Hồ Học Lãm sinh năm 1884, tại xã Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Bố ông là Hồ Bá Trị-một nghĩa binh hy sinh trong Phong trào Cần Vương; bác ruột là Hồ Bá Ôn-Án sát tỉnh Nam Định, hy sinh trong cuộc chiến giữ thành Nam Định năm 1883. Hồ Học Lãm được thừa hưởng truyền thống của gia tộc, sớm hình thành trong mình chí khí yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Năm 1906, ông quyết định xuất dương sang Nhật. Ngày lên đường, Hồ Học Lãm nhập tâm lời dặn dò của mẹ: “Con xuất dương là để sau này rửa nhục mất nước. Chuyến đi sẽ gặp nhiều khó khăn nhưng không được bỏ việc giữa đường; không được phản bội gia đình, dòng tộc, phản bội đất nước...”.
Sang đến Nhật Bản, Hồ Học Lãm may mắn được gặp Phan Bội Châu và được cụ Phan giới thiệu vào học tại Trường quân sự Chấn Võ. Nhằm che giấu tung tích, ông đổi tên là Hồ Minh Sơn. Tại đây, vừa học tập, Hồ Minh Sơn vừa tích cực hoạt động trong Phong trào Đông du của cụ Phan. Không may, khi ông chưa kịp mãn khóa thì tất cả số học viên người Việt theo học tại Trường quân sự Chấn Võ đều bị Chính phủ Nhật trục xuất. Trong lúc phần lớn học viên về nước thì Hồ Học Lãm quyết định đi theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc. Nhận thấy con người này có hoài bão và tiềm ẩn một tài năng quân sự nên Phan Bội Châu tiếp tục giới thiệu Hồ Học Lãm vào học tại Trường quân sự Bảo Định-một ngôi trường danh giá chuyên đào tạo sĩ quan cho quân đội của Tôn Trung Sơn. Năm 1911, Hồ Học Lãm tốt nghiệp đúng vào lúc cuộc Cách mạng Tân Hợi ở Trung Quốc bùng nổ, gây ra nhiều xáo trộn trên chính trường Trung Hoa Dân Quốc. Tại đây, năm 1912, Việt Nam Quang phục hội-tổ chức cách mạng do Phan Bội Châu đề xướng được thành lập với mục đích đánh đuổi thực dân Pháp khỏi Đông Dương. Trên cương vị là Ủy viên Ban huấn luyện của tổ chức cách mạng này, Hồ Học Lãm đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc biên soạn “Việt Nam Quang phục phương lược quân”-một văn kiện quân sự có giá trị, được xem là cương lĩnh hoạt động của phong trào yêu nước và cách mạng do Phan Bội Châu khởi xướng, lãnh đạo. Là một trong những thành viên tích cực của Việt Nam Quang phục hội, nhưng vì tính đến lợi ích lâu dài của tổ chức nên cụ Phan thuyết phục Hồ Học Lãm tiếp tục khoác áo sĩ quan trong quân đội của Tôn Trung Sơn.
Thời gian hoạt động trong quân đội Trung Hoa Dân Quốc, Hồ Học Lãm đã nghiên cứu, đúc kết và cho ra đời gần 40 luận văn quân sự có giá trị, đăng tải trên Binh sự tạp chí. Nổi tiếng trong số đó có luận văn “Dụng binh quý nhất ở chủ động”. Theo ông, với người chỉ huy, “lúc thời bình cần phải có mưu lược toàn cục, động viên toàn dân có lòng yêu nước nồng nhiệt thật sự, rèn luyện tư tưởng quân sĩ có khí tiết. Đã xuất quân thì phải chiến đấu như phong ba bão táp, dốc hết tinh thần, lực lượng đánh địch, chỉ tiến không lùi”. Với người quân nhân, “cần phải có các tố chất như lòng yêu nước, lễ nhượng, chuộng vũ dũng, trọng tín nghĩa, tiết kiệm, giản dị và trọng danh dự”.
