Thượng tướng Vũ Lăng sinh năm 1921, quê ở xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Là một người thông minh, hiếu học, Vũ Lăng đã sớm tham gia cách mạng từ trước năm 1945. Tháng 11-1945, Vũ Lăng tham gia đoàn quân Nam tiến khi giặc Pháp gây hấn ở Sài Gòn, rồi lần lượt mở rộng chiến tranh ra toàn miền Nam và Nam Trung Bộ. Đơn vị do ông chỉ huy đã chiến đấu tại chiến trường Khu 6, thuộc tỉnh Bình Thuận ngày nay. Trong chiến đấu, ông đã có nhiều thành tích, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 2-1947.
Sau đó, Vũ Lăng được cấp trên điều động ra Bắc, ông lần lượt đảm nhiệm các chức vụ chỉ huy quan trọng: Trung đoàn phó Trung đoàn Thủ Đô, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 (Đại đoàn 316) tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tháng 5-1954, ông là Tham mưu trưởng Sư đoàn 316. Hòa bình lập lại, năm 1956, Vũ Lăng được cử sang Liên Xô học ở Học viện Voroshilov. Kháng chiến chống đế quốc Mỹ, ông được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng và đã đóng góp công sức vào các công tác chỉ huy chiến đấu trên nhiều mặt trận, tổ chức nghiên cứu khoa học phục vụ chiến đấu, đào tạo cán bộ quân sự. Trên cơ sở những đóng góp đó, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng (năm 1974), Trung tướng (năm 1980), Thượng tướng (năm 1986) và được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý. Đặc biệt, ngày 8-12-2023, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Quân đoàn 3 tổ chức Lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân đối với Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp và Thượng tướng Vũ Lăng.
Nhắc đến Thượng tướng Vũ Lăng phải nhắc đến thời kỳ ông làm Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (năm 1974); Phó tư lệnh Chiến dịch Tây Nguyên, Tư lệnh Quân đoàn 3 (năm 1975). Đây cũng là thời điểm then chốt ta mở Chiến dịch Tây Nguyên với đòn “điểm huyệt” Buôn Ma Thuột, làm rung chuyển và thay đổi cục diện toàn bộ chiến trường, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau này, khi đảm đương cương vị Giám đốc Học viện Lục quân, ông đã chỉ đạo nghiên cứu và tổng kết nhiều chiến dịch lớn, đặc biệt là Chiến dịch Tây Nguyên.
Mặt trận Tây Nguyên sau Hiệp định Paris năm 1973 luôn được Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đặc biệt quan tâm. Khi điều Vũ Lăng vào chiến trường Tây Nguyên, cấp trên đã cho ông thể hiện tư duy quân sự chiến lược xuất sắc, đặc biệt là việc tổ chức các chiến dịch lớn hiệp đồng binh chủng. Vũ Lăng hiểu sâu sắc một điều rằng, muốn đánh thắng trên chiến trường phải thực hiện những đòn đánh mang tính chất “điểm huyệt”, “đánh giập xương sống” phòng thủ của địch, đánh vào nơi địch không ngờ tới, đánh thần tốc, đánh liên hoàn, đánh một trận lớn để mở ra các chuỗi trận liên tiếp khiến địch không kịp trở tay.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng từng nhắc đi nhắc lại khi trò chuyện với tôi: “Tính cụ Vũ Lăng thẳng thắn và sâu sắc lắm. Sau này, chúng tôi mới hiểu đường đi nước bước của các vị tướng như Vũ Lăng, Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp trong Chiến dịch Tây Nguyên là một liên hoàn kế sách vượt địch một cái đầu, dẫn dắt chúng, lừa chúng vào thế trận đã được cài sẵn, điểm huyệt chúng, điểm huyệt cả quan thầy của chúng. Mà một trong những vị tướng sâu sắc nhất, trầm tính và linh hoạt nhất chính là Thượng tướng Vũ Lăng”.
