Ngày 16-12-2023, Hội VHNT tỉnh Quảng Bình tổ chức đoàn công tác gồm 30 văn nghệ sĩ là cựu chiến binh về thăm chiến trường xưa Quảng Trị. Người lớn tuổi nhất đã ngoài tám mươi, là họa sĩ Văn Đắc, nổi danh với tranh chất liệu bằng bẹ chuối; người nhỏ tuổi nhất là tôi nay cũng đã ngoại lục tuần. Trên chuyến hành trình ấy, các cựu chiến binh thay nhau kể về những trận đánh, những chiến công giữ Thành cổ Quảng Trị, ở Khe Sanh, Đường 9-Nam Lào... mà họ đã từng tham gia.

Đoàn đã đến tham quan cột mốc 605, biên giới Việt-Lào; tham quan Nhà tù Lao Bảo (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa). Sau đó, đoàn đến tham quan sân bay Tà Cơn (Hướng Hóa). Hơn 50 năm trước, nơi đây là chiến trường ác liệt, ghi dấu những chiến công hào hùng của quân và dân ta ở “miền đất lửa” Quảng Trị.  

Anh Lê Vũ Sơn, hướng dẫn viên Ban Quản lý Di tích lịch sử sân bay Tà Cơn giọng nói trầm ấm, say sưa thuyết trình với đoàn khách tham quan: “Vào những năm 1966-1968, sân bay Tà Cơn là một mắt xích quan trọng trong phòng tuyến Khe Sanh của Mỹ ở Quảng Trị. Đây là trung tâm chỉ huy, nơi tập trung nhiều binh lính, trang bị những vũ khí hiện đại và bố trí hỏa lực mạnh nhất ở Khe Sanh. Bên trong xây dựng rất quy mô, có sở chỉ huy, đài chỉ huy, đài liên lạc... cùng nhiều hệ thống công sự phòng ngự dày đặc. Sân bay có đường băng làm nơi cất, hạ cánh cho các loại máy bay vận tải chuyên dụng, máy bay trực thăng chở quân và vũ trang. Khe Sanh được quân đội Mỹ xem như một pháo đài bất khả chiến bại. Nhưng trước sức mạnh của quân ta, với những cuộc tiến công giải phóng Khe Sanh, quân đội Mỹ không còn cách nào khác, buộc phải bỏ và phá hủy căn cứ. Ngày 9-7-1968, lá cờ chiến thắng của quân ta tung bay trên cứ điểm sân bay Tà Cơn, đánh dấu sự thất bại của Mỹ ở chiến trường Quảng Trị...”.

leftcenterrightdel
Đoàn công tác của Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Bình tham quan Khu di tích sân bay Tà Cơn (Quảng Trị). Ảnh do tác giả cung cấp 

Tham quan Bảo tàng Chiến thắng Đường 9-Khe Sanh và các di tích trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, chúng tôi xúc động và tự hào về những chiến công của quân và dân ta đã đánh thắng kẻ thù hung tàn, trang bị vũ khí tối tân. Nhiều hiện vật đang được trưng bày như: Máy bay C-130, CH-47, UH-1A, xe tăng M48, M41, pháo 155mm cùng các loại bom, đạn... Quân đội Mỹ đã sử dụng những loại vũ khí, phương tiện chiến tranh này tại chiến trường Khe Sanh, Đường 9 (Quảng Trị) trong những năm 1965-1972.

Nhà văn Nguyễn Thế Tường, nguyên là chiến sĩ xe tăng, tác giả truyện ngắn “Hồi ức của một binh nhì” đã được chuyển thể thành phim. Anh đi một vòng quanh chiếc xe tăng, sờ tay vào bánh xích rồi tần ngần nhìn về xa xăm như đang nghĩ đến những ngày khốc liệt ở chiến trường, những trận đánh mà anh đã từng tham gia ở Thành cổ Quảng Trị.

Ngày hôm sau, đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình về dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Trời bỗng đổ mưa, nhưng chúng tôi vẫn tổ chức dâng hương lên Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Máu của các anh, các chị đã đổ xuống cho “cây đời” mãi mãi xanh tươi. 

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức hào hùng về Quảng Trị một thời lửa đạn, ghi dấu tích và còn mãi trong trang sử nước nhà. Giờ đây mảnh đất Quảng Trị thân yêu đã “thay da đổi thịt”, đang khoác lên mình diện mạo mới, trở thành miền đất trù phú, đầy tiềm năng. Nơi đây đang hiện hữu những vườn cà phê tốt tươi, xanh thắm những rừng tràm hoa vàng, bạt ngàn rừng cao su và xa xa là “cánh đồng điện gió” đang biến các cơn gió Lào khô khốc thành nguồn điện năng phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Trên mảnh đất “nhuốm máu đào” năm xưa, nay đã trải một màu xanh trù phú những nương chuối, đồi sắn... của đồng bào  trong “trận chiến” mới để chiến thắng đói nghèo và lạc hậu.

NGUYỄN ĐẠI DUẪN