Năm 2010, trong một lần đến thăm bà Nguyễn Thị Hát-em gái Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Ngọc Hà, Hà Nội, tôi được nghe bà kể: “Mệ tôi (mẹ-theo cách gọi của người dân Huế-PV) tên là Trần Thị Thiển, sinh năm 1886. Bà ngoại tôi mất sớm, mệ tôi về ở với ông bà ngoại ở xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Mệ lấy cha tôi, tên là Nguyễn Hán, người cùng xã, gia đình bên nội tôi thuộc tầng lớp trung nông. Cha mệ tôi có cả thảy 10 người con, 6 trai và 4 gái (2 người mất từ khi còn nhỏ). Mệ tôi không được đi học nhưng cả 8 người con đều được mệ nuôi cho ăn học. Năm 1928, không may cha tôi qua đời. Cuộc sống gia đình càng thêm cực khổ, không có ruộng cày, mệ tôi phải làm thuê cuốc mướn. Năm anh Thanh tôi 14 tuổi, anh bỏ học đi làm tá điền để kiếm sống và phụ mệ tôi nuôi các em”.

leftcenterrightdel
Gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội, năm 1967). Ảnh chụp lại tại Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế.  

Nhà nghèo nhưng gia đình mẹ Trần Thị Thiển là cơ sở cách mạng, nuôi giấu cán bộ Việt Minh. Các đồng chí: Hoàng Anh, Tố Hữu, Lê Thị Quế, Hoàng Thị Ái từ Quảng Trị vào Huế gây dựng phong trào Việt Minh đều ở tại nhà mẹ. Trong những cuộc biểu tình của dân làng chống địa chủ, cường hào ác bá và bọn thực dân Pháp đòi giảm tô, giảm tức, mẹ Thiển đều tham gia rất tích cực. Chị Nguyễn Thị Thanh Hà kể lại: “Tôi nhớ bàn tay phải của bà nội chỉ có 4 ngón. Bà kể rằng, trong một cuộc biểu tình, tên sĩ quan Pháp giơ khẩu súng ngắn lên dọa nếu đoàn người không giải tán, hắn sẽ bắn. Bà tôi nắm lấy nòng súng của tên quan Pháp. Nó bắn thật, bà bị thương mất một ngón tay và một phần bàn tay phải. Câu chuyện của bà đã truyền cho lớp con cháu tinh thần bất khuất, không lùi bước trước uy vũ, bạo lực”.

Trong lần về thăm Khu lưu niệm Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại quê hương ông, thôn Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, chúng tôi được nghe kể rằng, hồi ấy, Tết đến nhưng vào giữa vụ đói nên nhân dân Bình Trị Thiên từ miền ngược đến miền xuôi đều phải ăn đói, mặc rách. Bộ đội tập luyện ngày đêm gian khổ, lại đói cơm, nhạt muối, có người bị ngất xỉu vì đói rét. Đồng bào cực vậy nhưng không tiếc bộ đội bất cứ thứ gì, vét trong nhà từ lon gạo tấm, bắp ngô dự trữ cuối cùng để ủng hộ bộ đội. Xúc động trước tấm lòng thơm thảo của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ không nỡ nhận. Thấy vậy, mẹ Thiển nói: “Các eng (anh) cứ lấy đi, ăn cho có sức mà đánh giặc. Mệ đã có con cua, con cá ngoài đồng, khỏi phải lo”. Tấm lòng của mẹ Thiển và bà con Quảng Điền đã gây xúc động mạnh mẽ, hun đúc thêm sức mạnh giúp các chiến sĩ vượt qua khó khăn, gian khổ, quyết tâm giết giặc.

Năm 1947, Mặt trận Việt Minh ở Huế bị vỡ. Thực dân Pháp dùng nhiều thủ đoạn xảo quyệt, hung bạo để đập tan sự chống trả, hòng làm tê liệt ý chí chiến đấu của nhân dân ta. Gia đình nào có chồng con đi hoạt động cách mạng, chúng sẽ bắt cha mẹ, vợ con. Chúng làm vậy để lung lạc tinh thần cán bộ, vì tình cảm gia đình mà nao núng, từ bỏ con đường kháng chiến. Bà Nguyễn Thị Hát nhớ lại: “Năm 1947, cả nhà tôi phải lên Chiến khu Ba Lòng. Ở chiến khu chừng một năm thì mệ tôi bị sốt rét nên chúng tôi bí mật đưa bà về Huế. Mật thám biết được, bắt bà lên đồn đánh đập vì tội cho con đi làm cộng sản. Tra khảo không được, chúng chuyển mệ tôi ra nhà lao Thừa Phủ giam một thời gian, không khai thác được gì, chúng buộc phải thả bà.

Năm 1954, hòa bình lập lại. Anh Thanh tôi đón mệ ra Hà Nội ở với anh chị và các cháu. Tháng 7-1967, anh Thanh chuẩn bị lên đường vào Nam thì mệ tôi đang sơ tán ở Sơn Tây. Đêm trước ngày lên đường, anh tôi bị bệnh phải vào cấp cứu trong bệnh viện nhưng không qua khỏi, sáng hôm sau, anh đã vĩnh viễn ra đi. Gia đình tôi định giấu mệ tin dữ. Sau, anh Tố Hữu cho người lên Sơn Tây đón mệ tôi về, đưa thẳng đến Quân y Viện 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), lúc đó đang tổ chức lễ truy điệu anh tôi. Vậy mà mệ không khóc. Sau khi anh Thanh tôi mất, chị dâu tôi suy sụp, mệ tôi đã cùng ông bà ngoại của các cháu chăm sóc, làm chỗ dựa cho con cháu, đến khi bà ốm nặng mới về quê. Mệ tôi qua đời năm 1976”.

VÂN HƯƠNG