Tháng 10-2004, Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh, Báo QĐND gặp mặt các thế hệ cán bộ, phóng viên nhân 54 năm Ngày Báo QĐND ra số đầu tiên-Ngày truyền thống Báo QĐND. Cũng dịp này, chỉ huy phòng đề nghị các nhà báo-cựu chiến binh viết về những kỷ niệm, kinh nghiệm trong tác nghiệp, chiến đấu ở chiến trường, trên khắp các mặt trận để phục vụ cho việc biên tập, xuất bản cuốn sách “Ký ức phóng viên chiến tranh” và tọa đàm vận dụng kinh nghiệm viết về huấn luyện chiến đấu trong thời bình...

Tôi khi ấy là phóng viên trẻ được chỉ huy phòng phân công tham gia nhận bài của các nhà báo-cựu chiến binh, đưa bản thảo đi đánh máy. Có bác, có chú còn gọi tôi đến nhà riêng lấy bài và kể chuyện để tôi ghi chép lại làm tư liệu. Hồi ấy, các cán bộ, phóng viên từng công tác tại Phòng Quân sự (nay là Phòng biên tập Quốc phòng-An ninh) còn khỏe mạnh, minh mẫn như: Nguyễn Ngọc Tú, Trần Tiệu, Hồ Sĩ Bằng (Công Bằng), Trần Ngọc, Lục Văn Thao, Nguyễn Tư Đương, Phạm Thành, Đỗ Chí, Ngô Văn Uyển, Phan Huỳnh, Nguyễn Trần Thiết, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Thắng, Đỗ Thân, Trần Can, Trần Đại Đồng, Đoàn Ngọc Cận, Nguyễn Đức Toại, Vương Sĩ Đình, Nguyễn Thanh, Trịnh Phú Viên, Hồng Phương; các cán bộ, phóng viên chuyển ngành, đương chức như: Lê Xuân Thảo, Hà Phạm Phú, Nguyễn Ngọc Niên, Lê Như Tiến; các đồng chí ở ban đại diện phía Nam như: Phạm Đình Trọng, Đào Văn Sử... thường về phòng trò chuyện.

Phòng Quân sự có nhiều cán bộ, phóng viên hy sinh ở chiến trường như: Trưởng phòng Tô Ân, Lê Đình Dư, Trần Đức Tuấn, Ngô Tất Thắng. Trong mùa xuân đại thắng năm 1975, các cán bộ, phóng viên của Phòng Quân sự đã tỏa đi các chiến trường như: Trần Ngọc, Hồ Sĩ Bằng, Phạm Phú Bằng, Nguyễn Đức Toại, Nguyễn Trần Thiết, Nguyễn Thanh, Nguyễn Hoàng Huân, Nguyễn Mạnh Hùng, Thiều Quang Biên; nhiều người còn có mặt tại Sài Gòn ngay trong ngày 30-4-1975...

Nhà báo Trần Ngọc (1930-2020) là một trong những phóng viên chiến trường kỳ cựu, ông từng đi tới các chiến trường nóng bỏng ở Quảng Trị, Đường 9-Nam Lào, trên tuyến đường Trường Sơn, các trận địa phòng không ở miền Bắc, đặc biệt là Hà Nội, Hải Phòng trong 12 ngày đêm đánh máy bay B-52 của Mỹ tháng 12-1972... Khi nghỉ hưu, ông sang làm Tổng biên tập Báo Cựu chiến binh Việt Nam và thường xuyên cộng tác với Báo QĐND, trong đó có lĩnh vực khoa học, nghệ thuật quân sự mà tôi phụ trách.

