Nhiệt huyết cách mạng và tư thế sẵn sàng xốc tới

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, tôi vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc, kỷ niệm tốt đẹp về anh Thanh, một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Quân đội. Khi còn sống, anh Lê Quang Đạo cũng nhiều lần kể với tôi về anh Thanh với sự tin tưởng và khâm phục. Anh Đạo khẳng định, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có công rất lớn trong việc xây dựng chế độ, nền nếp công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội, bảo đảm sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đảng đối với Quân đội. Anh Thanh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ Quân đội cách mạng, chính quy, mạnh dạn đề bạt cán bộ công, nông, đồng thời coi trọng trí thức cách mạng.

Anh đã cùng các đồng chí trong Tổng Quân ủy (nay là Quân ủy Trung ương) kết hợp chặt chẽ 3 mặt quân sự-chính trị-hậu cần, không ngừng kiện toàn tổ chức và nâng cao sức chiến đấu của Quân đội, thắt chặt mối quan hệ đoàn kết quân dân; phát triển công tác bảo vệ chính trị nội bộ; phát triển công tác binh, địch vận... Không một công tác nào mà anh không có ý kiến chỉ đạo sắc sảo, vững chắc và uốn nắn những lệch lạc, sai lầm. Nhiều ý kiến của anh rất có sức thuyết phục. Anh thường nhắc nhở các đồng chí trong cơ quan Tổng cục Chính trị: Quân đội phải chính quy hóa, nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, chấp hành điều lệnh, nâng cao kỷ luật nhưng không hạn chế dân chủ. Anh đã có những đóng góp rất quan trọng đưa Quân đội ta trưởng thành, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

leftcenterrightdel
 Gia đình đồng chí Nguyễn Chí Thanh và các đồng chí phục vụ tại Chiến khu Việt Bắc.

Tôi nhớ, khi tham gia biên soạn Bản tổng kết công tác chính trị trong kháng chiến chống thực dân Pháp do anh Thanh chủ trì, anh Đạo không ít lần được anh gọi gặp riêng thảo luận. Nhiều hôm quá nửa đêm vẫn chưa thấy chồng về tôi cũng sốt ruột. Có vài lần tôi đi họp cùng đoàn cán bộ hội phụ nữ, tranh thủ ghé thăm anh Đạo thì thấy anh cùng mấy đồng chí đang trò chuyện, có anh Thanh ở đó cũng mời tôi ngồi lại. Quan sát tôi thấy anh có tác phong rất quần chúng, gần gũi, quý trọng anh em, rất dân chủ, rất sâu sát, lắng nghe ý kiến mọi người, từ đó rút ra được nhiều ý kiến hay.

Anh Đạo nói với tôi: “Tuệ (tên gọi khác của nhà văn Nguyệt Tú-PV) biết không, đối với anh Nguyễn Chí Thanh tha hồ tranh luận, nhưng anh cũng kiên quyết giữ ý kiến và kiên trì thuyết phục mọi người những vấn đề anh thấy là đúng. Anh có ý kiến độc lập về những vấn đề lớn, nhưng khi ý kiến còn chưa thống nhất, anh biết chờ đợi để giữ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Làm việc với anh Thanh, mình và anh em đều thấy thoải mái, chan hòa, thân tình, tin cậy, dù có khi còn có ý kiến khác nhau. Nếu vấn đề đã được tập thể kết luận, nhất là những vấn đề đã có nghị quyết của Trung ương Đảng, của tập thể Tổng Quân ủy, anh chấp hành và đôn đốc việc thực hiện rất nghiêm túc, triệt để.

Nhưng khi phát hiện sai lầm, anh cũng thẳng thắn nêu ra trước tổ chức. Đức tính nổi bật nhất của anh Thanh là tinh thần cách mạng tiến công. Bất cứ ở đâu, bất cứ nhận nhiệm vụ gì, dù khó khăn, nguy hiểm, phức tạp đến đâu, anh cũng không bao giờ lùi bước mà tìm mọi cách làm cho bằng được. Trong trái tim anh lúc nào cũng tràn đầy ngọn lửa nhiệt huyết cách mạng, với tư thế luôn luôn sẵn sàng xốc tới, rõ nhất là khi đánh Mỹ. Mình phải học anh ấy nhiều lắm, Tuệ ạ!”.

Tôi thấy nhận định của anh Đạo về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rất đúng và thực tế đã chứng minh điều đó. Khi được phân công vào miền Nam công tác, với tầm nhìn chiến lược, anh Nguyễn Chí Thanh cùng các đồng chí lãnh đạo trong đó chuẩn bị và tiến hành đánh thắng chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Anh cùng anh em xây dựng quyết tâm đánh thắng Mỹ ngay từ trận đầu. Anh xuống tận các đơn vị chiến đấu, cùng cán bộ, chiến sĩ rút kinh nghiệm tìm cách đánh thắng Mỹ.

Anh nêu ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Bám thắt lưng địch mà đánh”; “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” và cổ vũ phong trào thi đua “Dũng sĩ diệt Mỹ” được quân dân miền Nam hưởng ứng nhiệt liệt. Cũng là một người viết chuyên nghiệp, nhưng khi đọc những bài viết nảy lửa của anh trên Báo Nhân Dân và Báo Quân đội nhân dân với bút danh Trường Sơn, Bến Tre... tôi thấy bản thân còn phải nỗ lực học hỏi, trải nghiệm thực tế nhiều hơn nữa.

