QĐND-Năm 2011, Nxb Kim Đồng phát hành cuốn sách “Nguyễn Minh Châu từ dấu chân người lính đến lão Khúng ở quê”. Tựa đề của cuốn sách nói lên sự dịch chuyển trong ngòi bút của Nguyễn Minh Châu qua hai mảng đề tài lớn là người lính và nông dân, thể hiện trong những tiểu thuyết, truyện ngắn một thời vang bóng: “Cửa sông” (1966), “Mảnh trăng cuối rừng” (1970), “Dấu chân người lính” (1972), “Lửa từ những ngôi nhà” (1977), “Những người đi từ trong rừng ra” (1982), “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983)… và những sáng tác cuối đời như “Cỏ lau” (1989), “Phiên chợ Giát” (1989), “Khách ở quê ra” (1989). Các tác phẩm của Nguyễn Minh Châu đem đến cho người đọc một cảm nhận như nhà văn Nguyễn Đình Thi từng nhận xét: “Con người này nắm vững đến tuyệt vời chất liệu mình viết. Ông biết rõ cả đời sống người lính, cả đời sống của miền Trung”.
“Chất liệu” chân thật làm nên sức sống cho các trang truyện ngắn, thiên tiểu thuyết của Nguyễn Minh Châu là mảnh đất màu mỡ cần được khám phá. Chúng tôi tìm đến bà Nguyễn Thị Doanh – vợ của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu để được hiểu thêm về những chân trời mà tác giả của “Dấu chân người lính” đã đến, đã nhìn, đã cảm, đã viết. Căn hộ trong Khu tập thể Thương Mại, đường Võ Thị Sáu, Hà Nội mà bà Doanh và cô con gái đầu đang trú ngụ là nơi chồng bà chưa một lần ở, nhưng đâu đây như vẫn thấy sự níu kéo bền bỉ, âm thầm của người ở lại với người đã đi xa 23 năm trước đó là: Bức chân dung đen trắng Nguyễn Minh Châu với chiếc mũ bê rê đội lệch và “đôi mắt rất hóm” - đúng cái thần của ông, đặt trang trọng trong phòng khách hay cách bày biện căn phòng đơn giản như bà Doanh giải thích: “Ông nhà tôi không thích mua sắm nhiều đồ đạc. Ông bảo để cho thoáng, lấy không khí mà thở”.
Trao cho chúng tôi một cuốn sổ phô-tô cỡ lớn đã được đóng gáy kỹ càng, bà Doanh tâm sự: “Đây là nhật ký của ông nhà tôi. Suốt 30 năm vợ chồng sống với nhau, vì phải lo cái ăn cho cả gia đình, tôi không hiểu nhiều về công việc của chồng mình. Nhưng từ khi ông ấy mất, hơn 226 bài viết của 174 tác giả là bạn bè, đồng nghiệp viết về Nguyễn Minh Châu và những gì ông ấy ghi trong 23 cuốn nhật ký này mới làm tôi thật sự hiểu sâu sắc về chồng mình. Càng đọc, càng biết, tôi càng tôn trọng, càng dồn hết tình yêu thương cho ông ấy”. Câu nói của bà Doanh khiến người nghe phải động lòng: “Mỗi lần được ai biếu một bài viết nào về Nguyễn Minh Châu, tôi đều để lên bàn thờ cho ông ấy “xem”. Chúng tôi bắt đầu buổi trò chuyện bằng xúc cảm xôn xao trước tình yêu sâu sắc của một người vợ xứ Nghệ dành cho chồng mình.
Ba trong số 23 cuốn nhật ký (viết năm 1971, 1972, 1973) đã được bà Nguyễn Thị Doanh cùng Nxb Hà Nội tập hợp trong cuốn “Di cảo Nguyễn Minh Châu-Tập 1-2009). Còn rất nhiều “mảnh tâm hồn” của nhà văn quân đội này đang nằm trong những bức thư, những trang nhật ký còn lại và trong trí nhớ người vợ hiền của ông.