Ông kể với tôi về chuyến đi công tác lịch sử trong mùa xuân năm 1975 cùng với Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước: “Ngày 16-2-1975, đoàn cán bộ, phóng viên Báo QĐND do Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước dẫn đầu khởi hành từ trụ sở tòa soạn ở số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội. Tham gia đoàn có tôi, anh Khánh Vân và 3 đồng chí là lái xe, y sĩ, nhân viên bảo vệ. Tôi được đồng chí Tổng biên tập cử tham gia đoàn vì đích đến là Phước Long (nay là thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước), nơi quân và dân ta vừa giành thắng lợi lớn đầu năm 1975, tạo bước ngoặt phát triển mới về tác chiến quân sự, đi đến Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Trên đường đến Phước Long, đoàn phải vượt qua các cung trạm của Bộ tư lệnh Trường Sơn, mà tuyến đường Trường Sơn tôi đã đi sâu, ở lâu, quen thuộc rồi. Đúng như vậy, trên đường đi, tôi đã liên hệ với các binh trạm, đơn vị của Bộ tư lệnh Trường Sơn bảo đảm nơi ăn, nghỉ và xin... xăng xe. Qua cầu Hiền Lương, đoàn vào đến căn cứ Bộ tư lệnh Trường Sơn ở Cam Lộ (Quảng Trị), ngày 18-2-1975. Sáng 19-2, đồng chí Lê Xy, Chính ủy Bộ tư lệnh Trường Sơn (được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân năm 2017) tiếp đoàn. Ngoài việc thông tin tình hình, nhiệm vụ, đồng chí Chính ủy còn chỉ đạo các binh trạm, đơn vị giúp đỡ đoàn hành quân và tác nghiệp, nên quá trình hành quân sau đó cũng thuận lợi.

leftcenterrightdel

Các thế hệ cán bộ, phóng viên Phòng biên tập Quốc phòng - An ninh, Báo Quân đội nhân dân trong buổi gặp mặt truyền thống. Ảnh: QUỐC AN

Đoàn chúng tôi vượt qua Khe Sanh, đi qua Bản Đông trên đất bạn Lào rồi theo Đường Hồ Chí Minh, vượt các dòng sông Sê Pôn, Pô Cô, Sa Thầy, Sê Rê Pốc; các đèo Phu La Tuya, Ca Nốt, Ampun... Ngày 1-3-1975, đoàn chúng tôi có mặt tại Cục Chính trị, Bộ tư lệnh Miền ở Lộc Ninh (Bình Phước). Tại đây, chúng tôi đã gặp các phóng viên Báo QĐND đi theo Quân giải phóng từ trước như: Cao Tiến Lê, Tô Vân, Thiều Quang Biên, Anh Ngọc, Hà Đình Cẩn... Sau khi làm việc với Cục Chính trị Miền, chúng tôi chia ra các hướng để lấy tư liệu. Anh Khánh Vân ra khu vực núi Bà Đen (Tây Ninh), còn tôi đi cùng Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước đến vùng núi Bà Rá và các căn cứ của địch vừa được ta giải phóng trong Chiến dịch Đường 14-Phước Long.

Thực tế ở Phước Long hơn 10 ngày thì chúng tôi nhận được tin ta chiến thắng Buôn Ma Thuột, rồi giải phóng Tây Nguyên... Trước tình hình chiến sự và thế thắng như chẻ tre của quân dân ta, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước rất sốt ruột, ông quyết định đi ra Tây Nguyên. Vậy là chúng tôi lại hành quân bằng chiếc xe UAZ của tòa soạn rời căn cứ Bộ tư lệnh Miền, ra Trạm giao liên cơ giới T10, rồi theo Đường 14 đi ra Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum, sau đó từ Tây Nguyên xuống Quy Nhơn mới giải phóng. Đến nơi, chúng tôi gặp anh Nguyễn Thanh, phóng viên Phòng Quân sự đã có mặt tại đó. Trên đường, vì nhận được tin có một phóng viên Báo QĐND hy sinh ở Quy Nhơn nên khi thấy Nguyễn Thanh vẫn còn sống, chúng tôi rất vui mừng. Anh Thanh kể, trong cuộc chiến đấu giải phóng Quy Nhơn 3 ngày trước, anh cùng chung hầm với đồng chí Đạo của Trung đoàn 93 (bộ đội địa phương Bình Định), bên sườn đồi gần Cầu Đôi. Đồng chí Đạo đã dũng cảm chặn đoàn xe quân sự đang bỏ chạy, bị địch bắn và hy sinh. Anh Thanh gửi đoàn chúng tôi phim, ảnh và mấy bài viết từ khi anh vào Quân khu 5, đi theo các đơn vị Quân giải phóng Khu 5 vào Phước Sơn (Quảng Nam), qua Quảng Ngãi, đến Quy Nhơn (Bình Định).

