Trong căn phòng ở gác 2, nhà số 276 Nghi Tàm, phường Yên Phụ (Tây Hồ, Hà Nội), Đại tá Trần Tiệu ngồi giữa những giá sách, cặm cụi viết bài cộng tác với một số tờ báo, tạp chí của Trung ương và Hà Nội. Ông hồ hởi cho biết đã nhờ người vận chuyển gần 1.000 cuốn sách, tờ báo về tặng Thư viện xã Vĩnh Thành quê ông. Vậy mà trong phòng ông vẫn còn hàng trăm cuốn sách...
Tôi nhiều lần được dự gặp mặt báo chí, cộng tác viên của các Tạp chí: Công nghiệp Quốc phòng và Kinh tế, Hậu cần Quân đội, Lịch sử Quân sự... và thường được gặp ông với tư cách khách mời cộng tác viên tích cực, tiêu biểu và nhiều tuổi nhất. Sức làm việc của Đại tá Trần Tiệu thật đáng nể. Chỉ từ năm 2023 đến nay, ông đã viết và gửi hàng chục bài báo cộng tác với Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng. Ông có nhiều năm công tác ở Cục Quân giới (nay là Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng), Cục Chính trị Tổng cục Hậu cần, Học viện Chính trị, Báo Quân đội nhân dân và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, giữ nhiều chức vụ chuyên môn... nên kho tư liệu của ông thật dồi dào, phong phú...
Lần này, Đại tá Trần Tiệu gọi điện thoại bảo tôi đến nhà, vừa là để lấy bài viết nhân kỷ niệm Tổng khởi nghĩa Tháng Tám và Quốc khánh 2-9-1945, vừa là để ông kể cho nghe thời tuổi trẻ hoạt động cách mạng sôi nổi của ông.
|
|
Đồng chí Trần Tiệu (thứ hai, từ trái sang) tiếp đoàn nhà báo Báo “Chiến sĩ Ba Lan”, năm 1973. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Đại tá Trần Tiệu sinh ngày 25-12-1928 ở làng Vĩnh Tuy trong một gia đình nông dân. Ông kể: Tên làng Vĩnh Tuy có nghĩa là “tay vịn vững”. Làng được ví như một người khổng lồ, tay trái là Rồng xanh đặt lên rú (rừng) Tháp, tay phải là Hổ trắng dựa vào rú Đót, mắt nhìn về núi Động Thờ, lưng dựa vào lèn (núi) Vĩnh Tuy, phía trước còn có bàu (đầm) Rộc Cửa rộng mênh mông. Địa thế làng như vậy hội đủ các ưu thế của phong thủy sơn hồi, thủy tụ. Vậy nên làng còn lưu truyền những câu thơ: Trông lên thấy bóng rồng ngang/ Bốn bề mây phủ hai hàng con quy/ Chiều về giữa đất Vĩnh Tuy/ Trong chùa ngoài giếng voi quỳ một bên...
Hồi nhỏ, nhờ có chính sách khuyến học của dòng họ Trần, lại có chí học hành nên Trần Tiệu cố gắng học giỏi, được nhận “Học bổng Bảo Đại” dành cho các trường tiểu học ở Trung Kỳ. Cũng để có thêm tiền đi học, Trần Tiệu làm gia sư cho con em các nhà giàu, quan lại. Nhờ đó ông học hết cấp tiểu học, rồi đi học trung học ở Trường Quốc học Vinh. Thời gian này, vừa học trung học, ông còn học thêm ở Trường Kỹ nghệ Trường Thi. Tại đây, tháng 7-1945, ông được giác ngộ, tham gia tổ chức Việt Minh của trường, của huyện Yên Thành. Ông nhận chuyển tài liệu, Báo Kháng Địch, công văn, thư từ của Việt Minh đến các cơ sở. Trần Tiệu là một trong 3 người tham gia Việt Minh sớm nhất của làng Vĩnh Tuy. Nhiệt tình cách mạng, thanh niên Trần Tiệu tích cực rải truyền đơn, viết khẩu hiệu, tuyên truyền đồng bào ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị để khởi nghĩa, giành chính quyền.
Tháng 8-1945, không khí tổng khởi nghĩa sôi sục. Nhất là khi được tin khởi nghĩa thành công ở Thủ đô
Hà Nội, theo chỉ đạo của Việt Minh tỉnh Nghệ An, Ủy ban Khởi nghĩa huyện Yên Thành được thành lập. Trần Tiệu tham gia Ủy ban Khởi nghĩa làng Vĩnh Tuy. Sáng 24-8-1945, Trần Tiệu nhận lệnh từ Việt Minh huyện Yên Thành tiến hành treo cờ đỏ sao vàng ở đình làng Vĩnh Tuy. “Nhận nhiệm vụ, tôi vừa mừng, vừa lo lắng. Mừng vì được cách mạng tin tưởng, lo vì sợ gặp bọn tuần đinh cản trở. Chiều hôm ấy, tôi kiếm chiếc sào tre dài làm cán, chuẩn bị ít chạc (dây lạt bằng tre) để buộc cán cờ vào cột cổng đình. Tối đến, tôi mượn chiếc áo nâu sẫm của chị Khương, con ông Phiệt là người bà con họ hàng. Đến thật khuya, tôi mang cờ ra đình, cột chặt cờ vào cổng đình, rồi dán thêm khẩu hiệu dưới cột cờ, bờ tường bao của đình. Xong công việc, tôi về nhà thì cả nhà đã ngủ say. Mờ sáng hôm sau, tôi chạy ra đình để xem lá cờ có còn không hay bị tuần đinh nhổ mất. Tôi vui mừng thấy lá cờ vẫn còn, bay ngạo nghễ ở cổng đình. Thấy lá cờ đỏ sao vàng, bà con đến xem rất đông. Nhiều người chỉ tay lên lá cờ hỏi: “Cờ này là cờ gì?”. Tôi bảo: “Đây là cờ Việt Minh, cờ cách mạng, cờ của nước Việt Nam ta”. Bấy giờ mọi người mới hiểu ý nghĩa của lá cờ và biết tên nước Việt Nam, chứ không phải An Nam như quân Pháp và quan triều đình gọi. Rồi một vài người biết chữ quốc ngữ đọc to các khẩu hiệu: “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo chính quyền tay sai”, “Mở kho thóc của Nhật cứu đói cho đồng bào”, “Nước Việt Nam độc lập muôn năm, Cụ Hồ vạn tuế...”, Đại tá Trần Tiệu kể.
