Là sự kết tinh những trải nghiệm thực tế của người viết trên chiến trường trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 320, từ Quảng Trị, Nam Lào, Tây Nguyên... sách được đưa ngay ra chiến trường và được đón nhận nồng nhiệt, được đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam, gây sự chú ý của dư luận. Nhà văn kể lại: “Giữa năm 1971, sau Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, tôi cùng đồng đội hành quân vào Tây Nguyên. Đường giao thông chiến lược lúc này chưa thông, bộ đội phải hành quân bộ ròng rã mấy tháng trời... Gạo để dành cho thương binh nên bộ đội thiếu lương thực, đói ăn thường xuyên. Suốt một thời gian dài, tôi cùng đồng đội phải ăn sắn qua ngày. Cái đói chưa hết, bệnh tật cũng không tha. Sốt rét triền miên khiến nhiều đồng đội của tôi không trụ được. Tôi cũng trải qua đợt sốt rét tới trọc đầu, may là mình khỏe mạnh. Ai có bệnh mãn tính khó qua khỏi...”. Nhà văn từng thổ lộ không tài nào nhớ nổi bao lần cận kề cái chết, đánh trận xong “mới biết mình còn sống”.
Tác phẩm đầu tiên có tiếng vang của Khuất Quang Thụy là bài ký sự “Lửa và thép” trong đợt anh tham gia trại sáng tác tại chiến trường Bắc Quảng Trị năm 1971. Ngay sau đó, bài ký được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội (tháng 11-1971). Là một người lính trinh sát có năng khiếu viết, được cấp trên điều sang làm nhiệm vụ phóng viên chiến trường, từ đó, anh chuyên viết về đời lính với những câu chuyện người thật, việc thật. Những ký sự nóng hổi từ chiến trường Tây Nguyên nhanh chóng được chuyển ra Bắc và in ngay. Sau đó, anh viết thêm nhiều bài ký đặc sắc khác để có tập sách như đã nói ở trên.
Có hướng viết riêng cùng sự đam mê sáng tác, lại đầy vốn sống, ngòi bút Khuất Quang Thụy tràn vào cả các thể loại truyện ngắn, thơ, kịch bản chèo... Truyện ngắn “Hương chè”, bài thơ “Hoa trên đường” được bộ đội tìm đọc, hoan nghênh. Tác giả được nhận giải thưởng ở các hội diễn và cuộc thi sáng tác thơ văn ngay trên chiến trường Tây Nguyên. Chiến đấu ở chiến trường gian khổ, không có giấy bút hay điều kiện thuận lợi để sáng tác, anh cùng đồng đội đã tận dụng những thân cây làm giấy viết: “Chúng tôi thường làm báo tường ngay trong hầm chiến đấu. Chẳng hạn, ở Sư đoàn 320, trong những trận đánh tại dãy cao điểm Tây sông Pô Kô, anh em đã có sáng kiến chặt cây bầu, bổ ra và viết lên đó những sáng tác của mình”.
    |
 |
Nhà văn Khuất Quang Thụy. Ảnh: NGUYÊN THANH |
Sinh năm 1950 tại huyện Phúc Thọ (nay thuộc Hà Nội), ngay sau khi tốt nghiệp phổ thông (năm 1967), Khuất Quang Thụy nhập ngũ và trưởng thành gắn liền với chiến trường Tây Nguyên. Năm 1976, anh được cử về Trại sáng tác văn học của Tổng cục Chính trị, học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I, sau đó về Tạp chí Văn nghệ Quân đội làm biên tập viên, Trưởng ban Văn xuôi rồi Phó tổng biên tập. Rời áo lính, anh làm Tổng biên tập Báo Văn nghệ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Anh được nhận Giải thưởng Văn học Bộ Quốc phòng năm 1984, 2004; Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.
Từ quan niệm của người lính trực tiếp cầm súng: “Những hy sinh trong chiến tranh không thể đo đếm được. Lính chiến chúng tôi có câu: “Còn sống là có lãi rồi”. Ít người sau này có cơ hội trở thành người viết văn để viết lại những ngày tháng đó. Bởi thế, những người như tôi cố gắng viết được càng nhiều càng tốt”, chỉ mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc, nhà văn Khuất Quang Thụy đã hoàn thành cuốn tiểu thuyết đầu tiên “Trong cơn gió lốc” (in năm 1980) có bối cảnh Chiến dịch Tây Nguyên, được phát hành với số lượng kỷ lục (50.000 bản). Tác phẩm cũng mở ra một hướng viết mới của riêng tác giả, cũng là của tiểu thuyết sử thi nói chung: Đưa chất liệu đời thường vào tác phẩm.
Đầu năm 1975, quân ta nghi binh đẩy quân giặc ở Tây Nguyên vào thế bị mắc lừa, để hở cả một vùng cao nguyên phía Nam rộng lớn, trong đó có thị xã Buôn Ma Thuột. Trung đội Gió lốc hành quân chiến đấu trong đội hình của Trung đoàn 6 (Lê Thuần làm Trung đoàn trưởng) tham gia chiến dịch với hướng chính diện Buôn Ma Thuột. Những trận giao tranh nảy lửa, những hy sinh lớn lao của bộ đội, trong đó có Trung đội Gió lốc được tác giả tái hiện với cái nhìn, tâm thế, tư thế của người trong cuộc, vừa có cái bộn bề, ngổn ngang, dở dang, phức tạp của sự kiện, vừa đậm chất lý tưởng của một thời cả dân tộc đoàn kết thành một khối thống nhất tạo ra sức mạnh vô địch để đánh đuổi quân xâm lược.
