Bữa cơm ở đích cuối cùng!
Nhà thơ Hữu Thỉnh nhiều lần kể lại, Lữ đoàn Xe tăng 203 của anh hành quân đánh giặc từ ngoài Bắc vào theo Đường số 1. Lính ta đoán có thể đây là trận cuối cùng nên ai ai cũng hào hứng. Bài thơ “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” ghi lại rất thật những gì đã diễn ra: “Sáng chiếm núi Bông, chiều cửa Thuận/ Vượt đèo Phước Tượng buổi nhiều mây/ Tăng vẫn dàn theo đội hình chiến đấu/ Xích còn vương đất đỏ Phan Rang”.
Chỉ trong khoảng thời gian “sáng”, “chiều” mà vừa đuổi vừa chiếm các căn cứ địch ở “núi Bông”, “cửa Thuận”, “đèo Phước Tượng”, “Phan Rang”... cho thấy Bộ đội Tăng thiết giáp thực hiện triệt để mệnh lệnh: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam...” do Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp ký ngày 7-4-1975. Họ đã “Bỏ lại đằng sau bao trận đánh/ Kịp vào thành phố sáng tên Người” để có mặt tại Dinh Độc Lập lúc quá trưa ngày 30-4 và “ăn” “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập”.
Với một dân tộc trải qua hàng nghìn năm bị đô hộ, bị giặc giã xâm lăng thì giải phóng là sự kiện lớn nhất, cũng là cảm xúc lớn nhất để trở thành suối nguồn cảm hứng mãnh liệt, mạnh mẽ. Với thi sĩ, ngoài tài năng, còn cần đến may mắn. Sự kiện ngày 30-4 là may mắn lớn cho nhiều nhà thơ tựa vào cái tứ GIẢI PHÓNG mà có những tác phẩm để đời.
Bài thơ của Hữu Thỉnh tựa vững vàng vào cái tứ: Bữa cơm ở đích cuối cùng để nói về tâm trạng người lính trong giờ phút TỰ DO: “Tự do xanh quá, mênh mông quá/ Vượt mấy ngàn bom mới tới nơi”. Thiêng liêng lá cờ cắm trên nóc Dinh Độc Lập là biểu tượng cho TỰ DO sinh động, tươi mới nhất, cũng cảm động nhất: “Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/ Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng/ Ta no cười nói, say đôi mắt...”. Tâm trạng vui say náo nức, nhìn cái gì cũng náo nức, vui say. Trong bối cảnh ấy, tâm trạng ấy, hình tượng “bát canh” quen thuộc cũng vượt kích cỡ thông thường: “Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”. Câu “Độc Lập theo tăng vào cổng chính” chơi chữ tinh tế. “Độc lập” là tính từ chỉ trạng thái làm chủ của một đất nước tự do nhưng được viết hoa nên chuyển sang danh từ chỉ Dinh Độc Lập. Thì ra chỉ từ khi những người lính cách mạng bước vào cổng, dinh ấy mới đúng nghĩa tên gọi “Độc Lập”!
    |
 |
Văn nghệ sĩ Sài Gòn - Gia Định dự lễ mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố, ngày 7-5-1975. Ảnh tư liệu |
Từ những sự vật, hiện tượng bình thường, quen thuộc, nhưng để tương ứng với tầm vóc sự kiện, bằng tài năng thi pháp và những liên tưởng đột xuất, độc đáo, nhà thơ nâng tầm hình tượng mang một vị thế mới, một sức sống mới. Từ chi tiết đời thường là bữa cơm nhưng hình tượng người lính được nâng lên ngang tầm vũ trụ. Đó phải là tài năng. Hàng cây vốn uy nghi mang tính biểu tượng trong Dinh Độc Lập được nhìn như những đôi đũa để bộ đội ta “so” trước khi ăn: “Hàng cây so đũa cùng ta đó”. Chi tiết “anh nuôi bận” vì còn “chia thêm” thức ăn cho “tổng-thống-ngụy-đầu-hàng” đưa hình tượng người lính bước vào không gian văn hóa của vẻ đẹp nhân văn, tình người cao cả. Bữa cơm này đi vào lịch sử được hiểu là bữa cơm tinh thần, mang ý nghĩa và giá trị văn hóa.
“Mắc võng ở Sài Gòn”
“Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” của Hữu Thỉnh đi theo hướng kỳ vĩ hóa cái bình thường, thì “Mắc võng ở Sài Gòn” của Anh Ngọc lại theo hướng khai thác sâu vào cái vốn đã bình thường, nhưng chính từ sự thông thường, nhỏ bé ấy lại làm bạn đọc hình dung ra chiều kích lớn lao của hình tượng những con người làm nên lịch sử.
Theo chính lời nhà thơ kể lại, cuối tháng 1-1975, Báo Quân đội nhân dân cử 9 phóng viên đi chiến trường. Tổ “tam tam” gồm nhà thơ và hai phóng viên Hà Đình Cẩn, Trần Hữu Tòng. Càng vào sâu, được chứng kiến các đơn vị hành quân vào Nam giải phóng, dự cảm chiến tranh sắp kết thúc càng lớn dần. Đất nước thống nhất chỉ còn tính bằng ngày. Dừng lại ăn Tết ở Ngã ba Đông Dương, đi bộ 15 ngày đến Bình Thuận rồi chia ra các hướng. Tối 18-4, hành quân theo bộ đội chủ lực của Quân đoàn 2 để sáng hôm sau vào giải phóng thị xã Phan Thiết (19-4).
