Từ voi trong truyền thuyết...

Ngay từ lúc còn ngồi trên xe, chúng tôi đã được “nhà Tây Nguyên học” Tuyết Nhung nói nhiều về voi. Chị mở đầu bằng một truyền thuyết, một truyền thuyết cho tới tận hôm nay dường như vẫn còn tiếp tục.

Đó là khi xe chạy đến địa phận xã Yang Tao (huyện Lắk) thì người phụ nữ dân tộc Bih (một nhánh của dân tộc Ê Đê) ra hiệu cho xe dừng lại bên đường, chị vui vẻ mời mọi người xuống xe. PGS, TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung nói: “Mời cô chú, anh chị vào “chào” Voi mẹ ạ!”. Hơi ngạc nhiên nhưng Tuyết Nhung đã nói thế thì chắc chắn không phải nói cho vui rồi.

Không xa Quốc lộ 27 là mấy, chính xác là ngay bên quốc lộ, sau khi đi qua mảnh vườn nhỏ, chúng tôi đã thấy một khối đá khổng lồ nằm đơn độc giữa đồi núi điệp trùng. Một khối đá mà chúng ta hay gọi là “đá mồ côi”, bởi vì khối đá nhẵn, trơn và dĩ nhiên không có bất kỳ thứ cây gì ký sinh trên đó. Chị Tuyết Nhung sau khi chờ mọi người vào đầy đủ thì hỏi: “Các cô chú, anh chị thấy khối đá này có hình thù gì không?”. Chúng tôi cùng nghiêng đầu rồi nheo mắt, nhưng rồi mọi người đều lắc đầu vì chưa hình dung được. Chị Tuyết Nhung bấy giờ mới cho hay: “Vị trí này cách thành phố Buôn Ma Thuột chừng 40km. Khối đá này được gọi là Đá Voi mẹ”.

leftcenterrightdel
 Một số sản phẩm gốm hình tượng voi. Ảnh: MIÊN ĐÔNG 

Đúng là phải có sự gợi ý thì chúng tôi mới cùng “à” lên sững sờ. Ngay trước mắt chúng tôi lúc này là dáng hình một con voi khổng lồ bằng đá đang nằm phủ phục. Đầu voi hướng về dãy núi Chư Yang Sin huyền thoại, mái nhà của Tây Nguyên. Chị Tuyết Nhung cứ để chúng tôi xoay xỏa ngắm nhìn thật kỹ rồi mới nói tiếp: “Sáng nay vừa có mưa nên các cô chú, anh chị không thể lên lưng voi mẹ được vì đá này rất trơn. Giá như trời nắng khô thì các cô chú, anh chị sẽ thoải mái lên lưng voi mẹ để thấu được sự ấm áp của tình mẹ voi như thế nào”.

Quả thực nhà khoa học nữ này nói năng cũng khá văn hoa. Câu chuyện của chị cũng vì thế mà cuốn hút người nghe. Chị cho hay: “Đá Voi mẹ có chiều dài khoảng 200m, chu vi cũng chừng 500m, nên nếu trèo lên lưng thì mọi người sẽ tha hồ chạy nhảy. Đây là tảng đá nguyên khối được xác định là tảng đá nguyên khối lớn nhất Việt Nam”.

Đá Voi mẹ bắt đầu từ một câu chuyện huyền thoại, một câu chuyện về tình yêu, là dấu ấn bản sắc văn hóa của người dân, gắn bó từ đời này sang đời khác. Chị Tuyết Nhung nói thêm: “Các cặp trai gái yêu nhau khi cùng nhau đến đây thường ngồi tựa vai vào nhau trên lưng đá Voi mẹ. Họ ngồi đấy nói lời hò hẹn, trao lời thề nguyền, cầu mong thần đá sẽ che chở cho tình yêu của họ”. Thấy vẻ mặt của chúng tôi hơi ngần ngừ, chị nói tiếp: “Còn những người bị thất tình hay chưa có người yêu thì cũng đến ngồi ở đây và thủ thỉ kể cho thần đá nghe về câu chuyện trắc trở của mình và tin rằng thần đá sẽ thấu hiểu, giúp họ tìm được “một nửa” của mình”.

Tôi vội hỏi thêm: “Có đá Voi mẹ thì chắc phải có đá Voi cha chứ?”. Chị Tuyết Nhung vui vẻ: “Có chứ ạ. Có cha có mẹ mới thành tình yêu chứ ạ”. Nói rồi chị khoát tay chỉ về bên phải: “Cách đây khoảng 5km, có đá Voi cha. Khối đá Voi cha nhỏ hơn khối đá Voi mẹ. Đá Voi cha nằm giữa thung lũng, đầu cũng hướng về dãy Chư Yang Sin điệp trùng...”.

