Năm 1968, tôi tròn 16 tuổi, đang học lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) ở thị trấn Đông Hà. Cứ mỗi buổi sáng khi vào lớp, thầy giáo thường kể cho chúng tôi nghe tình hình chiến sự ở Quảng Trị. Qua đó tôi được biết, quân đội Mỹ dùng đường sông vận tải từ Cửa Việt đến căn cứ quân sự Đông Hà làm hậu phương nhằm tập trung lực lượng, phương tiện trung chuyển hàng hóa, vũ khí, quân dụng cung cấp cho chiến trường Khe Sanh, Hướng Hóa. Bộ chỉ huy Mặt trận Đường 9-Bắc Quảng Trị của Quân giải phóng thường xuyên đánh phá, cắt đứt tuyến vận chuyển quan trọng đó để cô lập, làm suy yếu phòng tuyến đang bị vây hãm của địch tại Tà Cơn-Khe Sanh. Vào thời điểm này, “trận Bạch Đằng” trên sông Hiếu cũng nằm trong kế hoạch cắt đứt đường tiếp viện của hải quân Mỹ cho các cứ điểm của địch ở Tà Cơn-Khe Sanh-Hướng Hóa-Đường 9...
Những chiến sĩ tham gia trận đánh ngày đó hiện nay chỉ còn một số ít người, đã nghỉ hưu và đang sinh sống tại TP Đông Hà. Tôi đã đi tìm gặp và nghe họ kể chuyện. Một trong những người chỉ huy trận đánh này là ông Dương Tú Anh, sinh năm 1937, ở thôn Đại Độ, xã Cam Giang (nay là khu phố 8, phường Đông Giang). Ông tên thật là Hoàng Hữu Dương, sau năm 1954 được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập. Năm 1964, trước khi trở lại miền Nam chiến đấu, ông là giảng viên Khoa Sinh-Hóa, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 1. Về hoạt động ở địa phương, ông là Huyện ủy viên liên huyện Gio Linh-Cam Lộ với tên gọi mới là Dương Tú Anh. Ông là người có năng lực và uy tín nên được cấp trên tin tưởng giao phó chỉ huy trận đánh đặc biệt này.
|
|
Nhân dân và bộ đội giải phóng cắm cọc trên sông Hiếu ngăn chặn tàu địch từ Cửa Việt lên Đông Hà, năm 1968. Ảnh tư liệu |
Ông Dương Tú Anh kể: “Kế hoạch của trận đánh được vạch ra rất chi tiết, tổ chức phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng chu đáo, cụ thể, tỉ mỉ. Vận dụng cách đánh của cha ông trên sông Bạch Đằng năm xưa là dùng cọc gỗ đóng trên sông để ngăn chặn tàu địch, sau đó sử dụng lối đánh du kích từ hai bên bờ sông phục kích, rồi nhanh chóng rút lui... Thống nhất cách đánh xong, cán bộ các địa phương phổ biến tới nhân dân các thôn Thượng Nghĩa, Đại Độ và Đông Lai thuộc xã Cam Giang chặt tre vót nhọn một đầu để tập kết tại đập Đại Độ I (còn gọi là Hói Sòng, bởi đây có nhánh phụ lưu từ sông Hiếu chảy đến địa phận Sòng). Nhân dân xã Gio Hà (nay là hai xã Gio Mai và Gio Quang, huyện Gio Linh) được giao nhiệm vụ chặt cây phi lao và vót nhọn sẵn một đầu nhưng không được nói rõ để làm việc gì. Sau mấy ngày huy động gấp rút đã có hơn 4.000 cây tre và phi lao dài hơn 4m được bí mật đưa đến địa điểm ấn định nhanh chóng. Ban chỉ huy trận đánh còn điều động được 300kg dây kẽm gai thu được của địch đưa về cùng với tre và phi lao giằng chống tạo nên chướng ngại vật nguy hiểm dưới lòng sông, nhằm làm rối động cơ tàu chiến của giặc Mỹ.
Lúc 21 giờ ngày 28-2-1968, công việc cắm cọc bắt đầu tiến hành. Các lực lượng tham gia gồm: Biệt động thị trấn Đông Hà, du kích xã Cam Giang và Gio Hà, bộ đội địa phương huyện Cam Lộ, Trung đoàn 270, Đoàn Đặc công 126 và ngư dân vạn chài. Ta huy động gần 20 chiếc thuyền chở cọc tre, cọc phi lao, các bó cành tre và dây kẽm gai bí mật tiếp cận khu vực thực hiện việc cắm cọc. Ở đoạn này sông khá hẹp, có độ sâu từ 6 đến 15m, hai bên bờ địa hình khá thuận lợi cho việc cất giấu, bố trí lực lượng và hỏa lực. Những chỗ nước sâu, các cọc tre và cọc phi lao một đầu buộc với những viên đá lớn thả xuống, nơi nước cạn thì cắm trực tiếp vào đáy sông, cứ 3 cây chụm lại rồi buộc chặt trên đầu, những cây cao hơn mặt nước thì phải cắt bớt, giữa các cọc được giằng dây kẽm gai và những bó cành tre tạo thành mảng bè nửa chìm nửa nổi để neo giữ, không cho trôi tự do. Cùng lúc đó, Đoàn Đặc công 126 bố trí xen các bãi mìn và thả ngư lôi xuống hệ thống các cọc cắm. Sau hơn một giờ, trận địa được bố trí thành hai bãi cọc, kéo dài khoảng 800m và rộng hàng nghìn mét vuông.