Bằng tài năng quân sự được thể hiện cả trong hoạt động lý luận và thực tiễn của mình, Hồ Học Lãm đã chiếm được lòng tin của Tưởng Giới Thạch. Ông được điều về Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu quân đội Quốc dân Đảng, bổ nhiệm làm Tham nghị (giống như cố vấn) cho Tưởng Giới Thạch. Đây là cơ hội tốt để Hồ Học Lãm tạo được vỏ bọc chắc chắn. Qua đó có thể thu thập được nhiều thông tin cơ mật cung cấp cho các tổ chức cách mạng của ta hoạt động ở Trung Quốc và cho cả cách mạng Trung Quốc.
Những năm 20 của thế kỷ trước, có rất nhiều người Việt Nam yêu nước sang Trung Quốc, Hồ Học Lãm đã cưu mang, đùm bọc, bảo vệ, giúp đỡ họ học tập và hoạt động. Gia đình ông trở thành một cơ sở tin cậy, nơi lui tới thường xuyên của những cán bộ cách mạng đang theo học tại Trường quân sự Hoàng Phố như: Lê Hồng Phong, Hoàng Sâm, Lê Hồng Sơn... Nhờ thiết lập được mối quan hệ tin cậy với nhiều quan chức cấp cao trong quân đội Quốc dân Đảng mà Hồ Học Lãm đã xin cho Lê Thiết Hùng, người được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc phái đến hoạt động ở Nam Kinh một chân trong quân đội Quốc dân Đảng. Dưới vỏ bọc sĩ quan và hoạt động ở Bộ Tổng Tham mưu quân đội Quốc dân Đảng, Hồ Học Lãm và Lê Thiết Hùng đã được tiếp xúc với nhiều tài liệu cơ mật, kịp thời cung cấp cho tổ chức những thông tin rất có giá trị. Đầu năm 1930, được tin Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, từ Nam Kinh, Hồ Học Lãm đáp tàu xuống Thượng Hải tìm gặp Nguyễn Lương Bằng bày tỏ nguyện vọng: “Phong trào ở nhà cao như thế, nếu Đảng cần, xin cho tôi được về nước cầm quân đánh Pháp”...
Đầu năm 1936, Hồ Học Lãm cùng với một số nhà yêu nước Việt Nam chân chính thành lập tổ chức Việt Nam độc lập vận động đồng minh hội. Tại đại hội thành lập hội được tổ chức ở Nam Kinh, Hồ Học Lãm được bầu làm Chủ tịch hội.
Cuối năm 1937, quân Nhật đánh chiếm Nam Kinh, Hồ Học Lãm cùng gia đình phải theo Bộ Tổng Tham mưu quân đội Quốc dân Đảng về Trùng Khánh. Tại đây, ông gặp lại lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khi Người vừa từ Liên Xô tới Diên An và tiếp tục được Nguyễn Ái Quốc giao cho nhiều nhiệm vụ quan trọng. Năm 1940, chính Hồ Học Lãm đã cung cấp cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhiều tài liệu về những âm mưu mới của Nhật và chính quyền Tưởng Giới Thạch đối với Việt Nam, trong đó có bản kế hoạch “Hoa quân nhập Việt”. Nhiều lần, ông từng cảnh báo cho các yếu nhân của Đảng phải hết sức cảnh giác với âm mưu của quân Tưởng, đặc biệt là kế hoạch “Hoa quân nhập Việt” của chúng. Nhằm hợp thức hóa việc tồn tại và dễ bề hoạt động cho tổ chức Việt Nam độc lập đồng minh hải ngoại, theo đề xuất của Hồ Học Lãm, Đảng đã thành lập “Biện sự xứ” và giao cho Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm, Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng) làm Phó chủ nhiệm.