leftcenterrightdel
Du khách tham quan núi Đá Voi mẹ. Ảnh: NGUYỄN HÙNG 

... đến hình tượng voi trong đời sống

Chúng tôi gặp anh Nguyễn Huy Dũng, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Ea H’leo (tỉnh Đắk Lắk) khi anh vừa “dẫn quân” đi tham dự Ngày hội văn hóa các dân tộc vùng Tây Nguyên lần thứ nhất tại Kon Tum về. Vẫn tác phong nhanh nhẹn và chắc việc như hồi anh đưa chúng tôi về buôn Treng dự sinh hoạt cồng chiêng, anh Nguyễn Huy Dũng hào hứng kể về “Voi” và lễ hội Tây Nguyên. Kể ra thì cũng “bõ” công chàng trai quê Thái Bình vì “mê” Ban Mê mà 18 năm trước vào Buôn Ma Thuột học sư phạm toán ở Trường Đại học Tây Nguyên. Thì ra vì quá “mê” Tây Nguyên nên Nguyễn Huy Dũng học xong thì ở lại để rồi anh thành “Y Dũng”, thành người Tây Nguyên. Anh dạy học được vài năm thì chuyển hẳn sang ngành văn hóa. Như một tiền định nên Dũng chẳng những bắt tay vào việc “ngon ơ” mà còn rất thông thạo văn hóa của người Tây Nguyên.

Lần này chúng tôi lại theo Dũng ngược lên phía Bắc để về lại huyện Ea H’leo, khi xe chạy đến giao lộ đầu thành phố Buôn Ma Thuột thì Dũng nhắc xe chạy chậm lại. Anh chỉ tay sang bên trái giới thiệu cho chúng tôi thấy cặp voi bằng sắt rất to. Đó là cặp “Song tượng thịnh vượng”. Dũng bảo: “Cặp voi này còn được dân tình gọi vui với cái tên “Voi sắt Buôn Ma Thuột”. Cặp voi không chỉ góp phần tạo nên cảnh quan tuyệt đẹp cho đường phố Buôn Ma Thuột mà còn hứa hẹn trở thành biểu tượng văn hóa mang hình ảnh đôi voi Tây Nguyên lớn nhất Việt Nam”. Tôi chợt liên tưởng, ở trung tâm thành phố có một “voi sắt” khác, đó là Tượng đài Chiến thắng với hình dáng một chiếc xe tăng Quân Giải phóng, chính chiếc xe tăng này là một “chú voi” dũng mãnh đã tham gia giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 10-3-1975.

Dũng còn kể cho chúng tôi hay: Đối với người Tây Nguyên thì lễ hội chính là “Tết” của bà con. Người Tây Nguyên hiện mỗi năm có gần chục lễ hội, trong đó Lễ hội Voi được tổ chức vào tháng Ba âm lịch, là lễ hội “tri ân voi” độc đáo. Trong lễ hội này không thể thiếu “màn” đua voi nổi tiếng.

leftcenterrightdel

PGS, TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung (đứng giữa, đeo túi đen) và đoàn công tác cùng bà con Mnông

ở buôn làm gốm Dơng Bắk. Ảnh: MIÊN ĐÔNG 

Vậy voi không chỉ là linh vật, là đặc trưng văn hóa Tây Nguyên mà hình ảnh voi còn là biểu tượng của sức mạnh tinh thần, sức mạnh nội lực của Tây Nguyên hùng vĩ. Tôi chợt nhớ đến buổi chiều hôm trước, sau khi rời “Đá Voi mẹ”, PGS, TS Buôn Krông Thị Tuyết Nhung đã đưa chúng tôi về buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, xã có đá Voi cha, đá Voi mẹ) để “thực mục sở thị” bà con Mnông làm gốm. Đây là một nghề thủ công truyền thống và độc đáo của bà con. Gốm Mnông đặc biệt ở chỗ không sử dụng bàn xoay và không nung trong lò mà nung bằng cách chất củi, rơm lên sản phẩm rồi đốt.

Trong những sản phẩm gốm truyền thống như vật dụng sinh hoạt, vật dụng gia đình, còn có sản phẩm gốm mang hình tượng voi Tây Nguyên. Ông Y Thơ Mlô, Phó chủ tịch UBND xã Yang Tao cho biết: “Mặt hàng gốm hình voi rất được du khách ưa chuộng mua về làm kỷ niệm”. Chỉ nghe đến thế tôi đã hiểu: Đối với các dân tộc ở Tây Nguyên, voi là loài vật được yêu quý như một thành viên trong gia đình và buôn làng, nhưng vẫn mang biểu tượng tôn kính, thiêng liêng. Trong lịch sử, voi là hiện thân của sức mạnh và sự giàu có của các vị tù trưởng xưa và là người lính trận trong đấu tranh bảo vệ đất nước. Trong truyền thuyết thì voi là biểu tượng của tình yêu. Còn trong đời sống thì đồng bào coi voi là động vật đứng đầu trong các loài thú rừng, tượng trưng cho quyền uy, sức mạnh vật chất và tinh thần mỗi buôn làng. Voi tham gia lễ hội là chứng minh cho văn hóa tín ngưỡng của người Tây Nguyên. Voi có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tinh thần của con người nơi đây.

Ghi chép của NGUYỄN TRỌNG VĂN