2 giờ ngày 1-3-1968, đại bộ phận lực lượng này rút lui về phía sau, chỉ để lại hai tổ phối hợp với Trung đoàn 270 chiếm lĩnh các vị trí chiến đấu từ làng Mai Xá đến làng Vinh Quang Hạ (nay thuộc xã Gio Quang, huyện Gio Linh) để sẵn sàng đón tàu Mỹ từ Cửa Việt đi lên Đông Hà. Đến 3 giờ cùng ngày, các đơn vị hỏa lực thuộc Trung đoàn 270 cùng bộ binh và du kích địa phương bí mật áp sát bên bờ sông từ Mai Xá, Vinh Quang Hạ và Đại Độ sẵn sàng nổ súng tiêu diệt tàu đối phương. Lúc này, thủy triều đã lên cao che lấp bãi cọc vừa được bố trí.
Khoảng hơn 8 giờ ngày 1-3, đoàn tàu gồm 12 chiếc trong đó có tàu tuần tiễu cùng các tàu tiếp viện đổ bộ đa năng của hải quân Mỹ và quân ngụy từ Cửa Việt lên Đông Hà, mỗi chiếc đi cách nhau 15-20m. Phía trên là máy bay trinh sát, trực thăng vũ trang hộ tống. Lúc tiến vào trận địa phục kích của quân và dân ta, thủy triều xuống thấp, chiếc đi đầu vấp phải bãi cọc và chướng ngại vật buộc quân Mỹ phải dồn đội hình rồi đi chậm lại, đúng lúc này, thủy lôi và mìn phát nổ. Những chiếc còn lại định rút lui nhưng đã bị hỏa lực ĐKZ, B41, 12,7mm, súng cối, súng bộ binh của ta từ trận địa trên bờ tấn công tới tấp. Trong đoàn tàu địch có một số chiếc chở xăng và dầu bị trúng đạn bốc cháy dữ dội, tạo nên một dòng sông lửa.
|
|
Ông Dương Tú Anh giới thiệu vị trí tập kết cọc tre và cọc phi lao để cắm xuống sông Hiếu, năm 1968. Ảnh: HỒ THOAN
|
Sau hơn một giờ bị quân ta chặn đánh, 7 tàu tiếp viện của Mỹ bị bắn cháy và chìm tại chỗ, 5 tàu còn lại quay đầu rút lui bị pháo binh ta từ bờ Bắc sông Bến Hải bắn vào làm hư hỏng nặng. Tuyến tiếp viện hậu cần bằng đường thủy từ Cửa Việt đến Đông Hà của địch bị tắc nghẽn trong nhiều ngày, gây khó khăn cho địch ở chiến trường Đường 9-Khe Sanh vốn đang bị ta tấn công và bao vây. Chiến công này đã góp phần rất lớn cho chiến thắng của Quân giải phóng tại chiến trường Khe Sanh lúc đó”.
Ngày 6-3-1968, hãng tin Mỹ UPI đã đăng bài viết có đoạn: Chỉ riêng khúc sông từ Cửa Việt đến Đông Hà dài khoảng 15km cũng đủ khủng khiếp cho tàu chiến Mỹ. Các tàu của hải quân Mỹ buộc phải chạy thành đoàn với tốc độ 1 dặm/giờ. Ở đoạn sông này, mìn trôi trên sông, những hàng rào ngăn cản bằng tre, gỗ cài nhiều mìn và hai bên bờ sông, đạn đại bác, rocket, súng cối bắn liên tiếp vào các đoàn tàu. 1 tàu tuần tiễu bị đánh chìm, 8 tàu vạn năng bị đánh hỏng. Chẳng còn biết xoay xở thế nào vì máy bay, đại bác đã ném bom bắn phá nhưng quân cộng sản vẫn ở đây, lực lượng ngày càng tăng và cuộc tiến công của họ ngày càng táo bạo...
Lúc Quân giải phóng rút khỏi trận địa, lính Mỹ đã điên cuồng bắn phá vào các làng mạc của xã Gio Hà và Cam Giang. Thiệt hại nặng nhất là các thôn Thượng Nghĩa, Đại Độ và Đông Lai, nhiều gia đình đã phải gánh chịu tang thương, mất mát. Một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 270 bị trúng đạn của địch và hy sinh.
Hiện nay, tại Bảo tàng Quân khu 4 vẫn còn lưu giữ hai cọc tre từ thế trận 56 năm về trước trên sông Hiếu. Đó là biểu tượng cho sự kiên cường, mưu trí của quân và dân Quảng Trị anh hùng, đóng góp vào thế tiến công của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 trên toàn miền Nam Việt Nam.
HỒ THANH THOAN