Tạo điểm nhìn là một nghệ thuật quan trọng của tiểu thuyết nói chung, để linh hoạt hướng ra không gian bên ngoài hay đi sâu vào thế giới nội cảm bên trong. “Trong cơn gió lốc” có một điểm nhìn tối ưu để trần thuật một cách trung thực, khách quan. Giữa lúc chiến sự căng thẳng, vì quá lo lắng, Mai-nữ sinh luật khoa đi nhờ máy bay (quân ngụy) của Đại úy Thuận lên cao nguyên thăm anh ruột là Thiếu tá Quang.
Với cái nhìn vô tư, hồn nhiên của cô gái, cảnh sắc không gian núi rừng Tây Nguyên thật nên thơ, lạ lẫm. Là người có học, biết phân tích những lẽ phải trái, lại trực tiếp chứng kiến những cảnh cướp bóc, hãm hiếp phi nhân tính, bản thân suýt bị ngụy quân làm nhục nếu Quân giải phóng không kịp thời tràn vào, Mai dần nhận ra bản chất đội quân tay sai ô hợp, phản động. Theo sự xô đẩy bởi những tình huống căng thẳng, điểm nhìn nhân vật mở ra những không gian mới từ Pleiku, theo dòng người tản cư về Nha Trang...
“Trong cơn gió lốc” có nhiều chi tiết miêu tả các trận đánh tiêu diệt quân ngụy sinh động nhưng nổi bật ở những chi tiết tạo tình huống gặp gỡ. Sau 20 năm chưa biết mặt, Thuần gặp được con trai-một đại đội trưởng bộ đội địa phương, rồi gặp được vợ (Tư An) đang là một Tỉnh ủy viên. Mô típ phổ biến trong văn xuôi viết về chiến tranh là chia ly, nhưng ở đây lại là gặp gỡ, như một tín hiệu thẩm mỹ chiến tranh sắp kết thúc, đoàn tụ sắp đến. Đúng lúc đó, Thuần bàng hoàng nghe tin con trai hy sinh. Không chỉ lên án sự tàn bạo của chiến tranh, chi tiết ấy nói lên sự hy sinh vô cùng lớn lao của người lính. Khát vọng lớn nhất của họ là hòa bình của dân tộc.
    |
 |
Bìa tiểu thuyết "Trong cơn gió lốc". |
Được kết cấu theo mô hình cuộc hành quân truy kích địch của một đơn vị mũi nhọn tham gia chiến dịch-Trung đội Gió lốc của Mánh, tiểu thuyết có hơi văn nóng hổi, mạch văn mạnh mẽ, nhịp điệu dồn dập, chi tiết tươi nguyên, tất cả như còn vương mùi khói súng của không gian chiến trận. Một sự đối lập triệt để về hình ảnh, âm thanh của tàn quân ngụy hỗn loạn, trái ngược hẳn với khí thế dũng mãnh của những cơn “gió lốc” Quân giải phóng. Đây không chỉ là khởi đầu thành công của tác giả mà còn là khởi đầu thành công nói chung của tiểu thuyết về đề tài chiến tranh và người lính sau 1975, ở chỗ sớm có ý thức miêu tả không gian chiến trường đúng với chính nó, không “tô hồng”, không “bôi đen”.
Bên cạnh Tiểu đội trưởng Hưng nhanh nhẹn, thông minh, đậm chất lý tưởng bay bổng, lãng mạn là Trung đội trưởng Mánh thô mộc, xuề xòa của người nông dân xứ Bắc với phong cách ngôn ngữ đời thường. Nhân vật bày tỏ cảm xúc, suy nghĩ một cách tự nhiên trong hoàn cảnh vô cùng ác liệt của chiến tranh, không hề là sự “nói thay” cho tác giả hay cho một “nghị quyết” nào đó. Bên cạnh những hành động sẵn sàng xông pha vào nơi nguy hiểm nhất, chiến đấu anh dũng, sẵn sàng hy sinh, những người lính (Hưng, Mánh...) cũng không thiếu những giây phút nao núng, hoảng hốt, lo sợ... Đây chính là cơ sở để tạo ra một giọng điệu riêng đa âm, đa sắc thái, phá vỡ tính đơn giọng sử thi ở giai đoạn trước đó.
Chiến trường Tây Nguyên đã tạo nên nhà văn tên tuổi Khuất Quang Thụy, đến lượt lịch sử Chiến dịch Tây Nguyên phải “cảm ơn” nhà văn đã tái hiện không khí chiến trận thời đó một cách trung thực, sinh động qua những trang viết đầy ắp chất sống. Thế nên, tác phẩm cũng là đối tượng khảo sát của các nhà sử học, không chỉ tìm hiểu bối cảnh mà còn tìm thấy ở đó những suy nghĩ, quyết tâm, có cả những băn khoăn của người lính chiến. Có một nguyên lý sáng tác: “Sống đã rồi hãy viết”, thật đúng với nhà văn, để rồi sau này có một bộ sách nhà văn-chiến sĩ thời đánh Mỹ. Khuất Quang Thụy sẽ xứng đáng chiếm một số trang không nhỏ!
Khi bài báo này chuẩn bị lên khuôn, chúng tôi được tin nhà văn Khuất Quang Thụy vừa qua đời ngày 5-3-2025. Bài viết như một nén tâm nhang xin được gửi tới nhà văn!
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