Nhà báo Kim Toàn đã kể lại với chúng tôi về cuộc đời chiến đấu kiên trung của người con gái miền Nam. Sinh năm 1931, trong một gia đình yêu nước, chuộng nghĩa khí trên đất mũi Cà Mau, Trương Thị Mai (thường gọi là Sáu Mai) sớm hướng về cách mạng, trở thành nữ cán bộ kháng chiến gan góc thời kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ.
Năm 1960, tin ở sự mưu trí, dũng cảm và lòng trung thành tuyệt đối của bà với cách mạng, tổ chức đã giao cho Sáu Mai đưa 52 em thiếu nhi là con của liệt sĩ các tỉnh Nam Bộ qua đường Campuchia ra Hà Nội để đào tạo cán bộ chiến lược phục vụ cho kháng chiến lâu dài và xây dựng đất nước trong tương lai.
    |
 |
Di ảnh nhà báo Trương Thị Mai. Ảnh tư liệu |
Bà Trương Thị Mai cũng được gửi sang Liên Xô học tập và là một trong những nhà báo được đào tạo sớm nhất ở nước ngoài.
Về nước, bà được bố trí làm việc tại Việt Nam Thông tấn xã ở Thủ đô Hà Nội. Nhưng nỗi nhớ quê nhà cháy bỏng cùng ý chí đấu tranh thống nhất đất nước đã thúc giục bà xung phong trở lại chiến trường.
Thể theo nguyện vọng tha thiết của Sáu Mai, tổ chức đồng ý gửi bà vào một lớp học đặc biệt tại Trường Tuyên giáo Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Ở lớp học bí mật đó, bà vừa được bổ túc nghiệp vụ báo chí vừa huấn luyện quân sự, tập đi bộ hằng ngày để vượt Trường Sơn, sinh hoạt như bộ đội. Đó là năm 1965, lúc này Sáu Mai đã 34 tuổi. Trong lớp, bà là người cao tuổi nhất, nhưng cũng là người chăm chỉ học tập, đạt điểm cao nhất, đặc biệt là môn bắn súng. Sáu Mai học với tất cả lòng quyết tâm và căm thù đối với những tội ác mà Mỹ-ngụy gây ra cho người thân và quê hương Nam Bộ.
Ngày 16-3-1966, với trang bị như người lính: 1 bộ quân phục xanh rêu, 1 bộ bà ba đen, tăng võng, súng đạn... bà hành quân vào “Ông Cụ”, tức Nam Bộ, hay còn gọi là “B dài”, trong đoàn nhà báo mang mật danh K94. Đoàn K94 gồm 23 người, chỉ duy nhất Trương Thị Mai là nữ.
Trên con đường vượt Trường Sơn “đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”, qua những vách núi dựng đứng, đầu người đi sau chạm gót người đi trước, những con suối nước chảy xiết, những lối mòn đầy muỗi, vắt chưa có dấu chân người, rập rình thám báo, bom mìn, có lúc nửa đêm mới được chợp mắt, 2 giờ sáng đã có lệnh hành quân... đối với người phụ nữ đã qua tuổi xuân xanh như Trương Thị Mai, gian khổ càng như tăng gấp đôi. Nhiều anh em trẻ như Kim Toàn, Đặng Văn Nhưng (sau này là Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân)... muốn mang đỡ người chị đồ đạc nhưng bà đều từ chối: “Nếu việc của mình không lo được thì không thể lo được việc khác. Tui ráng được”... Trên đường hành quân, dẫu có lúc đau yếu, bà vẫn luôn cố gắng bám sát đoàn, không để tụt lại phía sau, nêu một tấm gương ý chí cho toàn đoàn.
Đầu tháng 7-1966, Sáu Mai đến căn cứ Trung ương Cục và được phân công về Thông tấn xã Giải phóng Khu 8. Không chỉ viết báo, đào tạo người viết báo ở bưng biền, bà còn nhận nhiều công tác đặc biệt khác do khu ủy phân công, có lúc hoạt động công khai.
Cuối năm 1972, trên đường đến căn cứ của Tỉnh ủy Mỹ Tho ở Long Tiên để dự cuộc họp quan trọng của khu ủy, do bị chỉ điểm, bà bị bắt ngay tại sân bay Tân Thành, Bến Tre.
Biết rõ Sáu Mai là một cán bộ quan trọng, từng ở miền Bắc, biết nhiều thông tin của tổ chức, của cách mạng, địch khám xét và tra tấn ngay tại chỗ để moi tin, nhưng bà không hé răng nửa lời. Tức tối, chúng giải bà tới Ty Cảnh sát Định Tường và giở đủ ngón đòn man rợ nhất khiến bà ngất lịm, mê man. Cảnh sát bó tay, chúng lại dẫn bà lên sở chỉ huy của Quân đoàn 4 và Vùng 4 chiến thuật, áp dụng những đòn tra tấn dã man nhất theo kiểu Mỹ, nhưng cũng chẳng ăn thua. Cay cú vì không khuất phục được bà, chúng hèn hạ thủ tiêu và sai người chôn nhẹm vào nơi không ai biết.
Sau giải phóng nhiều năm, mãi đến năm 1996, nhờ nguồn tin từ một số người từng làm trong hàng ngũ ngụy quân thời đó, gia đình mới tìm được nơi chôn cất bà dưới sàn một ngôi nhà của người dân đã xây kiên cố. Qua xương trái đầu gối bị vỡ và chiếc răng hàm bịt bạc, thân nhân xác minh đúng là hài cốt nữ nhà báo Trương Thị Mai. Lúc đó, hài cốt của bà mới được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ cùng anh em, đồng đội.
Tấm gương bất khuất, kiên trung của nữ nhà báo Trương Thị Mai sống mãi trong lòng đồng bào, đồng chí Nam Bộ, trong lòng những người làm báo cách mạng Việt Nam.
NGUYỄN HOÀNG NHẬT