Nghiên cứu dùng máy bay địch để đánh địch

Đi qua những tuyến phố ồn ào, náo nhiệt, chúng tôi đến thăm gia đình Đại tá, Anh hùng phi công Từ Đễ. Ngôi nhà nằm cuối con hẻm tĩnh lặng ở phường 2, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh. Ấn tượng ngay với chúng tôi khi bước vào ngôi nhà nhỏ ấm áp là hai bức ảnh quý treo trang trọng trên tường: Ảnh của ông trong Phi đội Quyết Thắng và ảnh hai cha con ông chụp chung khi Chiến dịch Hồ Chí Minh vừa toàn thắng. Dù gần 50 năm đã trôi qua nhưng khi giới thiệu về hai bức ảnh trên, bao ký ức một thời chiến đấu hào hùng trong ông cứ thế ùa về...

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngày 21-4-1975, Thượng úy Từ Đễ, Phi đội phó Phi đội 4, Trung đoàn 923, Sư đoàn Không quân 371, Quân chủng Phòng không-Không quân được cấp trên cử vào Đà Nẵng, có nhiệm vụ cùng các lực lượng nghiên cứu, sử dụng máy bay thu được của địch để đánh địch. Ngay sau khi hạ cánh xuống sân bay Đà Nẵng bằng máy bay vận tải, ông đã cùng các lực lượng kỹ thuật của Quân chủng bước vào nghiên cứu để bay và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trên máy bay ném bom mặt đất hạng nhẹ A-37 do hãng máy bay Cessna (Mỹ) sản xuất mà ta thu được của địch.

leftcenterrightdel
Phi đội Quyết thắng hạ cánh an toàn, hoàn thành nhiệm vụ (phi công Từ Đễ, thứ ba từ trái sang). Ảnh tư liệu 

Đại tá Từ Đễ kể lại: “Quá trình nghiên cứu, tìm hiểu về máy bay A-37, tôi gặp được hai hạ sĩ quan kỹ thuật của không quân ngụy Sài Gòn. Nghe họ trao đổi chuyên môn, tôi biết họ có tính chuyên nghiệp cao và có kinh nghiệm. Vậy là tôi đề nghị họ chỉ dẫn cách khai thác, tìm kiếm vật tư thay thế, bảo dưỡng. Kết hợp với việc đọc tài liệu, chúng tôi khẳng định sẽ bay được loại máy bay này.

Để nhanh chóng làm chủ máy bay A-37, chúng tôi đề xuất với trên và được đồng ý cho phép tìm kiếm phi công lái loại máy bay này trong khu trại giam tù, hàng binh của địch tại Quân khu 5. Chúng tôi đã lựa chọn được hai trung úy phi công của ngụy. Nhận được sự đồng ý hợp tác, chúng tôi bố trí chỗ ở chu đáo và thực hiện “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với họ. Ban đầu, chúng tôi nói những chuyện về không chiến giữa phi công cách mạng với phi công Mỹ, để thấy rằng phi công cách mạng là người có trình độ chuyên nghiệp cao. Bên cạnh đó, chúng tôi còn kể những câu chuyện tiếu lâm, tạo không khí cởi mở, gần gũi, vận động họ về với cách mạng”.

Sau gần hai ngày nghiên cứu gấp rút, ngày 24-4-1975, chỉ huy tiền phương Bộ tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân tại mặt trận quyết định giao phi công Từ Đễ bay thử máy bay A-37 vì ông có kinh nghiệm, từng bay và hạ cánh bằng bụng với máy bay MiG-17 trong tình huống càng máy bay hư hỏng khi còn là học viên bay tại Liên Xô...

leftcenterrightdel

 Phi công Từ Đễ (bên trái) và thân phụ Từ Giấy vui mừng gặp nhau tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) ngày 4-5-1975. Ảnh chụp lại

Bay cùng chuyến bay thử của phi công Từ Đễ có một trong hai trung úy phi công ngụy. Sau khi lái máy bay hạ cánh lăn về sân đỗ, Từ Đễ tự tin giơ cao ngón tay cái lên, thông tin với mọi người là bay tốt.

Đến ngày 27-4, từ sân bay Đà Nẵng, Từ Đễ cùng đồng đội bay vào sân bay Phù Cát (Bình Định) để tìm kiếm thêm máy bay A-37, rồi bay thẳng vào sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận), khẩn trương làm công tác tổ chức chuẩn bị chiến đấu đánh mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất. Thực hiện nhiệm vụ này, ta lập Phi đội Quyết Thắng, sử dụng 5 máy bay A-37, gồm: 1 máy bay chọn tại sân bay Đà Nẵng và 4 máy bay tốt nhất được chọn tại sân bay Phù Cát. Đội hình chiến đấu của Phi đội Quyết Thắng có 6 phi công, gồm: Nguyễn Thành Trung bay số 1; Từ Đễ bay số 2; Nguyễn Văn Lục, Phi đội trưởng bay số 3; Hoàng Mai Vượng và một phi công ngụy bay số 4 trên một máy bay; Hán Văn Quảng bay số 5.