Trong hồi ký của Trung tướng Khuất Duy Tiến, ông đã viết lại lời nói của Thượng tướng Vũ Lăng khi tổ chức phương án tác chiến trong Chiến dịch Tây Nguyên: “Ta phải tìm mọi cách nhử địch về Kon Tum và Pleiku rồi hãm chúng ở đó, tạo sơ hở Buôn Ma Thuột để ta đột phá thật nhanh vào đây tiêu diệt địch và làm chủ thị xã này trong thời gian ngắn nhất. Sau đó sẽ phát triển đánh chiếm Gia Nghĩa, Phú Bổn để mở rộng khu vực, làm bàn đạp phát triển tiến công các hướng khác. Để thực hiện được ý định này, vấn đề có tính quyết định là lập thế trận chiến dịch. Thế trận đó phải thể hiện chia cắt, vây hãm, vừa hãm vừa tiến công, đột phá, vừa bí mật, vừa nghi binh. Tôi giao cho đồng chí Tiến, Trưởng phòng Tác chiến làm Tổ trưởng Trung tâm nghiên cứu chiến thuật đề xuất phương án đánh thị xã Buôn Ma Thuột. Các anh nghiên cứu phương án, một là đánh địch không có phòng ngự dự phòng và một phương án nữa là đánh địch có phòng ngự dự phòng. Đánh địch không có phòng ngự dự phòng là số một, ta phải làm mọi cách điều địch theo ý ta để đánh địch không có phòng ngự dự phòng”.
Khi chúng tôi phỏng vấn Trung tướng Khuất Duy Tiến về Thượng tướng Vũ Lăng, vị tướng trận họ Khuất đã nghẹn đi, nước mắt như dồn ứ lên gương mặt phong sương. Ông chầm chậm nói: “Anh Vũ Lăng chính là một trong những người thầy trong chiến trận của tôi. Tư duy tổ chức các chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng của anh sâu sắc lắm. Thế trận Tây Nguyên có được từ những bộ óc quân sự sắc sảo nhất, trong đó có anh. Khi anh đảm nhiệm cương vị Tư lệnh Quân đoàn 3 đánh thẳng xuống Sài Gòn, những chiến công vang dội của Quân đoàn, tất cả? đều từ những bộ óc xuất sắc của Mặt trận Tây Nguyên, trong đó có anh và các anh Hoàng Minh Thảo, Đặng Vũ Hiệp, Nguyễn Quốc Thước, Nguyễn Năng,... Đó chính là sự quý giá nhất mà chúng tôi luôn học tập được ở các anh”.
Thượng tướng Vũ Lăng luôn để lại niềm tin sâu sắc với cấp trên, đồng cấp và các đồng chí cấp dưới. Ông không chỉ biết lắng nghe, thấu hiểu mà còn rất thẳng thắn trong các nhận định, đánh giá về từng con người cụ thể, từng công việc cụ thể. Ở ông không có sự nửa vời, càng không có sự tắc trách vì bất cứ lý do gì, hoàn cảnh nào cũng đều tuyệt đối thực hành chính xác mọi mệnh lệnh đã đặt ra. Thực tiễn chiến tranh, thực tiễn chiến trường đã rèn luyện nên một con người Vũ Lăng mưu lược, trí tuệ, khoa học nhưng cũng hết sức nhân văn. Chính ông cùng với các vị tướng lĩnh lừng danh của Quân đội nhân dân Việt Nam đã cống hiến toàn bộ cuộc đời mình để có được những chiến công vĩ đại.
Trong phim tài liệu về Thượng tướng Vũ Lăng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhận xét: "Vũ Lăng từng đảm nhiệm cương vị cấp tiểu đoàn ngay từ những ngày đầu Thủ đô Hà Nội đứng lên kháng chiến… Tôi nhớ lúc tác chiến ở Tây Nguyên, Vũ Lăng làm việc có quyết tâm rất cao, bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng đều hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được đồng đội và lãnh đạo rất mến phục”.
    |
 |
Gia đình Thượng tướng Vũ Lăng trao kỷ vật tặng Quân đoàn 3, tháng 9-2018. Ảnh: VŨ DUY HIỂN |
Chúng ta đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, biết bao nhiêu máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã đổ xuống để có ngày toàn thắng; rất nhiều trí tuệ, công lao của các vị tướng góp phần làm nên chiến thắng vẻ vang mà bây giờ các ông đã về với thế giới người hiền. Thượng tướng Vũ Lăng với dấu ấn sâu sắc ở Mặt trận Tây Nguyên và tiếp đó là những chiến dịch lớn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với thế hệ chúng tôi hôm nay, ông mãi là một tượng đài chiến sĩ vinh quang.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI