Cần mẫn nhưng không “đóng khung” đề tài

Những nhà văn trẻ thế hệ “8X” trong Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh chúng tôi có nhiều kỷ niệm, dấu ấn với nhà văn Trần Văn Tuấn. Ông là   Phó chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VI (2010-2015), Ủy viên Hội đồng Văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam khóa VIII (2010-2015); Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh khóa VII (2015-2020). Thoạt trông, Trần Văn Tuấn có phần già nua, cũ kỹ nhưng tác phẩm của ông lại rất có duyên ngầm. Cửa phòng ông luôn rộng mở, sẵn sàng đón cả những hội viên trẻ, hội viên chưa có dấu ấn trong sáng tác. Mỗi lần hàn huyên, ông thường kể chuyện chiến trường, chuyện nghề viết bằng cái giọng khề khà của lão nông Bắc Bộ và sự chất phác, cởi mở, chân tình của lão nông Nam Bộ.

Khi về mái nhà của Hội Nhà văn thành phố, Trần Văn Tuấn gây ấn tượng với đông đảo hội viên là một chủ tịch chăm chỉ, cần mẫn, sáng tạo. Cầm súng trước khi cầm bút, với những trải nghiệm bằng xương máu, nhà văn Trần Văn Tuấn có thế mạnh với đề tài chiến tranh cách mạng và Bộ đội Cụ Hồ. Đúng như nhà thơ, nhà lý luận phê bình Lê Thiếu Nhơn đã nhận xét: “Mảng đề tài ấy đeo bám và ám ảnh ông, như một món nợ phải trả cho lý tưởng thanh xuân của bản thân và cho cả những hy sinh thầm lặng của thế hệ mình”. Nếu chỉ chuyên chú đề tài chiến tranh cách mạng, ông cũng đã có thành tựu khiến nhiều nhà văn mong ước. Thế nhưng, ông đã can đảm bước khỏi biên độ an toàn của hành trình sáng tạo, không “đóng khung” trong bất kỳ một mảng đề tài nào, không ngần ngại động bút vào những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay... Đây là đặc tính được các nhà văn trẻ ngưỡng mộ, học tập.

Sống rồi mới viết

Nhìn vào những trải nghiệm, hành trình sống và sáng tạo của nhà văn Trần Văn Tuấn, có thể thấy rất rõ ông thuộc lứa nhà văn “sống rồi mới viết”. Năm 1970, lúc đang học trung cấp nghề, ông rời làng quê Kim Bảng, Nam Hà (nay là tỉnh Hà Nam) gia nhập Quân đội, vượt Trường Sơn vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ trong những năm tháng ác liệt. Trong chiến tranh, anh lính trẻ Trần Văn Tuấn từng sống giữa rừng thiêng nước độc, từng đổ máu nơi chiến trường, từng làm thơ chép vào sổ tay, được in Báo Văn nghệ Giải phóng, được đọc trên Đài Phát thanh Giải phóng... Tới ngày xuất ngũ, Trần Văn Tuấn có hẳn tập bản thảo thơ chép tay khá dày, đặt tên là “Hoa mơ”. Nhưng “Hoa mơ” không đủ duyên để đưa tên tuổi Trần Văn Tuấn thành nhà thơ nổi tiếng, để rồi sau đó, những mối lương duyên đưa đẩy, ông tạo dấu ấn tên tuổi mình trong văn xuôi, báo chí.

leftcenterrightdel
  Nhà văn Trần Văn Tuấn. Ảnh: HƯƠNG VÕ

Sau ngày đất nước thống nhất, ông là cán bộ sáng tác văn học của Quân khu 7. Cuối năm 1978, khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, ông trở lại chiến trường, sang Campuchia làm nghĩa vụ quốc tế. Về sau, ông chuyển ngành làm Trưởng ban Văn hóa văn nghệ, Báo Sài Gòn giải phóng, phát triển lên Phó tổng biên tập đến khi nghỉ hưu, được tín nhiệm giao trọng trách Chủ tịch Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh. Vốn sống phong phú là chất liệu quý để ông nuôi sức bền trong chặng đường dài cầm bút.

Năm 1978, Trần Văn Tuấn có bài thơ “Về một sự thật” viết về chiến tranh biên giới Tây Nam. Lần đầu tiên có một tác phẩm đăng trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội ở vị trí như một bài xã luận, bài thơ có sức lan tỏa lớn. Đoàn Văn công Quân khu 7 lúc bấy giờ đưa vào dàn dựng, ngâm thơ, trở thành tác phẩm chính, được biểu diễn nhiều lần trong những chương trình văn nghệ của đoàn. Nhiều khán giả rơi nước mắt khi nghe nghệ sĩ Đình Văn diễn ngâm bài thơ này.

Sau bài thơ đó, Trần Văn Tuấn chuyển sang viết bút ký về các trận đánh quyết liệt nơi biên giới Tây Nam, giáp ranh Vĩnh Hưng-Svay Rieng, Tân Biên-Prey Veng, Lộc Ninh-Kratie... Ngay từ những bài bút ký đầu tiên, ông đã tạo ra chất riêng của mình bởi những trang viết đầy chất thơ, những góc nhìn nhân văn. Khi viết về Phnom Penh vừa ngưng tiếng súng, Trần Văn Tuấn mô tả cánh diều bay lên ở sân vận động được một anh bộ đội thả trong trời chiều. Một hình ảnh yên bình, thơ mộng làm nên bài bút ký đẹp như một áng thơ tình. Đang đà viết văn xuôi, Trần Văn Tuấn viết thêm truyện ngắn, là cây bút chủ lực viết truyện và ký của Báo Sài Gòn giải phóng lúc bấy giờ. Nàng văn đã “dụ dỗ” ông tạm xa nàng thơ.