Đại tá Từ Đễ nhớ lại: “Lúc đó, đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân trực tiếp giao cho Phi đội thực hiện nhiệm vụ đánh mục tiêu sân bay Tân Sơn Nhất. Tư lệnh yêu cầu Phi đội chỉ được đánh vào mục tiêu là bãi đỗ máy bay quân sự, không ném bom vào ga hàng không dân dụng, đường băng sân bay Tân Sơn Nhất (để dành đường rút, di tản cho địch, thể hiện sự nhân văn của cách mạng), Trại Davis (nơi có lực lượng ta đang ở đây) và không được để bom rơi vào nhà dân”.

Khoảng 16 giờ ngày 28-4-1975, Phi đội Quyết Thắng được lệnh xuất kích. Khi bay qua khu vực Bình Thuận, nhiều loạt pháo cao xạ từ mặt đất bắn lên (lực lượng của ta tại Bình Thuận tưởng máy bay địch nên đã tập trung hỏa lực bắn) nhưng rất may, máy bay không bị trúng đạn. Tập trung tư tưởng cao độ, bay tới Sài Gòn, mây quang, quan sát rõ mục tiêu. Nguyễn Thành Trung thông thạo địa hình, bay đầu dẫn đường, ra tín hiệu chỉ điểm mục tiêu. Theo ý định chiến đấu, các số bổ nhào, cắt bom, công kích chính xác mục tiêu. Những tiếng nổ làm rung chuyển Sài Gòn, các cột khói đen bốc cao cuồn cuộn. Khi bay về đến vị trí xuất phát, đèn báo sắp hết nhiên liệu, Từ Đễ ra tín hiệu cho Phi đội nhường  mình hạ cánh trước. Khi hạ cánh, đưa máy bay vào đường lăn thì nhiên liệu cũng vừa hết.

Trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất của Phi đội Quyết Thắng đã làm cho địch kinh hoàng và bất ngờ. Pháo cao xạ và không quân của địch không kịp phản ứng. Trận đánh chiến thuật đã tạo ra yếu tố chiến lược, làm địch hoang mang, hoảng loạn cực độ, đẩy nhanh quá trình tan rã, sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn, góp phần vào thắng lợi hoàn toàn của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Cuộc trùng phùng cảm động

Khoảng 19 giờ ngày 28-4-1975, tại Bộ tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh ở mặt trận, lãnh đạo Tổng cục Hậu cần cho chiến sĩ liên lạc gọi điện cho đồng chí Từ Giấy, Phó cục trưởng Cục Quân nhu đến gặp gấp. Ông đến nơi thì được cho biết: Phi công Từ Đễ-con trai ông-trong Phi đội Quyết Thắng vừa dùng máy bay A-37 của địch ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất. “Vài ngày sau, tôi biết tin cha tôi cũng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh nhưng phải đợi đến khi chiến dịch toàn thắng, tôi mới gặp được cha tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) vào ngày 4-5-1975. Giữa muôn vàn cờ đỏ sao vàng tung bay, hai cha con ôm chầm lấy nhau vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, niềm tự hào, hạnh phúc trào dâng. Hai cha con động viên, hỏi thăm sức khỏe, tình hình, nhiệm vụ chiến đấu của nhau. Cha tôi luôn cương nghị, nhưng lúc ấy tôi thấy mắt ông ánh lên niềm vinh dự, tự hào vì hai cha con cùng góp sức vào Chiến dịch Hồ Chí Minh. Những hình ảnh, kỷ niệm sâu sắc, xúc cảm trào dâng ngày ấy vẫn in đậm mãi trong tâm trí tôi”, Đại tá Từ Đễ xúc động nói.

leftcenterrightdel

 Đại tá Từ Đễ cùng vợ xem lại những bức ảnh, kỷ vật chiến đấu. Ảnh: DUY NGUYỄN

Đại tá Từ Đễ quê ở Thường Tín, Hà Tây (nay là TP Hà Nội), ông tình nguyện nhập ngũ năm 1965. Với thành tích xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, năm 2015, ông vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đất nước thống nhất, ông tiếp tục tham gia, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Campuchia và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Rời quân ngũ năm 2006, trở về cuộc sống đời thường, ông luôn sống khiêm nhường, gần gũi với mọi người và dành thời gian vẽ tranh. Đây là niềm đam mê trước ngày nhập ngũ mà ông chưa có điều kiện thực hiện. Ông còn tích cực nghiên cứu, sưu tầm, viết sách về tinh thần mưu trí, dũng cảm, sáng tạo của các phi công trong kháng chiến, bảo vệ Tổ quốc, làm tài liệu truyền thụ kinh nghiệm huấn luyện, chiến đấu cho thế hệ phi công trẻ. 

NGUYỄN DUY HIỂN