Khoảng 10 giờ sáng 30-4, nghe tin Sài Gòn sắp giải phóng, họ nhảy ô tô của Bộ đội Phòng không để đến chiều tối 1-5 ở giữa Sài Gòn. Đêm ấy là một đêm không thể quên. Bài thơ ra đời đúng với những gì nhà thơ nhận thấy, cảm thấy: “Lần đầu về với Sài Gòn/ Loay hoay tìm nơi mắc võng/ Nhìn bốn bức tường nhẵn bóng/ Thương tình chẳng nỡ đóng đinh/ Suốt đêm nằm không trở mình/ Hai đầu võng treo song cửa/ Mơ màng nửa thức nửa ngủ/ Bâng khuâng nửa phố nửa rừng/ Ru anh như chiếu như giường/ Đệm chăn đầu không bén gối/ Trong mơ chợt nghe tiếng suối/ Mở mắt quạt trần đang quay”.
    |
 |
Nhà thơ Anh Ngọc (bên trái) tại Sài Gòn, đầu tháng 5-1975. Ảnh tư liệu
|
Vẫn theo nhà thơ, lúc đầu mắc võng ở vườn hoa, vừa quen với không gian (ngủ rừng) vừa ngắm cảnh bầu trời Sài Gòn tự do về đêm. Nhưng trời đổ mưa nên phải vào phòng. Cái “loay hoay” là rất thật, vừa không quen, vừa bị động. Cái “chẳng nỡ đóng đinh” cũng rất thật. Hơn ai hết, là những người từng vào nơi sống chết trên chiến trường nên rất trân trọng sự sống, trân trọng sự bình yên. Bức tường nhẵn bóng kia, lúc này, với người lính như là biểu tượng cho sự bình yên ấy, cao hơn, còn là biểu tượng cho cái đẹp đời thường. Thế nên, chẳng nỡ làm nó bị “đau”. Cuối cùng cũng tìm được hai nơi song cửa làm hai đầu võng. Cũng là một logic tâm trạng tất yếu, hòa bình đã về, niềm vui tưng bừng phơi phới, sao mà ngủ được, chỉ là “nửa thức nửa ngủ”. Có chợp mắt thì lại “chợt nghe tiếng suối”. Cũng dễ hiểu, anh lính nghe thấy “tiếng suối” là do âm thanh của “quạt trần đang quay”. Nhưng trong thẳm sâu tâm thức, là do gợi nhớ về ngày hôm qua gian khổ, nhớ về từng địa danh, từng đồng đội, từng đồng bào...
Nhờ có ngày hôm qua mới có thắng lợi hôm nay. Nghệ thuật là vậy, khi được tiếp nhận thì tác phẩm có một đời sống riêng độc lập với tác giả. Bài thơ bật ra một ý nghĩa phổ quát rộng rãi mà có thể tác giả chưa hề nghĩ tới: Ca ngợi vẻ đẹp nhân văn của anh lính Cụ Hồ. Là bài học đạo lý: Trong cái sung sướng hôm nay hãy nhớ về cái hôm qua với bao kỷ niệm gian nan, vất vả... Chỉ có thể bay cao, bay xa khi có điểm tựa vững vàng. Điểm tựa ấy là quá khứ vẻ vang thật đáng tự hào!
Sáng mãi “Mặt trời tháng Tư”
“Ăn quả nhớ người trồng cây”, “uống nước nhớ nguồn” là đạo lý tốt đẹp của dân tộc. Ngay trong những ngày lịch sử đó đã có nhiều tiếng thơ như thầm nhắc thế hệ sau về trách nhiệm, nghĩa vụ và bổn phận, hãy học tập, lao động, cống hiến sao cho xứng đáng với cha anh.
May mắn đã ở Nha Trang trong ngày 30-4-1975, cảm hứng về chiến thắng đã giúp nhà thơ Ý Nhi có bài thơ hay “Mặt trời tháng Tư”. Niềm vui luôn có nhu cầu chia sẻ. Tưởng tượng ra Sài Gòn lúc này: Mặt trời giải phóng đang tỏa sáng, chị chia vui với con, cũng là dặn con và dặn bao người nhớ về thời khắc lịch sử thiêng liêng: “Con hãy nhớ về hôm nay/ để hiểu mẹ cha/ để lòng yêu đất nước/ gian nan bao tháng ngày/ cho đoàn viên thống nhất”. Câu chữ thì khép lại nhưng lại mở ra không gian sáng lòa: Tự do. Hình tượng “mặt trời” tỏa sáng rực rỡ nâng tầm ý nghĩa chiến thắng của chân lý chính nghĩa, cũng là đạo lý Việt Nam: “Giữa bạn bè/ giữa bao miền đất/ là Sài Gòn cháy rực/ một mặt trời tháng Tư”. “Mặt trời tháng Tư” sẽ còn soi sáng mãi cho tương lai, cho mọi chân trời góc bể, xua đi bóng tối của các thế lực hắc ám, phi nghĩa!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