Tính từ tiểu thuyết “Từ một chuyến tàu” in năm 1984 đến nay, nhà văn Trần Văn Tuấn đã có hàng chục đầu sách, trong đó hầu hết là tiểu thuyết. 40 năm, dù bận làm chuyên môn ở Báo Sài Gòn giải phóng, làm công tác lãnh đạo, tổ chức ở Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn luôn là chú ong chăm chỉ, cần mẫn trên địa hạt văn chương của mình. Nhiều cuốn tiểu thuyết, tập truyện của ông có sức ảnh hưởng đến đời sống văn học, như: “Kẻ lang thang”, “Người đàn bà bị săn đuổi”, “Ngày thứ 7 u ám”, “Người gò mả”, “Rừng thiêng nước trong”, “Đại gia tỉnh lẻ”, “Thông tin đa chiều”, “Vẫn là binh nhất”... Sức nghĩ, sức viết của ông khiến đồng nghiệp nể trọng.

Sức hấp dẫn đến từ tình cảm thật

Nhà văn Trần Văn Tuấn chia sẻ: “Khi gặp vấn đề chỉ lóe lên hoặc chợt đến là tôi bình tâm viết ngay, viết hào hứng, nhẹ nhàng, không cầu kỳ, gò ép. Khả năng tập trung cao, trí nhớ tốt giúp cho tôi dựng nên cốt truyện nhanh và huy động tối đa vốn sống. Điều hấp dẫn của tác phẩm chính là cốt truyện. Cốt truyện hay sẽ lôi cuốn mình làm việc không biết mệt mỏi, không kể thời gian”.

Dù có “kỹ thuật thượng thừa” từ việc tìm cốt truyện hay, dựng không gian nghệ thuật, sử dụng nghệ thuật trong từng câu chữ... nhưng đọc văn hay thơ Trần Văn Tuấn đều thấy sự hấp dẫn của tác phẩm đến từ tình cảm chân thật. Gắn bó với chiến trường, trải qua “trường văn trận báo” tại thành phố đông dân nhất cả nước, Trần Văn Tuấn có tình cảm máu thịt với miền Nam, với TP Hồ Chí Minh.

Trần Văn Tuấn là mẫu người thật thà từ đời sống đến từng trang viết. Những người yêu thích tiểu thuyết Trần Văn Tuấn đều thấy sức hấp dẫn của tác phẩm ông viết thường bắt đầu từ những câu chuyện có thật trong đời sống, được chắp cánh bằng trí tưởng tượng, sáng tạo của nhà văn, tạo ra những số phận, tình huống câu chuyện có tính bao quát cao.

leftcenterrightdel

Bìa trường ca "Nguồn sáng phương Nam" của nhà văn Trần Văn Tuấn. Ảnh: HƯƠNG VÕ 

Với trường ca “Nguồn sáng phương Nam”, tác phẩm mới nhất của mình, ông chia sẻ: “Tôi viết bằng tâm trạng, tình cảm thật của mình chứ không nghĩ ra thơ”. Và sự chân thật ấy làm nên sức hấp dẫn, dẫn dắt độc giả theo chiều dài trường ca. Tác phẩm được viết theo mạch tự nhiên, từ thời chiến tranh cho tới những tháng năm TP Hồ Chí Minh đổi mới, hội nhập, phòng, chống đại dịch Covid-19... Dù trong hoàn cảnh nào, gian truân, vất vả hay yên ả, phát triển thì vẫn đan xen bên tâm trạng nhớ thương luôn là sự mong đợi, hướng tới âm hưởng chung là nhìn thấy ánh sáng phía trước, là sự ấm áp của tình người dẫn lối. Đây chính là tâm trạng của ông khi viết về thành phố yêu thương, quê hương thứ hai của mình.

Nhà văn Trần Văn Tuấn cho rằng, khác với việc sáng tác một bài thơ hay một câu thơ, có thể hay xuất thần nhờ “trời cho”, với thể loại trường ca, tác giả phải tự mình lao tâm khổ tứ suốt chiều dài, chiều rộng tác phẩm mới có thể làm nên sức sống cho “đứa con tinh thần”. Vì thế, không khó hiểu khi có những trường ca được ấp ủ hàng chục năm, tác giả càng nén chặt cảm xúc thì càng có những tứ thơ ưng ý. Trong “Nguồn sáng phương Nam”, tác giả không cố gắng làm mới, không thiên về kỹ thuật sáng tác mà để chiều sâu tâm trạng dẫn dắt mình đi. Chính điều này làm nên sự cuốn hút của tác phẩm, tìm được sự đồng cảm của độc giả.

Nếu như những gì tinh túy trong văn của Trần Văn Tuấn được thể hiện qua tiểu thuyết “Rừng thiêng nước trong” (tác phẩm đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Văn học, nghệ thuật của Bộ Quốc phòng, Giải thưởng Văn học ASEAN, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2012...), thì “Nguồn sáng phương Nam” thể hiện rõ nét phong cách thơ Trần Văn Tuấn. Đọc “Nguồn sáng phương Nam”, chúng ta thấy rõ những câu chữ, ý tứ được viết ra đều là sự gửi gắm bởi một tấm lòng nhân hậu, tri âm.

Đọc thơ hay văn Trần Văn Tuấn, từ sự thật thà, chất phác, độc giả cảm nhận rõ sự thâm thúy, đôi khi lại hoạt bát một cách bất ngờ như tính cách con người ông “sống sao viết vậy”. Văn hay thơ, ông đều không đánh đố người đọc, cũng như con người ông luôn khiến người khác cảm giác an tâm, tin tưởng khi sẻ chia, chuyện trò. Và đó chính là vốn quý của văn chương...

Nhà văn VÕ THU HƯƠNG