Nhà văn Trung Trung Đỉnh sinh năm 1949; quê ở xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng; tên khai sinh là Phạm Trung Đỉnh. Học hết phổ thông, như bao thanh niên khác, anh gia nhập Quân đội, gắn bó với chiến trường Tây Nguyên. Sau khi tốt nghiệp Trường Viết văn Nguyễn Du khóa 1 (1979-1982), anh về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Từ năm 2000, anh chuyển ngành sang làm Phó tổng biên tập Báo Văn nghệ rồi Giám đốc Nhà xuất bản Hội Nhà văn.

Mỗi nhà văn có một vùng đối tượng thẩm mỹ riêng, với Trung Trung Đỉnh, đó là Tây Nguyên. Anh là một trong số ít nhà văn viết nhiều, viết hay về Tây Nguyên. Sáng tác nổi tiếng về Tây Nguyên sớm nhất của anh là: “Đêm nguyệt thực” (truyện ngắn, 1982); tiếp sau là các tiểu thuyết: “Ngược chiều cái chết” (1989); “Tiễn biệt những ngày buồn” (1990); “Lạc rừng” (giải A Cuộc thi tiểu thuyết của Hội Nhà văn Việt Nam 1998-2000); “Lính trận” (2000); “Sống khó hơn là chết” (2008)... Anh được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.

leftcenterrightdel

Nhà văn Trung Trung Đỉnh.  

“Lính trận” của Trung Trung Đỉnh là một khám phá mới trong thể loại tiểu thuyết. Tác phẩm dày gần 300 trang, đưa người đọc đi theo cuộc hành trình của những người lính miền Bắc vượt Trường Sơn vào Nam đánh giặc. Đó có thể là câu chuyện của chính tác giả-một chàng trai quê Hải Phòng đi thẳng vào chiến trường, may mắn tham gia trận đầu tiên là Plei Me-Ia Đrăng lịch sử. Địa danh Plei Me đi suốt tác phẩm, khắc sâu vào tâm trí người đọc đủ những cung bậc, gam màu của chiến trận. Hai sợi chỉ nội dung xuyên suốt tiểu thuyết là những câu chuyện thánh thiện về tình yêu-như một tất yếu của tuổi trẻ và những cái chết-như một tất yếu của chiến tranh...

Tiểu thuyết kết cấu gồm hai phần: “Đường ra trận” và “Trận Plei Me-Ia Đrăng” cũng là một cách minh họa cho hai tất yếu trên, tạo cho tác phẩm có hai nguồn cảm hứng luôn song hành: Lãng mạn và bi tráng. Nhưng cái mạch ngầm văn hóa Tây Nguyên mới là dòng chảy chính, âm thầm mà bền bỉ, cường tráng mà có phần dữ dội. Phần đầu gây ấn tượng với những mối tình của lính-hầu hết là tưởng tượng của những chàng trai mười tám, đôi mươi chưa biết bàn tay con gái nóng ấm thế nào nhưng cứ bịa ra “y như thật”, để mà vui, để mà chế giễu nhau... theo kiểu “lính”. Nổi lên giữa những trang sách là màu đỏ của máu, màu xanh của khát khao hòa bình và màu tím thi vị của tình yêu. Bạn đọc khó có thể quên chi tiết một nhân vật trong truyện ghi lại tên tuổi những đồng đội đã hy sinh sau một trận đánh. Người trẻ tuổi nhất chỉ vừa đôi tám, người “già” nhất cũng chưa tới 23. Hầu hết trong số họ chưa kịp có nụ hôn đầu...

leftcenterrightdel
 Tác phẩm "Lính trận".

“Lính trận” được trần thuật theo dòng tự truyện, như một thiên hồi ký của nhân vật tôi-Bỉnh còi, một anh lính hậu cần, “tưởng hậu cần chỉ là ở phía sau, ai ngờ cũng phải ra ngay trận địa”. Không chỉ là người chứng kiến, quan sát, người kể cũng là người trực tiếp chịu đựng, đội trên đầu bao tấn vũ khí của giặc suốt ngày đêm. Là một lính trận thực thụ, ra đi từ hậu phương, vào thẳng chiến trường, ra trận và đánh trận, giọng kể của Bỉnh còi cứ hồn nhiên, trong vắt như những tâm hồn trắng trong. Những trải nghiệm cuộc sống quân ngũ, những trò đùa nghịch, những kỷ niệm riêng tư cứ hiện lên trên trang sách, rõ mồn một: “Ngày còn là cậu lính trơn đầu xanh tuổi trẻ, vừa rời ghế nhà trường, tiếng đang vỡ ồm ồm, ria mép lún phún, đi đứng rất ưa khệnh khạng, miệng luôn hát nghêu ngao những bài hát “nhạc vàng”... Đóng quân ở đâu, cánh lính trẻ chúng tôi cũng thích cùng các cô gái làng lén hẹn hò gặp nhau nơi bờ đê, bãi mía, phần lớn chỉ để nói những câu vu vơ, giỏi lắm cũng chỉ nắm được tay, chưa chạm vào người nhau mà toàn thân đã run lên như cầy sấy...”.  