Sáng 25-8-1945, trước lá cờ đỏ sao vàng, Trần Tiệu và các đồng chí trong Ủy ban Khởi nghĩa làng Vĩnh Tuy hiệu triệu bà con mang cờ đỏ búa liềm, cờ đỏ sao vàng, nhiều tự vệ mang đao, kiếm, giáo mác, vượt bến đò sông Điển, sang Phụng Luật tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở huyện. Chiều cùng ngày, dân làng lại tập trung ở đình Vĩnh Tuy, thu sổ sách, triện bạ của lý trưởng, tuyên bố phế bỏ bộ máy chính quyền cũ, thành lập Ủy ban Cách mạng lâm thời, do ông Trần Ngọc Nhuận, vốn là thầy giáo, làm Chủ tịch Ủy ban. Trần Tiệu là người trẻ nhất trong số 5 người được nhân dân tín nhiệm bầu vào Ủy ban, phụ trách công tác tuyên truyền, vận động nhân dân, làm công tác văn hóa, giáo dục, cổ động đời sống mới. “Tôi thật may mắn là người cắm cờ đỏ sao vàng ở làng. Lá cờ như lời hiệu triệu nhân dân làng tôi làm cách mạng”, ông Tiệu nói trong niềm tự hào.
Sau khi giành được chính quyền ở làng Vĩnh Tuy và huyện Yên Thành, là thành viên Ủy ban Cách mạng lâm thời, Trần Tiệu tích cực công tác. Có ngày ông chỉ về nhà ăn vội bát cơm rồi lại ra đình, chùa, điếm Đông... để tuyên truyền, giải thích Điều lệ, chính sách của Việt Minh; điều lệ của các hội cứu quốc; vận động và ghi danh sách bà con vào các Hội: Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ, Phụ lão, Nhi đồng cứu quốc...
Những năm 1945-1946, ngoài công tác ở Ủy ban Hành chính làng Vĩnh Tuy, Trần Tiệu còn dạy “bình dân học vụ”, mở lớp học ở đình làng. “Những ngày công tác, dạy học ở làng còn nguyên trong tâm trí tôi. Tôi nhớ có những buổi ra đứng ở đầu làng, ở cổng đình và cổng chợ, để “kiểm tra học tập” của bà con. Chúng tôi viết các chữ cái lên phản, lên nong, nia... để bà con đọc. Ai đọc được, đánh vần được thì cho vào chợ, vào làng; ai “quên chữ”, không thuộc thì phải đi đường vòng, hoặc phải lội qua đầm, ruộng mới được vào làng. Sau này đi công tác, chiến đấu, làm nhiệm vụ ở các địa phương xa xứ, tôi luôn nhớ về làng Vĩnh Tuy quê hương. Ngay khi mới được nghỉ hưu, năm 1994, tôi đã đề xuất với các đồng chí trong Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân xã Vĩnh Thành viết cuốn “Địa chí làng Vĩnh Tuy”. Được Đảng bộ, chính quyền xã đồng ý, bà con tạo điều kiện giúp sức, tôi và tập thể nhóm biên soạn đã sớm hoàn thành cuốn sách này”, ông Tiệu tâm sự.
|
|
Đại tá Trần Tiệu. Ảnh: XUÂN GIANG
|
47 năm công tác trong Quân đội, kể từ năm 1947 rời quê hương Vĩnh Tuy nhập ngũ, Đại tá Trần Tiệu trải qua nhiều cương vị công tác, chức vụ khác nhau, có nhiều thành tích xứng đáng để góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh và phát triển. Ông là người có công trong xây dựng Công đoàn Quốc phòng, khi tham gia tổ chức Công đoàn sản xuất vũ khí Việt Nam, là người phát động điển hình thi đua Ngô Văn Phú trong Công đoàn sản xuất vũ khí Việt Nam của liên Liên khu 3 và Liên khu 4. Ông cũng là cán bộ có mặt ngay từ những ngày đầu thành lập Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, năm 1981; là Chủ nhiệm Bộ môn (Trưởng phòng) Lịch sử kháng chiến chống Pháp; tham gia chủ biên công trình lớn đầu tiên của Viện: “Lịch sử cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1945-1954” gồm hai tập, dày hơn 1.200 trang...
30 năm hưu trí, nhưng Đại tá Trần Tiệu không ngừng làm việc. Ông đảm nhiệm Bí thư Chi bộ khu dân cư, Đảng ủy viên Đảng ủy phường Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội); Chủ tịch Hội Người cao tuổi, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Phương Mai... Ông được bầu là Chiến sĩ thi đua hai năm liền, được vinh danh “Người tốt, việc tốt” cấp quận và thành phố Hà Nội. Năm 2022, ông nhận Huy hiệu 75 năm tuổi Đảng.
HƯƠNG HỒNG THU