Đầu tháng 1-1972, chàng trai Giang Văn Thành quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình viết đơn tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Trung đội 3, Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 12). Với tố chất thông minh, gan dạ, mưu trí và có tài chỉ huy nên Giang Văn Thành đã từ chiến sĩ phát triển thành Đại đội trưởng trong chưa đầy một năm. Tại nhà riêng ở phố Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội, Thiếu tướng Giang Văn Thành kể: “Tháng 6-1972, tôi vào chiến trường trực tiếp chiến đấu trên cương vị chiến sĩ, cuối tháng 7 năm đó tôi được cấp trên bổ nhiệm giữ chức Trung đội phó và Trung đội trưởng, rồi tiếp đến Đại đội trưởng (tháng 11-1972)”. 

leftcenterrightdel

 Thiếu tướng Giang Văn Thành (đứng giữa) cùng đồng đội thăm lại chiến trường xưa ở Quảng Nam (tháng 10-2023). Ảnh do nhân vật cung cấp

Từ tháng 6-1972 đến cuối tháng 1-1973, đồng chí Giang Văn Thành đã tự học để sử dụng thành thạo các loại vũ khí bộ binh như: B40, B41, cối 60mm, súng phóng lựu M79... tiêu diệt hơn 70 tên địch, bắn cháy 3 xe tăng M41 và 1 xe bọc thép của địch. Anh hùng Giang Văn Thành kể: “Ngày 3-7-1972, tôi là chiến sĩ bắn B41 và cối 60mm ở Tiểu đội 10, do đồng chí Đại đội trưởng Ngô Trọng Tuệ chỉ huy chốt giữ tại  trận địa thuộc xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sáng sớm hôm đó, địch điều một tiểu đoàn thủy quân lục chiến, có 10 xe tăng, máy bay, pháo binh yểm trợ tấn công đơn vị tôi. Tôi đã cùng 4 đồng chí của Tiểu đội 10 luôn theo sát chỉ huy Đại đội và Trung đội ở hướng chủ yếu. Đến 15 giờ, sau 7 lần địch tấn công đều bị Đại đội chúng tôi đánh chặn nên không vào được trận địa của ta. Để đột phá trận địa, địch đã sử dụng 3 xe tăng M41 đi đầu dẫn dắt bộ binh tấn công. Theo lệnh của Đại đội trưởng Ngô Trọng Tuệ, mặc cho hỏa lực địch bắn xối xả, tôi đã men theo bờ sông, chờ xe tăng địch đến gần 150m rồi dùng B41 bắn cháy...”.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng Giang Văn Thành (bên trái) cùng cựu chiến binh Nguyễn Văn Hà, Ban liên lạc bạn chiến đấu Trung đoàn 64, Sư đoàn 320B thăm tượng đài Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ ở TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (tháng 10-2023). Ảnh do nhân vật cung cấp       

Ngừng một lát, ông Thành kể tiếp: “Tối 28-1-1973, trên cương vị Đại đội trưởng Đại đội 6, tôi nhận lệnh của đồng chí Nguyễn Xuân Nghĩa, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 64, chỉ huy Đại đội tập kích quân địch ở phía Nam Cửa Việt. 20 giờ hôm đó, tôi chỉ huy đơn vị áp sát quân địch. Có chiến sĩ bắn 2 quả đạn B41 nhưng chưa diệt được xe tăng địch. Thấy vậy, tôi lấy súng B41 của đồng chí ấy lắp đạn, lăn xuống chân đụn cát và bắn cháy một xe tăng địch. Sau đó, toàn bộ Đại đội đồng loạt nổ súng khiến cho số xe tăng còn lại và lính biệt động địch hốt hoảng tháo chạy, 1 xe tăng M41 bị sa xuống hố bom nên bị chúng tôi “bắt sống”.

7 giờ ngày 31-1-1973, tôi chỉ huy đơn vị tấn công địch ở phía Nam Cửa Việt. Bọn lính đặc nhiệm dựa vào xe tăng, xe bọc thép, pháo binh ngăn chặn lực lượng ta ở các hướng. Tôi chỉ huy 2 khẩu đội cối 60mm bắn vào đội hình địch đang ẩn nấp phía sau đụn cát; tập trung hỏa lực B40, B41 bắn vào các ổ đề kháng và xe tăng địch. Trong trận này, tôi trực tiếp bắn cháy 1 xe tăng địch, 2 xe tăng địch còn lại tháo chạy. Trước nguy cơ bị tiêu diệt, toàn bộ bọn lính đặc nhiệm ở cụm 1, cụm 2 bám theo xe tăng, xe bọc thép chạy về phía Thành Hội. Tôi lệnh cho đơn vị sử dụng B40, B41, cối 60mm bắn vào tốp xe tăng địch. Lính lái xe hốt hoảng rú ga tháo chạy, bỏ rơi toàn bộ lính đặc nhiệm bám theo xe tăng nên chúng bị chúng tôi tiêu diệt và bắt sống toàn bộ...”.

THÁI KIÊN