Bỉnh còi và đồng đội vào Tây Nguyên đúng lúc trận Plei Me-Ia Đrăng bắt đầu. Cái sự chứng kiến đầu tiên của họ là không gian chiến trường với một bầu trời như bị nung nóng, “chợt căng phồng lên rồi lại xẹp xuống giữa sự xáo trộn đến khủng khiếp của các loại tiếng nổ”. Cơ man nào là bom. Các loại bom, bom bi rải thảm, bom phá và pháo của ta, của giặc cùng gầm rú... Hầu như “mọi phương tiện chiến tranh của quân đội viễn chinh Mỹ đều được tập trung về đây”. Tiểu thuyết tập trung miêu tả giai đoạn mở đầu chiến dịch cực kỳ khốc liệt. Về phía quân ta, sau chặng đường hành quân (từ Bắc vào) mấy tháng trời, mệt mỏi, ăn uống kham khổ, thiếu thốn nên “nhập cuộc” có phần ngỡ ngàng. Trong khi đó, quân Mỹ, ngoài trang bị hỏa lực hùng hậu còn được yểm trợ tối đa, trung bình 1 lính Mỹ trên chiến trường có 5 lính khác ở tuyến sau hỗ trợ. Sự miêu tả bám sát vào thực tế với kế hoạch tác chiến 3 bước: Vây đồn Plei Me, diệt quân ngụy chi viện, buộc quân Mỹ tham chiến. 3 trung đoàn bộ binh đánh đồn, Bỉnh còi trong đội hình Sư đoàn 320 có nhiệm vụ đánh viện binh địch trên Đường 21...

leftcenterrightdel
 Di tích Chiến thắng Plei Me (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai). Ảnh tư liệu

Miêu tả chiến tranh như nó vốn có, vốn vậy, không tô hồng, không bôi đen, ngay việc chọn điểm nhìn trần thuật là anh lính hậu cần đã làm nổi bật quan niệm ấy. Những câu chuyện về cái ăn hiện lên tự nhiên, rất đời thực. Hay những câu chuyện về tình yêu như là đối trọng, để xua tan cái cực kỳ khốc liệt của bom đạn. Rồi cái hài hước ngộ nghĩnh, rất thật, “không thể bịa” khi miêu tả cách suy nghĩ “thật như đếm” của đồng bào phản ứng với một cán bộ nói “không trúng lỗ tai” rằng “cách mạng đang đi lên”, mà phải nói là “đi xuống” mới đúng, vì “xuống dốc thuận lợi nhiều hơn”, còn “lên dốc” thì mệt, “biết đến bao giờ tới”...

Lối kết cấu ghép mảnh cũng là cách tạo cho tác phẩm thiên về tính tự truyện. Các mảnh ký ức được ghép, nối lại theo mạch suy nghĩ của nhân vật vừa cho thấy cái hiện tại hôm nay vừa nổi rõ cái sự kiện hôm qua. Cũng thật “đắc địa” để miêu tả không gian chiến tranh luôn bị phân tán, triệt tiêu, bị thu hồi, xâm lấn... Cũng là cách để ghép các mảng màu văn hóa Tây Nguyên thành một chỉnh thể của bức tranh sơn mài có tên “lính trận”, nhưng thẳm sâu viễn cảnh là những bóng hình của khu rừng đại ngàn văn hóa Tây Nguyên đậm đà tinh thần sử thi và thổn thức những câu chuyện tình từ xa xưa vọng về.

Vươn ra khỏi tầm một câu chuyện về “lính trận”, tiểu thuyết hướng tới một chủ đề phổ quát: Dưới cái bề nổi của không gian chiến tranh là không gian của những xung đột văn hóa, rõ hơn là xung đột giữa một bên là văn hóa (cuộc kháng chiến cứu nước của nhân dân Tây Nguyên) và một bên là phản văn hóa (quân xâm lược Mỹ và tay sai). Sức mạnh văn hóa là sự hội tụ tinh thần nhân văn từ truyền thống kết hợp với chủ nghĩa yêu nước và tinh thần công lý thời đại nên bao giờ cũng chiến thắng. 

“Lính trận” đã khắc họa hình tượng người lính bằng ngôn ngữ tiểu thuyết sử thi với tất cả phẩm chất của người anh hùng. Là những tâm hồn yêu thương trong vắt, đầy mơ mộng. Là phẩm chất hy sinh một cách tuyệt đối. Miêu tả nhiều hình ảnh cái chết cũng là một cách tôn vinh người lính, đã hy sinh cái đẹp nhất của mình là tuổi trẻ và tình yêu; hy sinh cái quý nhất của mình là xương máu. Có sự hy sinh nào thiêng liêng, lớn lao hơn thế!

PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