Cuốn nhật ký nhỏ bé, đã phủ màu thời gian, nét mực cũng đã phần nào phôi phai, nhưng chứa đựng rất nhiều ký ức đẹp. Suốt một thời gian dài, từ năm 1972 đến 1975, bác Nguyễn Quang Lộc đã ghi lại cảm xúc, kỷ niệm và cả những dấu ấn khó quên trên chặng đường hành quân, chiến đấu của mình và đồng đội.

Theo dòng ký ức của người lính già, chúng tôi được biết: Đại đội 3, Tiểu đoàn Tên lửa tầm thấp 172 khi mới thành lập thuộc Đoàn 77 Bộ chỉ huy Miền, sau này mới thuộc Sư đoàn 367. Địa bàn đơn vị chiến đấu là Sài Gòn-Gia Định, An Lộc (thị xã Bình Long), Long Khốt (Kiết Tường cũ), Mỹ Tho, Hóc Môn, Lộc Ninh, Tây Ninh, Cà Mau, Châu Đốc, Hà Tiên. Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội 3 đã bắn rơi 76 máy bay Mỹ, trong đó có 71 chiếc rơi tại chỗ. Với những thành tích xuất sắc đó, ngày 15-1-1976, Đại đội 3 được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Quang Lộc.

Nguyễn Quang Lộc sinh năm 1953, nhập ngũ tháng 8-1971. Như bao thanh niên khác, Nguyễn Quang Lộc rời ghế nhà trường vào chiến trường với những hoài bão của một thời trai trẻ là muốn tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Trong những năm tháng chiến đấu trong đội hình của Đại đội 3, ông đã mưu trí, sáng tạo, bắn rơi 5 máy bay Mỹ-ngụy, trong đó có chiếc C-119 rơi tại Sài Gòn-Gia Định ngày 29-4-1975. Ngay từ trận đánh đầu tiên, Nguyễn Quang Lộc đã khảng khái trải lòng: “… Ngày mai chúng tôi sẽ ra trận, bước vào cuộc thử lửa đầu tiên. Có lẽ đêm nay tôi không sao ngủ được, thao thức, chờ đợi ngày giáp mặt với quân thù. Ngày mai, máu của tôi hoặc của đồng đội sẽ đổ xuống mảnh đất này. Rồi nhất định từ mảnh đất này, hoa hòa bình sẽ nở. Mẹ ơi, một thử thách mới lại đến với con rồi… Con đã vượt qua bao gian lao, được cấp bằng vượt Trường Sơn rồi đấy! Rồi ngày mai, trong khói bom, lửa đạn, có thể không có ngày gặp mẹ, nhưng con sẽ chẳng khi nào phụ lòng cha mẹ…”.

leftcenterrightdel

Trang nhật ký của cựu chiến binh Nguyễn Quang Lộc.

 

Nhật ký được ghi theo trình tự thời gian, tỉ mỉ, cẩn thận; từ trận chiến bảo vệ đồng bào vùng mới giải phóng đến những trận chiến đấu khốc liệt ở vùng giáp ranh bắc Sài Gòn. Ông viết về tấm lòng của bà mẹ miền Nam, về tình đồng đội, nghĩa đồng bào. Không chỉ làm thơ, ông còn chép những bài thơ hay, những câu châm ngôn, danh ngôn đầy ý nghĩa. Nhiều nhất, ấn tượng nhất là những dòng cảm xúc được viết cả trước và sau trận đánh. Nhật ký cũng dành dung lượng đáng kể ghi lại những dòng tâm sự của đồng chí, đồng đội gặp nhau chớp nhoáng trong những cuộc hành quân… Tất cả đều thể hiện được ý chí quyết tâm, rèn luyện vượt qua mọi khó khăn gian khổ, không sợ hy sinh của thanh niên lúc bấy giờ - một thế hệ lấy mục tiêu chiến đấu giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là lý tưởng sống của mình.

Tiếp nhận kỷ vật ý nghĩa này, Thiếu tá Nguyễn Thị Minh Hạnh xúc động: “Những dòng nhật ký đầy kỷ niệm của bác Nguyễn Quang Lộc, cùng với nhiều hiện vật chiến tranh đang được lưu giữ tại Bảo tàng PK-KQ thật sự là những tư liệu vô giá. Đó là quá khứ không phải của riêng cá nhân bác Lộc và đồng đội mà là quá khứ của cả thế hệ thanh niên lên đường ra trận, quá khứ của cả dân tộc Việt Nam trên suốt chặng đường đấu tranh giành độc lập, gìn giữ hòa bình. Đây cũng là  những tư liệu lịch sử quan trọng mà các thế hệ cha anh đã dành tặng thế hệ mai sau”.

Bài và ảnh: QUỲNH VÂN