Từ Quy Nhơn, chúng tôi hành quân ra Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị. Chúng tôi cũng được biết, ngày 1-4-1975, anh Hồ Sĩ Bằng, Trưởng phòng Quân sự cùng với anh Nguyễn Đức Toại, phóng viên của Phòng đã bay từ Hà Nội vào Đà Nẵng. Sau đó, anh Toại xin phép đi sâu xuống miền Nam, vào Quảng Nam, Bình Định... Thực tế chiến trường và bước chân thần tốc của các cánh quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975 đã được các phóng viên Báo QĐND phản ánh kịp thời qua những bài viết, bức ảnh, đặc biệt là thiên ký sự dài 13 kỳ “Đi từ núi Bà Đen đến Thành cổ Quảng Trị” của nhóm tác giả: Nguyễn Đình Ước, Trần Ngọc, Khánh Vân, Nguyễn Đức Toại, đăng trên Báo QĐND từ ngày 23-4-1975 đến 5-5-1975, tạo được tiếng vang lớn, khiến bạn đọc xếp hàng mua báo. Nhưng hơn cả là đã góp phần cổ vũ khí thế chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta”.

Mùa xuân năm 1975 thật đặc biệt đối với Báo QĐND, từ Tổng biên tập cũng đi ra chiến trường, không những thế còn đi lâu, đi sâu, khiến cho tinh thần, khí thế làm báo ở tòa soạn càng thêm sôi động.

Đại tá, nhà báo Hồ Sĩ Bằng (1929-2017) kể với tôi: “Cuộc giao ban tòa soạn sáng 31-3-1975 đã phổ biến tin tức quân dân ta giải phóng Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam và đang tiến tới giải phóng các tỉnh miền Trung Trung Bộ. Miền Đông Nam Bộ ta cũng thắng lớn. Sau khi giải phóng một số tỉnh Tây Nguyên, Quân đoàn 3 được thành lập. Chiến trường đang rất cần các phóng viên có mặt để phản ánh kịp thời tinh thần chiến đấu và chiến thắng của quân dân ta. Lúc này, phóng viên ở tòa soạn ngoài Hà Nội không còn nhiều. Ban biên tập yêu cầu tôi và anh Nguyễn Đức Toại phải đi ngay cùng với đoàn công tác của Bộ Quốc phòng vào Đà Nẵng mới giải phóng. Vậy là anh Toại phải gửi vợ con nhờ anh chị giúp. Còn tôi phải lo sắp xếp, mua đồ ăn dự trữ, dặn dò hai con nhỏ ở nhà tự quản nhau ăn uống và học hành vì vợ tôi (làm trong ngành bưu điện) đã được điều động vào công tác ở Huế, phụ trách thông tin liên lạc với Trung ương. Ngày 1-4-1975, chúng tôi bay từ sân bay Gia Lâm (Hà Nội), nghỉ ở Đồng Hới (Quảng Bình) rồi bay tiếp vào Phú Bài (Huế). Từ Phú Bài, chúng tôi hành quân bằng ô tô đến Đà Nẵng. Ở Đà Nẵng, tôi khẩn trương nắm tình hình từ Ủy ban Quân quản thành phố, đi thực tế các đơn vị, hỏi người dân địa phương...

Sáng 4-4-1975, tôi bay ra Hà Nội trên máy bay lên thẳng Mi-6. Ngồi trên máy bay, tôi tranh thủ viết và hoàn thiện bài báo “Đà Nẵng sáng” để kịp đăng trên số báo ra ngày hôm sau (5-4-1975). Khi bài báo đăng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào gọi tôi vào báo cáo tình hình ở Đà Nẵng. Hôm sau, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp cũng gọi tôi vào và yêu cầu tôi kể lại những gì đã quan sát được ở Đà Nẵng. Báo cáo xong, tôi được Đại tướng động viên và chúc có nhiều chuyến đi thực tế chiến trường để viết thêm những bài báo hay, sát thực tế, sinh động...”.

Cũng trong mùa xuân năm 1975, Báo QĐND còn cử các phóng viên, nhóm phóng viên đi thẳng đến chiến trường miền Nam như: Nhà báo Phạm Phú Bằng, Vũ Ba đi về các tỉnh Tây Nam Bộ; nhà báo Tư Đương theo Đoàn 125 đi từ Hải Phòng, theo dọc bờ biển đến vùng biển Tây Nam Phú Quốc, Kiên Giang; nhà báo Nguyễn Thắng và phóng viên ảnh Khắc Xuể đi ra quần đảo Trường Sa mới giải phóng... Những cán bộ, phóng viên Báo QĐND trong mùa xuân thần tốc ấy đã góp phần làm nên lịch sử, truyền thống của tờ báo hai lần anh hùng!   

HƯƠNG HỒNG THU