Nhắc đến Nguyễn Minh Châu không thể không nhắc tới tiểu thuyết “Dấu chân người lính”, lấy bối cảnh là quãng thời gian xảy ra Chiến dịch Đường 9-Nam Lào. Nhưng khi nói về sự thai nghén ban đầu của tác phẩm này, trong bức thư gửi người bạn tên là Phạm Đức Hữu, Nguyễn Minh Châu lại kể về một “chân trời khác”, năm 1968: “Một buổi sáng đứng trước mặt dốc đồi đầy sương, nhìn Sư đoàn 324 vừa được điều ra Bắc một tuần để nghi binh, lại bí mật hành quân trở vào chiến trường làm nhiệm vụ nổ súng trước 10 ngày để lôi chủ lực địch ra Đường 9 chuẩn bị cho trận đánh Xuân Mậu Thân, tôi đứng rơm rớm nước mắt nhìn họ hành quân. Lứa tuổi khác nhau nhưng gương mặt hốc hác, mắt hầu hết bị đỏ vì ngái ngủ, gồng gánh, mang vác. Tất cả gợi lên trong tôi một cảm giác là cả một dân tộc đang gánh vác… Đó là cảm xúc đầu tiên tạo sức mạnh cho tôi viết Dấu chân người lính”. Tác phẩm ra đời năm 1972 ấy không chỉ mang tới sức bật trong ngòi bút của Nguyễn Minh Châu từ sau tiểu thuyết “Cửa sông” (1966), truyện ngắn “Những vùng trời khác nhau” (1970) mà còn đem tới sức bật trong tinh thần, khát vọng được tranh đấu của lớp lớp thanh niên khi đó. Những trang tiểu thuyết lung linh tình anh em, tình đồng chí, tình yêu đôi lứa hay hùng tráng với những Khe Sanh, Tà Cơn, đồi Không Tên… được các chiến sĩ chuyền tay nhau, có khi thiếu sách, xé ra, mỗi người chỉ giữ lại một mảnh mà như đã giữ được một trang ước vọng đời lính cho mình.
Thật thú vị khi biết rằng những áng văn như “Dấu chân người lính” lại được vun đắp lên từ những trang nhật ký “ngổn ngang” các sự kiện, những mảnh đời, thỉnh thoảng còn xen kẽ hình vẽ máy bay minh họa hay hai dòng chữ nguệch ngoạc, dòng trên dòng dưới: “Chuyện một đời – tên một tác phẩm mới của tôi”. Dừng ở trang ghi chép về Quảng Trị, bà Doanh nhớ lại: “Quảng Trị như có một sức hút mãnh liệt với Nguyễn Minh Châu. Sau năm 1975, ông đã vác ba lô vào Nam nhưng vẫn thấy thiếu thiếu gì đó, lại trở lại Quảng Trị nhiều lần”. Những chuyến trở lại “miền đất chết, miền đất giao tranh trong một hoàn cảnh mới” ấy đã cho ra đời “Miền cháy” (1977), tiểu thuyết đánh dấu sự chuyển hướng trong nghiệp bút nghiên của Nguyễn Minh Châu. Đó là viết về chiến tranh cách mạng và người lính dưới góc độ hậu chiến.
Trong một cuộc tọa đàm tại tuần báo Văn nghệ, Nguyễn Minh Châu nói “đời sống của ngày hôm nay, nó bắt tôi phải quan tâm”. Và bà Doanh hiểu về chồng mình như sau: “Cũng vì ông ấy sống gần gũi với bộ đội quá, ông thấu hiểu họ”. Trong bức thư gửi vợ năm 1969, ông viết: “Tết Mậu Thân, các chiến sĩ không biết mai là Tết. Không có hoa đào, bọn anh cắt giấy, lấy máu tô lên làm màu đỏ hoa đào để các chiến sĩ vui Tết. Các chiến sĩ của mình dũng cảm, trẻ, có văn hóa”. Do đó Nguyễn Minh Châu rất quan tâm sự trở về xã hội của họ sau chiến tranh. Những con người “dũng cảm, trẻ, có văn hóa” ấy có thể bị cuốn theo những bụi bặm của dòng đời như vấn đề đạo đức của người lính được Nguyễn Minh Châu đề cập trong truyện ngắn “Bức tranh” (1975). Hay những anh hùng chốn đạn bom có thể trở nên “xa lạ với những lo toan đời thường, bất an trong thời bình” như ông thể hiện ở các tiểu thuyết “Lửa từ những ngôi nhà” (1977), “Những người đi từ trong rừng ra” (1982).
 |
Vợ chồng nhà văn Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Thị Doanh chụp năm 1961. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp.