Cuối tháng 11-1940, đồng chí Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ chuyển về Tĩnh Tây để chuẩn bị về nước hoạt động. Tại đây, Hồ Học Lãm đã che chở, nhiệt tình giúp đỡ, làm cầu nối để Võ Nguyên Giáp và một số cán bộ của Đảng có cơ hội tiếp xúc, làm quen, khai thác thêm thông tin của Quốc dân Đảng. Trong hồi ký, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhắc “ông Hồ Học Lãm, một người Việt Nam có tinh thần yêu nước, làm võ quan trong quân đội Quốc dân Đảng đã viết thư giới thiệu chúng tôi với Lý Tế Thâm, Chủ nhiệm Tây Nam hành dinh của Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi lấy tư cách là những người của Việt Nam giải phóng đồng minh để giao dịch với Lý. Lý Tế Thâm hứa sẽ giúp đỡ cách mạng Việt Nam...”.
Năm 1941, Hồ Học Lãm quyết định chuyển về Quế Lâm, nơi có nhiều nhà cách mạng Việt Nam thường xuyên từ trong nước qua lại hoạt động. Tháng 3 năm đó, tại đại hội thành lập Việt Nam dân tộc giải phóng đồng minh hội tổ chức ở Tĩnh Tây, Hồ Học Lãm được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mời tham dự với tư cách là một nhà yêu nước lão thành, Hội trưởng Hội Việt Nam độc lập đồng minh hải ngoại. Mặc dù thời gian này đang bị bệnh nặng, không thể đến dự, song Hồ Học Lãm đã gửi đến đại hội một bức thư đầy tâm huyết, trong đó thông qua hoạt động thực tiễn của mình, ông đã đúc kết 3 kinh nghiệm có giá trị, đồng thời cũng là 3 đề xuất ông muốn gửi gắm cho Đảng: “Một là, muốn đánh đuổi được đế quốc Pháp-Nhật thì công việc trọng yếu là tuyên truyền tổ chức, vũ trang dân chúng, chuẩn bị khởi nghĩa, từ khởi nghĩa ở từng địa phương tiến lên khởi nghĩa toàn quốc. Cuộc cách mệnh không phải là một vật đem ở ngoài vào được, chúng ta phải căn cứ vào sức lực của dân chúng. Cách mệnh là ở đó, sự thắng lợi là ở đó. Hai là, vấn đề tranh thủ ngoại viện. Ngoại viện có thể giúp chúng ta chiến thắng kẻ thù mau hơn và dễ hơn, chứ không thể thay thế cho sức lực toàn dân của chúng ta được. Tôi biết chắc dẫu Trung Quốc có sẵn lòng với chúng ta đến mấy, nếu chúng ta không có thực lực thì họ cũng khó lòng mà giúp đỡ. Vậy chúng ta phải chú trọng trước nhất là thực lực của chúng ta và không bao giờ quên câu: Tự lực cánh sinh. Ba là, nhất thiết phải đoàn kết; có đoàn kết mới có lực lượng. Cơ hội này rất tốt cho chúng ta. Chúng ta phải cùng nhau bước lên con đường tranh đấu”.
Cuối năm 1942, nhận được tin Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, nhưng lúc này bệnh tình của ông chuyển biến xấu, sức khỏe rất yếu. Biết là thời gian không còn nhiều, Hồ Học Lãm đã căn dặn hai con gái là Hồ Diệc Lan và Hồ Mộ La rằng: “Hồ Chí Minh chính là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hai con phải đi tìm và bằng mọi cách giải cứu cho Hồ Chí Minh thoát hiểm”. Nỗi lo chưa được giải tỏa thì ngày 12-4-1943, Hồ Học Lãm qua đời, hưởng thọ 60 tuổi. Vợ ông-bà Ngô Thị Khôn Duy cùng hai con gái Hồ Diệc Lan và Hồ Mộ La (sau này được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử người đón về nước) đều là những người hoạt động tích cực trong hàng ngũ của Đảng.
PGS, TS TRẦN NGỌC LONG