“Khắc tinh” của tội phạm
Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở xã Bình Dương (Đông Triều, Quảng Ninh), năm 1987, Nguyễn Văn Thiện nhập ngũ vào lực lượng BĐBP. Tháng 8-1990, anh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng), sau đó được bổ nhiệm Đội trưởng Đội Vũ trang Đồn 3 (nay là Đồn Biên phòng Trà Cổ), rồi về công tác ở Đồn Biên phòng Cô Tô (BĐBP tỉnh Quảng Ninh)... Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện nhớ lại: “Tháng 8-2001, tôi được bổ nhiệm làm Phó đồn trưởng Quân sự Đồn Biên phòng Cô Tô. Trong 3 năm công tác ở đây, tôi đã cùng đồng đội không quản gian nguy, vượt sóng dữ để tham gia cứu hộ, cứu nạn, bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân mỗi khi mùa mưa bão tới; đồng thời gắn bó máu thịt với chính quyền, nhân dân, xứng đáng là điểm tựa vững chắc nơi đảo tiền tiêu của Tổ quốc...”.
Tháng 7-2009, đồng chí Nguyễn Văn Thiện được bổ nhiệm Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Anh đã cùng tập thể chỉ huy Đồn triển khai đồng bộ nhiều biện pháp công tác biên phòng, tổ chức lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên bờ, trên sông biên giới và hai cửa khẩu Ka Long, Bắc Luân. Anh đã cùng các trinh sát không quản ngày đêm theo dõi, nắm chắc tình hình và phá thành công nhiều vụ án ma túy lớn...
Điển hình là việc triệt phá thành công chuyên án và bắt giữ trùm ma túy Lưu Ngọc Châu. Đối tượng này đứng đầu đường dây gồm những tay “anh chị khét tiếng” tổ chức mua bán, vận chuyển chất ma túy như: Thuốc phiện, heroin, tiền chất ma túy... Trước khi bắt “ông trùm”, lực lượng trinh sát đã bắt được đối tượng trong đường dây buôn bán ma túy là Lã Thị Hương và Hoàng Thị Lanh. Qua đấu tranh quyết liệt, hai đối tượng này đã khai đường dây do Lưu Ngọc Châu là Việt kiều ở nước ngoài cầm đầu, chỉ đạo. Hắn thường ngụy biện, rao giảng là “người có tâm làm thiện nguyện, muốn về nước để giúp đỡ các gia đình có người thân bị nghiện ma túy...”.
Để bắt được đối tượng cầm đầu, anh chỉ đạo lực lượng đánh án củng cố chặt chẽ hồ sơ hai đối tượng và yêu cầu họ nhận diện hình ảnh chính xác “ông trùm”. Để tránh “rút dây động rừng”, anh đã tham mưu với Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Ninh đề nghị cơ quan điều tra không thông tin về việc truy nã đối tượng Lưu Ngọc Châu để “dụ rắn ra khỏi hang”... Khi đối tượng từ nước ngoài trở về, làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, các cơ quan chức năng lập tức áp sát, ra lệnh bắt giữ tại chỗ. Trước những chứng cứ không thể chối cãi, cuối cùng Lưu Ngọc Châu đã phải cúi đầu nhận tội. Với chiến công này, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba...
Đầu năm 2021, lực lượng BĐBP phát hiện đường dây mua bán, vận chuyển ma túy số lượng lớn từ khu vực “Tam giác vàng” qua biên giới các tỉnh Bắc miền Trung (các toán, nhóm vận chuyển ma túy có vũ khí) vào Việt Nam, sau đó vận chuyển sang nước thứ ba tiêu thụ. Trước tình hình trên, Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm do Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện làm Cục trưởng đã xác lập Chuyên án A121p. Trước khi phá chuyên án, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện đã cùng lực lượng đánh án khảo sát, nghiên cứu các cung, tuyến đường vận chuyển ma túy; xác định các vị trí mật phục, bắt giữ đối tượng phục vụ xây dựng kế hoạch phá án, dự kiến các tình huống bảo đảm an toàn cho lực lượng phá án.
Chỉ tính riêng giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, trên cương vị là Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện cùng với lãnh đạo, chỉ huy Cục chỉ đạo các đơn vị chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh thành công 179 chuyên án (trong đó có 127 chuyên án ma túy, 28 chuyên án về xuất, nhập cảnh trái phép...); bắt giữ 422 đối tượng, tang vật, thu giữ gần 3 tấn ma túy các loại; đồng thời thu giữ 1,5 tấn pháo nổ, 5kg vàng, gần 16.500 bao thuốc lá ngoại, hơn 465.000 lít dầu DO, 19 khẩu súng, 57 viên đạn, gần 600kg thuốc nổ...
Giữ được lòng dân là giữ được tất cả
Cuối tháng 9-2017, Đại tá Nguyễn Văn Thiện được cấp trên bổ nhiệm Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình. Tròn 30 năm trong quân ngũ, có lẽ đây là bước ngoặt lớn trong cuộc đời binh nghiệp của anh. Những ngày đầu mới về vùng đất nắng gió này, anh đã dành thời gian tới các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội đứng chân trên địa bàn để hiểu rõ hơn tình hình ở địa phương.