Sáng trong như ngọc

Qua những câu chuyện cuộc sống và chiến đấu mà tôi được biết, anh Nguyễn Chí Thanh là một tài năng lớn nhưng rất khiêm tốn. Trong tâm sự với những người thân thiết cũng như trong hành động thực tế, anh không bao giờ để các vấn đề địa vị, cấp bậc, chức vụ, danh vọng cá nhân làm vẩn đục tâm hồn trong sáng và cao thượng của mình. Có câu chuyện làm cho gia đình tôi xúc động, ghi nhớ mãi. Ấy là năm 1953, ở căn cứ Việt Bắc, một lần vợ chồng tôi đều đi công tác xa, hai con trai của chúng tôi còn rất nhỏ, gửi ở cơ quan, không may bị ốm nặng cận kề cái chết.

Ngay khi biết tin, anh Thanh đã trực tiếp chỉ thị phải bằng mọi cách cứu được hai cháu và thường xuyên đôn đốc kiểm tra. Thi hành chỉ thị của anh, các thầy thuốc ngày đêm tận tụy cứu chữa giúp hai cháu tai qua nạn khỏi. Tôi được biết có nhiều trường hợp cán bộ khác, anh cũng chăm lo chu đáo như vậy. Anh còn rất thích ghép đôi, làm “ông tơ” cho nhiều cặp và hầu hết họ đều sống vui vẻ, hạnh phúc. Tôi không quên đám cưới của anh Phạm Đức Nhuận và chị Võ Thị Thể do anh xe duyên, diễn ra tại nhà anh và đích thân anh làm chủ hôn, vui vẻ, đầm ấm biết bao!

leftcenterrightdel

Từ trái sang: Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Anh hùng Liên Xô Titov, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại Hà Nội năm 1959.

Ảnh tư liệu

 

Anh sống rất giản dị, không ưa những nghi thức long trọng. Tôi nhớ sau khi miền Bắc giải phóng, anh Thanh được bố trí ở trong một biệt thự cạnh Hồ Tây. Một hôm, anh Lê Tự Đồng (sau này là Trung tướng, Phó giám đốc về Chính trị Học viện Quân sự cấp cao-nay là Học viện Quốc phòng) đến thăm, anh Thanh liền rủ cùng đạp xe đi dạo cho thư thái. Trước khi đi, anh nói nhỏ: “Đi nhanh không thằng Chắt (bảo vệ của anh Thanh - PV) nó biết. Tao phải trốn nó đấy!”.

Ấy vậy mà khi hai người vừa dựng xe, ngồi xuống quán nước ở vườn hoa cạnh hồ Hoàn Kiếm chưa lâu đã thấy anh Chắt hốt hoảng chạy đến: “Anh đi đâu sao không báo cho tôi biết?”. Trước câu hỏi có phần hơi gắt của cấp dưới, anh Thanh vẫn nhỏ nhẹ bảo: “Thì bọn mình đi thay đổi không khí tí thôi mà!”. “Thôi mời anh về!”-vừa nói vừa thở, trên mặt anh bảo vệ Chắt vẫn chưa hoàn hồn. Còn anh Thanh và anh Đồng không nói gì thêm, lẳng lặng đứng dậy lấy xe đạp để đi về dưới sự “áp tải” của anh Chắt...

Khi Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ra làm Trưởng ban Nông nghiệp Trung ương, tôi là phóng viên của Báo Phụ nữ Việt Nam theo dõi lĩnh vực này. Một lần anh đến một hợp tác xã ở vùng công giáo, có đội kèn đồng của nhà thờ thổi kèn đón. Bị bất ngờ, anh bảo đồng chí chủ tịch ủy ban hành chính (nay là ủy ban nhân dân) tỉnh ra nhận sự chào đón ấy, còn anh lặng lẽ vào sau. Anh theo gương Bác Hồ, không cầu kỳ, hình thức. Anh luôn luôn coi trọng giữ gìn đoàn kết nội bộ như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Anh không chỉ quan tâm đến các vấn đề chính trị, quân sự, kinh tế mà còn rất yêu văn học, nghệ thuật.

Nhiều lần tôi được nghe anh bình văn, bình thơ, đặc biệt, anh rất say mê các làn điệu dân ca, hò Huế. Có mấy lần anh Đạo tháp tùng anh đi công tác ở Quảng Bình, cùng anh đến dự nghe đồng bào Huế, Thừa Thiên tản cư ra đó hát hò, tự anh Thanh cũng say sưa cùng hò đến tận đêm khuya. Đến nhà anh chơi, biết có bọn trẻ đi cùng, anh đã vào bếp tự tay làm món cơm hến của xứ Huế mà anh rất thích. Bữa cơm đặc biệt ấy đến giờ tôi vẫn nhớ mãi!

Tôi cũng không thể quên được cái đêm vĩnh biệt anh. Ngay khi biết tin, từ nhà, anh Lê Quang Đạo đến thẳng bệnh viện còn tôi ở bên chị Cúc. Đêm 5-7-1967, trời Hà Nội oi bức. Vì sớm hôm sau sẽ lên đường trở lại miền Nam nên trước đó, anh Thanh làm việc với anh Song Hào và anh Đạo đến tối muộn mới nghỉ. Chị Cúc thấy anh Thanh trằn trọc không ngủ được cũng tỉnh giấc. Anh bảo thấy khó chịu, cảm giác như có nước chảy ào ào trong người và kêu chị gọi xe đưa anh đi bệnh viện. Nhưng bệnh tình nguy kịch, dù được các bác sĩ hết sức tích cực cấp cứu, anh đã không thể qua khỏi. Anh ra đi quá sớm trong lúc tài năng đang nở rộ và Tổ quốc đang rất cần có anh!

Nhà văn NGUYỆT TÚ