Cách mạng miền Nam sau Hiệp định Geneva

Sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ, Hiệp định Geneva đã được ký kết. Tuy nhiên, Mỹ là nước tham dự và có tiếng nói quan trọng tại hội nghị nhưng lại không ký văn bản hiệp định mà chỉ ra một bản thông cáo ghi nhận. Đây chính là bước chuẩn bị của Mỹ để tiến tới phá hoại hiệp định, hất cẳng Pháp, nhảy vào Đông Dương, thực hiện mô hình chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam Việt Nam.

Thực hiện mưu đồ xâm lược, Mỹ đã đưa Ngô Đình Diệm về làm Thủ tướng trong chính quyền Bảo Đại. Ngày 23-10-1955, Diệm tổ chức cuộc trưng cầu dân ý nhằm phế truất Bảo Đại. Sau cuộc trưng cầu dân ý “bằng họng súng”, Ngô Đình Diệm trở thành Tổng thống của chính quyền ngụy Việt Nam Cộng hòa-một thuộc địa kiểu mới của Mỹ.

leftcenterrightdel

Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (khóa II) do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì, họp tại Hà Nội vào tháng 1-1959.           

Ảnh: baotanglichsu.vn

Sau khi lực lượng kháng chiến tập kết ra miền Bắc, ở miền Nam, tương quan lực lượng trở nên bất lợi cho ta. Ta tuy có lực lượng quần chúng đông đảo nhưng không còn LLVT, không có vũ khí, không có chính quyền. Trong giai đoạn 1956-1958, Đảng Lao động Việt Nam đề ra chủ trương chuyển từ đấu tranh vũ trang chống Pháp sang đấu tranh chính trị đòi thi hành hiệp định. Lợi dụng những khó khăn cũng như chủ trương đấu tranh hòa bình của Đảng ta, Mỹ-Diệm đã ra sức thi hành chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” để tiêu diệt lực lượng cách mạng, trả thù những người kháng chiến cũ, đàn áp những người đòi thi hành hiệp định. Chúng cũng tìm mọi cách mua chuộc, lôi kéo những kẻ cơ hội, hèn nhát về làm tay sai, chỉ điểm cho chúng, hòng đánh phá lực lượng cách mạng từ bên trong. Chúng tiến hành nhiều cuộc càn quét quy mô lớn như Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu (từ tháng 5-1956 đến tháng 2-1957) ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ, Chiến dịch Trương Tấn Bửu (từ tháng 7-1956 đến tháng 2-1957) tại miền Đông Nam Bộ. Chúng cũng đàn áp đẫm máu các cuộc đấu tranh của đồng bào...

Bị đánh phá bằng mọi lực lượng, mọi hình thức, lực lượng cách mạng bị tổn thất nặng nề. Chỉ trong 4 năm (1955-1959), cả miền Nam tổn thất số lượng cán bộ, đảng viên rất lớn. Sự dã man của kẻ thù đẩy nhân dân miền Nam vào cảnh “tức nước vỡ bờ”, yêu cầu vũ trang tự vệ chống địch khủng bố ngày càng trở nên cấp bách. Tuy nhiên, lúc này, Trung ương chưa có chủ trương chuyển bước đấu tranh. Đảng viên và đồng bào miền Nam vẫn thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị về việc đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Geneva. Nhu cầu nổi dậy của quần chúng ngày càng lớn, nhưng với ý thức kỷ luật và lòng tin yêu dành cho Đảng, họ nóng lòng mong đợi chỉ thị chính thức của Trung ương.

Sống trong “tâm bão”, chứng kiến sự tàn ác của kẻ thù, những tổn thất nặng nề của lực lượng cách mạng và ý nguyện sẵn sàng chiến đấu của nhân dân, đồng chí Lê Duẩn thấy rõ chủ trương đấu tranh hòa bình không còn phù hợp, nhất là khi thời hạn tổng tuyển cử vào tháng 7-1956 đã qua đi. Sau hơn hai năm khảo sát thực tế, tháng 8-1956, đồng chí Lê Duẩn cho ra đời “Đường lối cách mạng miền Nam Việt Nam”, sau đổi thành “Đề cương cách mạng miền Nam” với quan điểm: Nhân dân ta ở miền Nam chỉ có một con đường để cứu nước và tự cứu mình. Đó là con đường cách mạng. Ngoài con đường đó, không còn con đường nào khác.

leftcenterrightdel
Tỉnh ủy Quảng Nam học tập Nghị quyết 15, năm 1959. 

Tiến trình ra đời Nghị quyết 15

Quá trình xác định đường lối cách mạng miền Nam diễn ra rất khó khăn khi Trung ương phải cân nhắc giữa hai phương pháp thống nhất nước nhà: Đấu tranh hòa bình và đấu tranh vũ trang. Bản “Đề cương cách mạng miền Nam” của đồng chí Lê Duẩn với chủ trương tiến lên đấu tranh vũ trang được gửi ra Trung ương từ tháng 8-1956, nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10 mở rộng (từ ngày 25-8 đến 5-10-1956), ta vẫn chủ trương đấu tranh thống nhất bằng phương pháp hòa bình, đấu tranh pháp lý. Trong khi đó, ở miền Nam, sự tàn sát của Mỹ-Diệm đối với đồng bào, chiến sĩ ngày càng dã man, khiến cho không khí xã hội trở nên ngột ngạt, sự căm phẫn trong nhân dân ngày càng lên cao...

