ngoài ra, địa đạo còn có những nút chặn, những điểm cần thiết để ngăn địch càn quét và phòng, chống chất độc hóa học. Các cửa hầm, đường hầm đều được cấu trúc thành ổ chiến đấu, ụ súng bắn tỉa linh hoạt gắn liền với bãi vật cản nổ và không nổ...
    |
 |
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh Việt Nam tặng quà tri ân các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Củ Chi. Ảnh: DUY NGUYỄN |
Với sức mạnh quân sự vượt trội, nhằm xóa vùng căn cứ cách mạng này, địch đã liên tục tấn công đánh phá bằng nhiều thủ đoạn như bơm nước vào lòng địa đạo, dùng đội quân “chuột cống” đánh phá, dùng chó béc-giê săn lùng và dùng xe cơ giới ủi phá... cùng hàng nghìn cuộc hành quân càn quét, trút khoảng 500.000 tấn bom, đạn xuống vùng căn cứ cách mạng... Dựa vào hệ thống địa đạo, với tinh thần “một tấc không đi, một ly không rời”, quân và dân vùng “đất thép” ban ngày náu mình dưới những khu hầm bí mật sản xuất, sinh hoạt, đêm đến mới lên mặt đất đi hoạt động, chiến đấu.
Bà mẹ Việt Nam anh hùng Kiều Thị Nông, sinh năm 1936, ngụ tại xã Trung Lập Thượng (huyện Củ Chi), nhớ lại: “Lúc bấy giờ, địa đạo không chỉ là nơi trú ẩn mà còn là một không gian sống, là bệnh viện, kho lương thực, xưởng sản xuất vũ khí và cả lớp học nữa. Lúc đó, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, gian khổ, hy sinh nhưng chúng tôi vẫn động viên con cháu, động viên nhau tin vào ngày mai nhất định thắng lợi, nhất định giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Nằm cách trung tâm Sài Gòn gần 70km và sát nhiều trại lính, đồn, bốt lớn nhất của địch, thế nhưng trong suốt những năm chiến tranh, địa đạo vẫn tồn tại hiên ngang, bất khuất. Từ địa đạo, hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ như từ dưới đất chui lên đã bất ngờ trực tiếp tiến công thọc sâu vào đầu não, sào huyệt của địch tại Sài Gòn, làm cho địch hoảng sợ.
Trung tướng Khuất Việt Dũng, Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam cho biết: “Tôi đã đến đây nhiều lần và càng trải nghiệm chui hầm, tham quan những hình ảnh, tư liệu, hiện vật, càng thêm khâm phục tinh thần bất khuất, mưu trí và lòng yêu nước của quân, dân vùng “đất thép”, với quyết tâm sẵn sàng hy sinh tất cả để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là biểu tượng cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và là một trong những điển hình độc đáo trong nghệ thuật chiến tranh nhân dân của dân tộc Việt Nam trong kháng chiến. Mỗi người dân là một chiến sĩ. Những con đường hầm, địa đạo đã góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đem lại độc lập, hòa bình, hạnh phúc cho mỗi người dân hôm nay”.
Đại tá Phạm Như Quân, Phó chính ủy Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh cho biết: “Thời gian qua, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh luôn quan tâm chỉ đạo Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi, không ngừng tôn tạo, xây dựng khu di tích trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; đồng thời thực hiện công tác chính sách, tri ân người có công với cách mạng thông qua nhiều phong trào, mô hình hiệu quả. Trên cơ sở nghiên cứu, dự báo, đánh giá đúng tình hình, Bộ tư lệnh TP Hồ Chí Minh đã chủ động tham mưu với Thành ủy, UBND thành phố nhiều chương trình, đề án, kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, xây dựng LLVT thành phố, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, “thế trận lòng dân” ngày càng vững chắc”.
NGUYỄN DUY HIỂN