Khi giới thiệu về mô hình hai chiếc xe tăng với tỷ lệ 1:1 so với kích thước của xe tăng thật, Thượng tá Nguyễn Bá Bắc, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 203 cho biết: “Chúng tôi đặt mô hình hai chiếc xe tăng ở đây với lòng biết ơn thế hệ cha anh đi trước, làm mô hình trực quan giáo dục truyền thống để tiếp thêm động lực, quyết tâm cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”.

leftcenterrightdel

 Mô hình xe tăng 843 và xe tăng 390 tại Lữ đoàn 203. Ảnh: THÁI KIÊN

Là người trực tiếp có mặt tại Dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, cựu chiến binh Nguyễn Văn Nền, hiện ở xã Hương Lâm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, nguyên Phó lữ đoàn trưởng về Chính trị Lữ đoàn 203, xúc động kể lại: “Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tôi là Trưởng ban Bảo vệ thuộc Phòng Chính trị Lữ đoàn 203, đi cùng các đồng chí trong Ban chỉ huy Lữ đoàn. Khi vào Dinh Độc Lập, trong cuộc họp tại phòng khánh tiết, tôi xé tờ lịch treo tường (kích thước khoảng 20cm x 10cm), ghi thời gian, quân số... của đơn vị có mặt tại dinh và đưa cho đồng chí Lê Hữu Tần, cán bộ tuyên huấn của đơn vị giữ. Tờ lịch hiện lưu tại Phòng truyền thống Lữ đoàn 203...”.

Để đến được Dinh Độc Lập, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 203 đã trải qua một hành trình dài. Từ năm 1967, Tiểu đoàn Xe tăng 198 thuộc Trung đoàn 203 (nay là Lữ đoàn 203) hành quân bằng bánh xích vượt hơn 1.000km đường Trường Sơn vào chiến trường miền Nam, trực tiếp tham gia chiến đấu, tiến công cứ điểm Tà Mây, Làng Vây (tháng 2-1968), tiêu diệt và bắt sống gần 600 tên địch, thu toàn bộ vũ khí. Đây là trận đánh hiệp đồng binh chủng có xe tăng đầu tiên của Quân đội ta, mở ra truyền thống “Đã ra quân là đánh thắng” của Bộ đội Tăng thiết giáp Việt Nam anh hùng. Tiếp đó, các đơn vị của Lữ đoàn tham gia Chiến dịch Đường 9-Nam Lào (năm 1971), Chiến dịch Trị-Thiên (năm 1972)...

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, Lữ đoàn 203 trong đội hình Quân đoàn 2 cơ động thần tốc, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, góp phần giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung. Thừa thắng xốc tới, Lữ đoàn vượt qua các ổ đề kháng trên tuyến phòng thủ Đông Nam Sài Gòn của địch, dũng cảm, ngoan cường, kiên quyết tiến công, thọc sâu, hiệp đồng chi viện kịp thời cho bộ binh, lập nên những chiến công xuất sắc khi tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, nhất là thời khắc lịch sử trưa 30-4-1975 khi tiến vào làm chủ Dinh Độc Lập. Với những thành tích xuất sắc trong chiến đấu, ngày 12-9-1975, Lữ đoàn 203 được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

leftcenterrightdel
 Đoàn công tác của Quân đoàn 12 kiểm tra công tác chuẩn bị vật chất huấn luyện năm 2024 tại Lữ đoàn 203. Ảnh do đơn vị cung cấp

Hai xe tăng mang số hiệu 390 và 843-hiện vật lịch sử, biểu tượng của chiến thắng luôn là niềm tự hào đặc biệt của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 203. Phát huy truyền thống anh hùng, cán bộ, chiến sĩ đơn vị trong những năm qua luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu” và làm tốt công tác dân vận, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc.

NGUYỄN KIÊN THÁI