Năm 1948, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng Tư lệnh phát động Phong trào thi đua “Gây cơ sở, phá kỷ lục”. Trên địa bàn Liên khu 4, ngành quân giới chủ trương phát động Phong trào thi đua “Phá kỷ lục của Ngô Văn Phú”. Ngô Văn Phú là thợ tiện trẻ của ngành quân giới Liên khu 4, anh có thành tích đạt năng suất tiện măng xông (manchon)-một loại tiện ống ren để nối hai ống lại với nhau-tới 366%.
Chúng tôi đến gặp anh Nguyễn Chí Thanh, khi đó là Bí thư Liên khu ủy Liên khu 4, để xin ý kiến chỉ đạo. Anh nhắc: “Phải khảo sát kỹ trước khi phát động, vì lý do gì mà Ngô Văn Phú có được sự tăng năng suất như vậy. Nên gặp công nhân tiện trực tiếp sản xuất để bàn bạc về ngày phát động, cách thức tiến hành, quyết tâm thi đua”. Và anh Thanh yêu cầu: “Phong trào thi đua phá kỷ lục của Ngô Văn Phú phải là quả bộc phá, phá tan mọi lô cốt bảo thủ, khơi dòng cho năng suất phát triển!”. Từ sự chỉ đạo của Bí thư Nguyễn Chí Thanh, Phong trào thi đua “Phá kỷ lục của Ngô Văn Phú” trong ngành quân giới Liên khu 4 phát triển mạnh, cuốn hút nhiều tầng lớp công nhân lao động tham gia, tạo được năng suất cao trong sản xuất quốc phòng.
Năm 1953, trên cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, anh Thanh đến dự khai mạc lớp chỉnh quân của Bộ Tổng Tư lệnh tổ chức ở Việt Bắc. Tham gia lớp học này còn có chị Nguyễn Thị Cúc (phu nhân Đại tướng Nguyễn Chí Thanh); Võ Cương, trợ lý kiêm bác sĩ của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ, ra Việt Bắc công tác và hai chiến sĩ quốc tế, trong đó có một chiến sĩ người Đức, một chiến sĩ người Nhật Bản có tên là Nguyễn Chí Hùng, lấy họ của anh Nguyễn Chí Thanh. Tôi cũng là học viên tham dự khóa học này. Giữa giờ giảng, anh Thanh dừng lại và gọi đồng chí Lương Ngọc Trác, nhạc sĩ, cũng là học viên của lớp, đề nghị “cầm càng cho lớp hát một bài tạo khí thế để rồi học tiếp”. Việc ấy đã giúp chúng tôi học thêm được phương pháp tạo khí thế, sự hứng khởi cho người học, người nghe mỗi khi chúng tôi có dịp đi thuyết trình một vấn đề gì đó.
Năm 1963, tôi và một số cán bộ ngành hậu cần Quân đội được đi nghỉ dưỡng ở Đồ Sơn. Ở đoàn an dưỡng mấy hôm, chúng tôi được chỉ huy đoàn thông báo sau khi ăn sáng xong, làm công tác chuẩn bị để đón Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về nói chuyện tại đơn vị. Đúng giờ, anh Thanh đến, mặc quân phục kiểu đại cán, đeo quân hàm Đại tướng ở ve áo. Nói chuyện với cán bộ, nhân viên xong, anh lên xe về Hải Phòng tiếp tục công việc. Đây là lần cuối cùng tôi được gặp và nghe Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nói chuyện. Ngày 6-7-1967, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đột ngột từ trần. Trong lễ tang Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi được cấp quân phục, mũ mềm thống nhất để vào hội trường tiễn biệt anh!
TRẦN TIỆU