Tuy nhiên, chủ nghĩa thực dân mới mà Mỹ thi hành ở miền Nam Việt Nam là một hiện tượng mới mẻ mà ta chưa thể hiểu rõ bản chất của nó trong “một sớm, một chiều”. Miền Bắc đang tiến hành “sửa sai” sau cải cách ruộng đất. Trong phong trào cộng sản thế giới đang tồn tại quan điểm hòa hoãn với phương Tây. Trước bối cảnh hết sức phức tạp đó, việc đưa ra đường lối về cách mạng miền Nam là vô cùng khó khăn, đòi hỏi sự thận trọng cao độ. Vì thế, bản “Đề cương cách mạng miền Nam” đã chỉnh sửa gần 30 lần, nhưng khi đưa ra thảo luận tại Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng), khóa II, đợt 1 (tháng 1-1959), nghị quyết vẫn chưa được thông qua. Trong khi Trung ương còn đang cân nhắc, thảo luận rất căng thẳng thì ở miền Nam, ngày 6-5-1959, chính quyền ngụy Sài Gòn thông qua Luật 10/59 về việc thành lập “tòa án quân sự đặc biệt” để sát hại những người cộng sản. Chúng lê máy chém đi khắp miền Nam với phương châm “giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Sự phẫn uất của đồng bào đã lên đỉnh điểm nên chỉ trong tháng 6-1959, Xứ ủy Nam Bộ gửi 3 bức điện cho Trung ương, trong đó nhấn mạnh: “Sự đàn áp khốc liệt của địch làm cho nhân dân Nam Bộ không còn con đường nào khác phải vùng lên chống lại đế quốc Mỹ và tay sai”. Cuối cùng, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 đợt 2 (từ ngày 10 đến 15-7-1959) đã thông qua nghị quyết. Trong đó xác định rõ: Miền Nam đã trở thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ. Chính quyền Ngô Ðình Diệm là chính quyền tay sai của đế quốc Mỹ, chế độ thực dân và nửa phong kiến ở miền Nam là một chế độ phản động, tàn bạo và đen tối.

Nghị quyết nhấn mạnh: Nhiệm vụ cơ bản là giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Nhiệm vụ trước mắt là đoàn kết toàn dân, kiên quyết đấu tranh chống đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến, đánh đổ tập đoàn thống trị độc tài Ngô Ðình Diệm-tay sai của đế quốc Mỹ, thành lập một chính quyền liên hợp dân tộc dân chủ ở miền Nam. Đặc biệt, Nghị quyết 15 của Đảng đã tạo ra bước ngoặt lớn về phương pháp cách mạng khi quyết định: Lấy sức mạnh của quần chúng, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với LLVT để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân.

Khẳng định vai trò của đấu tranh vũ trang, nghị quyết cũng dự kiến khả năng phát triển của cách mạng miền Nam là chuyển từ khởi nghĩa từng phần giành chính quyền sang “chiến tranh trường kỳ giữa ta và địch”. 

leftcenterrightdel
Phong trào Đồng Khởi lan rộng khắp miền Nam sau Nghị quyết 15. Ảnh tư liệu 

Sau hội nghị, nghị quyết vẫn chưa được phổ biến ngay ở miền Nam. Ngày 25-9-1959, Bộ Chính trị tiếp tục chỉ đạo Xứ ủy Nam Bộ: Quá trình giải phóng dân tộc phải tiến lên đấu tranh vũ trang, nhưng hiện nay chưa phải là phát động chiến tranh du kích, dù là cục bộ. Trước yêu cầu phải vũ trang cấp bách để bảo vệ lực lượng, tháng 10-1959, Xứ ủy Nam Bộ lại kiến nghị: Chính sách độc tài phát xít của Mỹ-Diệm làm cho phong trào cách mạng bị thiệt hại nặng nề. Chậm nổi dậy đấu tranh ngày nào, cách mạng sẽ bị thiệt hại thêm ngày đó. Yêu cầu nổi dậy đấu tranh vũ trang của quần chúng vô cùng bức xúc. Chính vì vậy, Xứ ủy Nam Bộ tiếp tục đề nghị Trung ương Đảng khẩn trương nghiên cứu tình hình, cho phép đấu tranh vũ trang. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được lực lượng cách mạng miền Nam và chuyển từ thế bị động sang thế chủ động, mới có thể đánh bại được kẻ thù hung ác, tàn bạo. Trước lời kêu gọi khẩn thiết, ngày 14-11-1959, toàn văn Nghị quyết 15 mới được gửi cho Xứ ủy Nam Bộ.

Ra đời có phần chậm hơn so với yêu cầu thực tế, nhưng Nghị quyết 15 là cột mốc lịch sử vô cùng quan trọng. Về lý luận, nghị quyết đánh dấu bước phát triển mới trong tư duy của Đảng về chiến tranh cách mạng. Về thực tiễn, nghị quyết như một luồng sinh khí mới thổi bùng lên ngọn lửa căm hận của quần chúng cách mạng, để tạo nên phong trào đồng khởi cuối năm 1959, đầu năm 1960. Sau Nghị quyết 15, các tuyến đường chi viện cho miền Nam từng bước được thiết lập, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời (tháng 12-1960). Kẻ thù buộc phải thay thế chiến lược Chiến tranh đơn phương bằng chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Cách mạng miền Nam bước sang một trang sử mới với khí thế tiến công...

PGS, TS TRẦN THỊ MINH TUYẾT