Quê tôi ở vùng rừng núi huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mất sớm, nhà nghèo, đến 9 tuổi tôi mới được vào học lớp 1. Tôi thích học nhất là môn văn. Vì vậy, thầy giáo dạy văn đã phụ đạo và cho tôi mượn thêm một số sách đọc, thầy còn hướng dẫn tôi tập viết nhật ký.

Hết năm học 1966, tôi được đặc cách lên thẳng cấp 3. Nhưng cũng đúng lúc này, đế quốc Mỹ ồ ạt đổ quân vào miền Nam. Tôi viết đơn xung phong nhập ngũ để được cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Mới đầu, các nhà chức trách chưa đồng ý vì tôi là con trai độc nhất, chưa đủ tuổi đi bộ đội và lại có tên gọi nhập học cấp 3.

Tôi phải viết đơn đến lần thứ ba rồi ký vào bằng máu của mình, có cả chữ ký của mẹ tôi mới được nhập ngũ. Vào đơn vị huấn luyện dù rất căng thẳng, mệt nhọc nhưng tôi vẫn thích viết nhật ký. Thời ấy, giấy bút không sẵn có như bây giờ nên tôi phải tận dụng các loại giấy gói thực phẩm của nước ngoài viện trợ giống như giấy bao xi măng cắt xén đóng thành từng cuốn sổ nhỏ bỏ được vào trong túi áo, trong ba lô. Mỗi ngày dù thế nào tôi cũng tranh thủ viết vài dòng tâm sự vào nhật ký. Có lúc chỉ vài từ vì mệt mỏi hoặc vội vã ghi tóm tắt những diễn biến, công việc mình làm rồi phải cơ động theo đội hình đơn vị.

Tôi coi nhật ký như người bạn tri kỷ để tâm sự, cũng xem nhật ký như một công cụ để mình đấu tranh tự sửa sai, phát huy những mặt tốt đẹp nhằm tu dưỡng đạo đức, ý chí để không ngừng vươn lên. Bởi vậy, tôi ghi rất thật mọi diễn biến cảm xúc của mình thành thói quen: Những điều mắt thấy tai nghe trên đường hành quân cùng đồng đội; qua núi, qua sông, qua những cánh đồng, làng xã, nhân dân chào đón bộ đội như thế nào. Khi phải sang nước bạn chiến đấu, có những cây hoa champa nở trắng cành thơm phức hoặc sau những trận đánh tiêu thụ bao nhiêu đạn, giết được bao nhiêu quân thù. Đồng đội ai còn, ai mất. Tôi ghi cả những sinh hoạt riêng tư, tốt-xấu của mình. Vừa là để kỷ niệm nếu mình còn sống sau cuộc chiến.

Thời gian vượt sông Bến Hải sang bờ nam chiến đấu, các cấp chỉ huy nghiêm cấm mang giấy tờ, bút mực ghi chép vì sợ lộ bí mật, phòng cả khi phải hy sinh hoặc bị địch bắt. Nhưng tôi vẫn lấy được bút giấy của đối phương để ghi chép. Có lúc ghi rồi lại phải hủy bỏ vì cuộc chiến đấu quyết liệt, căng thẳng, phức tạp...

leftcenterrightdel
Tác giả Đặng Sỹ Ngọc và cuốn "Nhật ký thời chiến Việt Nam". Ảnh NGỌC ĐẶNG 

Chiến đấu một thời gian, đơn vị tôi phải ra bờ bắc sông Bến Hải để củng cố, bổ sung rồi lại vội vã quay vào chiến trường. Số nhật ký viết được, tôi gửi lại hậu phương trên quê hương Vĩnh Linh hoặc Lệ Thủy (Quảng Bình), nơi đơn vị đi qua. Nhưng ở hậu phương cũng bị đánh phá, nhân dân cũng mất mát, chết chóc. Các phương tiện và nhật ký của tôi một số không còn. Vậy nhưng tôi vẫn không nản chí với sở thích của mình là viết nhật ký. Tôi rất vui mỗi khi biết tin một cuốn gửi về được cho mẹ an toàn.

Kết thúc chiến tranh, tuy trên người đầy vết thương, mảnh đạn vẫn còn trong người nhưng may mắn là tôi được trở về quê hương. Những người thân, làng xóm kể cho tôi nghe rằng: "Mẹ tôi cứ mong ngóng đứa con trai duy nhất từng giờ, từng ngày. Mẹ đọc nhật ký, theo dõi từng nét chữ, chỗ nào dòng văn suôn sẻ, chữ đẹp là mẹ vui mừng khoe với làng xóm rằng con trai bà đang lớn. Nó đang được đồng đội giúp đỡ. Chỗ nào thấy nét chữ xiêu vẹo, rời rạc, thậm chí có vết máu thì mẹ lo lắng thở dài và khóc thầm". Đọc đi đọc lại xong mỗi cuốn, bà lại để nhật ký của tôi lên bàn thờ chồng như muốn gửi gắm linh hồn và nói trong khói hương “hãy giữ gìn cho con được bình an!”.

Sau ngày thống nhất đất nước gần 30 năm, tôi đọc lại nhật ký của mình mà mẹ tôi quý trọng cất giữ trên bàn thờ gia tiên. Tuy có bị mờ nhiều, mục nát bởi chất liệu giấy bút và thời gian nhưng vẫn đọc được. Tổng số còn 19 cuốn. Năm 2006, nhà báo Đặng Vương Hưng đến trao đổi, rồi cùng Nhà xuất bản Công an nhân dân biên tập, tài trợ in ấn, công bố cuốn nhật ký chiến tranh mang tên tôi với tựa đề “Trời xanh không biên giới” ở tủ sách “Mãi mãi tuổi hai mươi”. Năm 2020, cuốn nhật ký của tôi được Nhà xuất bản Hội Nhà văn tập hợp in trong 4 tập sách "Nhật ký thời chiến Việt Nam". Tôi rất phấn khởi vì mình được đóng góp vào cuốn sách nhằm giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ.

ĐẶNG SỸ NGỌC