Theo lịch hẹn, chúng tôi có mặt tại nhà riêng của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Đức Soát, nguyên Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân, ở khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội. Trong phòng khách ấm cúng, cựu phi công Nguyễn Đức Soát, người từng bắn hạ 6 máy bay Mỹ, giới thiệu với chúng tôi cuốn “Nhật ký phi công tiêm kích” do Nhà xuất bản Trẻ ấn hành năm 2020.

leftcenterrightdel
 Trung tướng Nguyễn Đức Soát giới thiệu cuốn sổ nhật ký viết tay của mình.Ảnh: THÁI KIÊN

Cuốn nhật ký được ông ghi chép từ ngày 20-3-1966 khi sang Liên Xô học lái máy bay đến ngày 31-12-1972. Rồi ông đưa chúng tôi xem cuốn nhật ký nguyên gốc của mình. Màu mực trên những trang giấy đã mờ dần theo thời gian... Chúng tôi rất xúc động khi đọc đến những trang cuối cùng của cuốn nhật ký, khi ông viết về hai phi công cuối cùng hy sinh trong Chiến dịch chống cuộc tập kích đường không của đế quốc Mỹ (tháng 12-1972). Chúng tôi đã xin phép Trung tướng, Anh hùng Nguyễn Đức Soát đăng những dòng nhật ký này.

“Tối 28-12-1972

... Lúc 11 giờ trưa nay, Lê Văn Kiền và Hoàng Tam Hùng xuất kích lên đánh bọn không quân của hải quân Mỹ. Các anh vừa cất cánh được 3 phút đã gặp địch. 5 phút sau, Hùng báo bắn cháy một chiếc máy bay địch. Sau đó chỉ có Kiền hạ cánh. Các anh đánh ngay ở Thường Tín, phía Nam Hà Nội... 

Chưa có tin gì về Hùng. Lo rằng Hùng đã hy sinh. Hôm bố trí sắp xếp Kiền và Hùng bay đôi với nhau, mình đã đắn đo mãi. Kiền linh hoạt, tuy chưa bắn rơi máy bay Mỹ nhưng ai cũng tin ở khả năng phát triển của cậu ấy. Hùng bay chắc chắn, thông minh. Trong số 5 phi công chuyển loại MiG-17 lên, mình tin Hùng và Bồng hơn cả. Hùng là người đầu tiên trong tốp 5 phi công MiG-17 mới chuyển loại lên MiG-21 hạ máy bay Mỹ. Như thế thật hay...

leftcenterrightdel
 Bìa cuốn "Nhật ký phi công tiêm kích". 

Mỗi tổn thất về vũ khí, nhất là máu xương đồng chí lúc này, mình đều phải chịu trách nhiệm. Phải làm thế nào để tất cả mọi người cùng bắn rơi được máy bay Mỹ mà tổn thất ít nhất là vấn đề trọng tâm bắt mình suy nghĩ lúc này. Hãy lăn lưng vào rút kinh nghiệm. Hãy dẫn họ đi đánh mới được. Hùng ơi! Mình sẽ trả thù cho Hùng!

Ngày 29-12-1972

Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong, đoàn trưởng lại gọi điện sang gặp máy. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, đoàn trưởng thông báo: “Trên chính thức công nhận đêm qua Vũ Xuân Thiều hạ được 1 chiếc B-52. Radar C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy-mật danh XB-90 lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội”. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở độ cao 10km mà góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật radar). Thiều vào công kích. Một phút sau, chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù hay đã hy sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Sợ nó thoát ly sau khi bắn bị cắm xuống núi. Hiện nay, bọn Mỹ đi cứu giặc lái ở Sơn La. Đồng thời, anh Nhị còn báo: Hùng vừa hạ 2 máy bay. Người ta bắt thêm 2 thiếu tá Mỹ. Chúng khai bị MiG bắn rơi. Hùng đã hy sinh.

leftcenterrightdel
 Phi công Vũ Xuân Thiều. Ảnh tư liệu

Thiều là bạn thân của mình. Cậu ấy thông minh, sống chân tình và chuẩn mực. Trong chuyện riêng, nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về đại đội mình. Thiều là Trung đội trưởng. Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi. Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách...”.

leftcenterrightdel

Phi công Hoàng Tam Hùng. Ảnh tư liệu

Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, hai phi công Hoàng Tam Hùng và Vũ Xuân Thiều đã được Đảng, Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

THÁI YÊN BÌNH (biên soạn và giới thiệu)