|
Viết về chiến tranh cách mạng dưới góc độ hậu chiến, Nguyễn Minh Châu quan tâm sâu sắc số phận người phụ nữ trong và sau chiến tranh. Ông đã từng gặp những người phụ nữ mộc mạc, nhân hậu trong kháng chiến như bà Doanh kể: “Năm 1952, trong lần đi đánh đồn ở Thái Bình, Nguyễn Minh Châu bị thương ở chân, phải nhờ hai cô du kích khênh về trạm. Mỗi lần cô này trở vai thì cô kia liền mắng: “Mày trở nhẹ thôi, thương binh đau”. Đến một cái chợ, hai cô thích ăn bánh đúc quá nên đặt ông trên đê, úp lên mặt chiếc nón rách để tránh nắng. Một lát sau, bao nhiêu các bà, các chị đi qua bỏ kẹo lạc, bánh đúc, mía vào võng cho bộ đội bị thương. Ông rất cảm động vì điều đó”. Sau này, thân phận của người phụ nữ bị đeo bám bởi tấn bi kịch của chiến tranh như nhân vật Quỳ trong truyện ngắn “Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành” (1983), hay hình ảnh những người đàn bà ôm con chờ chồng mỏi mòn hóa đá trong truyện vừa “Cỏ lau” (1989) được Nguyễn Minh Châu khắc họa với lòng cảm thông chân thật như một sự tri ân tới những người mẹ, người chị, nữ du kích ông từng gặp trước đó.
Năm 2000, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học-Nghệ thuật được trao cho Nguyễn Minh Châu. Phần thưởng sau hơn 10 năm ông đi xa càng khiến bà Doanh nhớ thương hình ảnh giản dị của chồng mỗi lần từ Văn nghệ quân đội về: “Ông ấy thường mang theo chiếc túi vải xám để trước ghi-đông. Lúc đi túi xẹp lép, lúc về lại đầy ắp sách bên trong. Được ít tiền nhuận bút đưa cho vợ, ông lại dí dỏm nói: “Mình phải cho con ăn đủ để chúng học, cho tôi ăn đủ để tôi để lại tí tị ti cho đời”. Vậy mà cái “tí tị ti cho đời” ấy đã khiến Nguyễn Minh Châu phải trăn trở, nung nấu mãi không thôi. Sau người lính, nỗi khắc khoải nhân sinh, cuộc sống của những người nông dân chốn quê hương cứ đeo đuổi suy nghĩ của ông trong thời kỳ Đổi mới, và ngay cả 11 tháng nằm trên giường bệnh vì bệnh ung thư máu.
Không ít lần Nguyễn Minh Châu nói về làng Thơi, Quỳnh Hải, Quỳnh Lưu, Nghệ An quê nhà. Song điều gì khiến người xây dựng nhân vật lão Khúng vẫn còn day dứt về quê hương? Bà Doanh kể: “Có lẽ cả đời ông ấy không bao giờ quên cảnh tượng những ngôi mộ giả chạy dài ven biển. Sau mỗi trận bão, hàng chục người đàn ông ra đi không trở về, cũng không có xác. Gió đem tiếng khóc vượt qua hàng phi lao từ làng dưới lên làng trên trở thành nỗi ám ảnh về sự khắc khổ với những đứa trẻ”. Nắm rõ tính cách và số phận của người nông dân miền Trung, Nguyễn Minh Châu đã cho ra đời “Chiếc thuyền ngoài xa” (1983), “Khách ở quê ra” (1989), “Phiên chợ Giát” (1989).
Chỉ 3 ngày trước lúc đi xa mãi mãi ở tuổi 59, tác giả của “Dấu chân người lính” mới ngừng bút. Tên các tác phẩm cần viết: “Chân trời vỏ đạn”, “Xứ con người”, tiểu thuyết về nông dân-nông thôn… được đánh số thứ tự, liệt dài từng trang giấy. Đôi tay gầy của người phụ nữ 78 tuổi mân mê những cuốn nhật ký của chồng như một báu vật. Bà ước nguyện trước lúc đi gặp ông nhà phải làm được một cuốn sách tập hợp các bài viết về Nguyễn Minh Châu và cuốn còn lại là những trang nhật ký Nguyễn Minh Châu ghi chép về Quảng Trị vì “chúng ta… còn nợ bộ đội nhiều quá”.
Lê Na