Một ngày cuối tháng 1-2019, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình Nguyễn Văn Thiện và đoàn công tác của Tỉnh ủy Quảng Bình đến thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Ho và bà con Bru-Vân Kiều ở bản Bạch Đàn, xã Lâm Thủy, huyện Lệ Thủy. Đoàn công tác được trung chuyển trên hai chiếc xe Zil ba cầu để vào bản Bạch Đàn. Đây là bản nằm cách Đường Hồ Chí Minh khoảng 6km nhưng việc đi lại rất khó khăn, chỉ có một con đường mòn gập ghềnh, khúc khuỷu đá cuội, lầy lội vào mùa mưa và phải vượt qua 9 con suối. Quãng đường ngắn nhưng phải đi mất gần 1,5 giờ, xe mới tới nơi. Vào đến bản, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy rất xúc động khi chứng kiến cuộc sống của đồng bào còn khó khăn. Sau khi thăm hỏi, động viên, tặng quà bà con, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã chỉ đạo huyện Lệ Thủy tiến hành lập tờ trình, triển khai xây dựng dự án làm đường vào bản để góp phần nâng cao đời sống cho bà con Bru-Vân Kiều.
Nhắc lại những năm tháng ở Quảng Bình, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện bày tỏ ấn tượng về cách làm dự án trồng cây lúa nước của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng giúp đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Theo lời anh kể, nhiều năm trước đó, những người lính quân hàm xanh đứng chân trên địa bàn đã cùng bà con địa phương san lấp mặt bằng, phục hóa hơn 10ha đất ruộng bỏ hoang. Cách làm là bộ đội cùng đồng bào dồn đất phong hóa lại thành từng khu vực, sau khi san mặt bằng xong, trả đất phong hóa lại để tạo mùn cho đất, be bờ đắp thành thửa ruộng, đồng thời dựng hàng rào dây thép gai bảo vệ khu ruộng, ngăn gia súc phá hoại, xây dựng hệ thống đường dân sinh, thoát nước...
Vốn là con nhà nông nên Chỉ huy trưởng Nguyễn Văn Thiện rất hiểu cách thức sản xuất này. Trong mỗi chuyến công tác cơ sở, anh lại cùng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị xuống từng hộ gia đình, với phương châm “cầm tay, chỉ việc”, bộ đội làm trước, hướng dẫn bà con làm theo như cày, phay lồng, làm đất, ngâm ủ giống, bón phân, phun thuốc, dặm, tỉa, điều tiết nước và thu hoạch lúa. Người dân các xã biên giới miền Tây Quảng Bình thường xuyên gặp Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh có vóc người tầm thước, nước da rắn rỏi lội ruộng, ngược rừng để tìm hiểu và nghĩ sinh kế mới cho bà con.
Dưới sự giúp đỡ của những người lính biên phòng, đồng bào Rục đã dần thay đổi nhận thức, tập quán canh tác lạc hậu, như: “Chặt, đốt, cốt, trỉa”, đồng thời từng bước tạo nguồn lương thực tại chỗ, xóa đói, giảm nghèo, định canh định cư, ổn định cuộc sống; tăng cường mối quan hệ đoàn kết gắn bó quân-dân, góp phần củng cố “thế trận lòng dân” nơi biên cương, bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.
Cũng nhờ làm tốt công tác vận động quần chúng nên những chiến sĩ quân hàm xanh đã xây dựng được “thế trận lòng dân” vững chắc, huy động được đông đảo nhân dân sinh sống trên địa bàn biên giới tích cực tham gia đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và tội phạm ma túy nói riêng. “Giữ được lòng dân là giữ được tất cả, vì thế, các văn bản liên quan đến BĐBP đều xác định người dân là chủ thể, mỗi người dân biên giới là một cột mốc sống. Tôi luôn nghĩ, giúp dân là mệnh lệnh không lời không chỉ đối với các LLVT tỉnh Quảng Bình mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm của các tổ chức chính trị và toàn xã hội...”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện bộc bạch.
Gần 40 năm gắn bó với BĐBP, từ một trinh sát đặc nhiệm, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thiện đã kinh qua nhiều vị trí công tác ở các đồn biên phòng trọng điểm như: Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, Đồn Biên phòng Cô Tô thuộc BĐBP tỉnh Quảng Ninh; Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Quảng Bình; lãnh đạo Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm thuộc Bộ tư lệnh BĐBP và đến nay là Phó tư lệnh BĐBP... Ở vị trí công tác nào, anh cũng luôn thể hiện rõ phẩm chất của một trinh sát đặc nhiệm, một vị tướng biên phòng gần dân và luôn hướng về nhân dân trong bất cứ hoàn cảnh nào.
NGUYỄN KIÊN THÁI