Năm 1983, Nguyễn Xuân Hà vừa tốt nghiệp Trường Đại học An ninh, ông tình nguyện lên đường nhận nhiệm vụ tại vùng đất Tây Nguyên đầy gian khó. Gần 10 năm đằng đẵng, Nguyễn Xuân Hà đã cùng đồng đội luồn rừng, vượt núi, vai đeo khẩu AK cùng hai băng đạn và tăng võng, chăn màn..., quên ngày quên tháng để lần theo vết tích của những đối tượng khả nghi khắp các tỉnh Tây Nguyên. Ông cùng đồng đội sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ nhân dân, vận động người lầm lạc đi theo FULRO quay đầu trở về với cách mạng.

Ông kể lại cho chúng tôi nghe từng chuyên án đấu tranh với tổ chức FULRO mà ông đã tham gia, mô tả từng trận chiến đấu với FULRO tại các cánh rừng biên giới. “Tôi đã trực tiếp gọi hàng gần 40 đối tượng, cảm hóa hàng trăm cơ sở cốt cán của FULRO tại các buôn làng, phá rã gần 100 khung chính quyền ngầm FULRO các cấp... góp phần làm tan rã tổ chức FULRO tại 4 tỉnh ở Tây Nguyên”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà hồi tưởng.

Từ một thanh niên Thủ đô, Nguyễn Xuân Hà đã gắn bó đến thiết tha, hiểu biết thật sâu sắc và yêu thương đến tận cùng mảnh đất, con người và văn hóa truyền thống Tây Nguyên. Người chiến sĩ an ninh giàu bản lĩnh ấy đã thực sự trở thành một người con của Tây Nguyên, được nhân dân các buôn làng Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Mnông... mở lòng yêu thương, đón nhận.

“Năm 2001, tôi cùng đồng đội đối mặt với một thử thách mới khi Tây Nguyên lại “động rừng”. Bà con các dân tộc nơi đây bị kẻ xấu câu móc, xúi giục gây bạo loạn đòi thành lập cái gọi là “Nhà nước Đề-ga”. Hàng nghìn người đã vượt biên sống lay lắt ở các trại tị nạn tạm bợ bên kia biên giới. Vậy là chúng tôi lại có thêm bao đêm không ngủ, bao ngày lội suối, trèo đèo đến từng buôn xa làng gần để bà con nhận ra bản chất xấu xa của chúng. Tôi trực tiếp chỉ đạo anh em tiến hành trấn áp, đấu tranh bóc gỡ các khung tổ chức FULRO mới, bắt giữ các đối tượng cầm đầu và sử dụng biện pháp nghiệp vụ để bắt những kẻ ngoan cố phải nhận tội, góp phần giữ cho Tây Nguyên bình yên...”, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà nhớ lại.

Năm 2004, ông được giao đảm nhiệm cương vị Phó cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên. Năm 2008, những chiến công thầm lặng nhưng đặc biệt xuất sắc của ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận bằng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới. Năm 2015, ông đảm nhiệm chức vụ Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên và được phong quân hàm Thiếu tướng.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Công an tỉnh Gia Lai đến thăm Thiếu tướng Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Xuân Hà. Ảnh: LÊ ANH 

Quay trở lại với chuyến công tác năm 2012 của tôi, khi đó tà đạo Hà Mòn nổi lên nhức nhối như một vết ung nhọt giữa lòng Tây Nguyên. Tôi đã được chứng kiến bản lĩnh và sự tinh nhạy, quyết liệt của ông Nguyễn Xuân Hà. Ông đến từng điểm chốt ở các khu vực trọng điểm để nắm bắt tình hình, cùng anh em phân tích thông tin, đặt giả thuyết và đề ra phương án truy bắt những kẻ cầm đầu tà đạo. Và rồi các tên A Tack, A Hyum, Ama Chinh, Runh... đã phải cúi đầu nhận lỗi trước dân làng và nhận bản án thích đáng của pháp luật. Nhiều kẻ “ném đá giấu tay” ẩn náu trong các buôn làng bị vạch mặt, yêu cầu ra trình diện.

Năm 2018, khi nghe tin Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà được điều động ra Hà Nội giữ chức Phó cục trưởng Cục An ninh nội địa, tôi đến chúc mừng ông và lại được nghe ông tâm sự bao điều về “nghề” an ninh, về những kế hoạch mới mà ông cùng Ban lãnh đạo Cục An ninh nội địa đã và đang làm nhằm tham mưu cho Đảng, Nhà nước và Bộ Công an triển khai các mặt công tác, đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, bảo đảm an ninh nội địa, không để xảy ra bị động, bất ngờ. Năm 2022, Thiếu tướng Nguyễn Xuân Hà nghỉ hưu, song ông vẫn đau đáu nghiên cứu về những thách thức an ninh phi truyền thống và giải pháp ngăn chặn để có thể tư vấn cho lớp chiến sĩ an ninh trẻ còn đang công tác.

ĐẶNG TUỆ LÂM