Một ngày trung tuần tháng 6-2025, theo lời hẹn, tôi đến Văn phòng Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ ở số 29 đường Hồ Xuân Hương, phường Ninh Kiều tìm gặp ông Phan Thanh Sĩ. Người đàn ông tóc bạc, da mồi, dáng thanh mảnh, khá nhanh nhẹn và đặc biệt là đôi mắt rất tinh anh bắt tay tôi thật chặt. Ông bảo tôi chờ một lúc vì ông phải tham gia cuộc họp đột xuất của Ban Thường trực hội để chuẩn bị cho sự mở rộng của Hội Người tù kháng chiến thành phố khi 3 địa phương: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng được sáp nhập. Khi ấy, con số hội viên của Hội không còn là gần 500 mà sẽ lên đến hơn 1.000 người. Trách nhiệm sẽ nặng nề hơn, chăm lo cho hội viên phải chu đáo hơn, nhưng ông không ngại bởi có sự chung sức, đồng lòng của cả tập thể và bản thân ông luôn dồi dào sức lực với các hoạt động vì đồng đội.
Lễ kết nạp Đảng đáng nhớ
Sau cuộc họp ngắn, ông Phan Thanh Sĩ trở lại với những câu chuyện còn dang dở. Sinh năm 1945, lên 8 tuổi, ông đã phải chịu cảnh mồ côi khi cha ông hy sinh vì cách mạng. Mấy mẹ con dắt díu nhau về ở với ông bà ngoại. Lên 10 tuổi, ông mới được đi học, vừa vì gia cảnh túng thiếu vừa vì không có trường lớp. Họ của ông cũng được đổi bởi khi ấy phải lo lót tiền nhờ người chạy vạy mới có giấy khai sinh để đi học.
Tuy đi học muộn nhưng ông học rất giỏi, sau khi học hết tiểu học, ông vào học tại Trường Trung học Phan Thanh Giản (nay là Trường THPT Châu Văn Liêm, TP Cần Thơ), niên khóa 1960-1961. Đây cũng là thời gian ông có những suy nghĩ sâu sắc khi chứng kiến tội ác dã man của giặc Mỹ và bè lũ tay sai, biết đến các phong trào cách mạng diệt ác, phá kìm nổi lên rầm rộ. Nhưng chỉ đến khi nghỉ hè về quê, được bạn học rủ đi xem buổi lễ ra mắt của Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tỉnh Cần Thơ tháng 6-1961 tại chính quê hương-xã Thạnh Xuân-thì ông mới chính thức tham gia cách mạng.
Cũng từ ấy, vì tình cảm với cách mạng sẵn có, cùng với nợ nước, thù nhà chưa trả, ông muốn bỏ học để thoát ly vào vùng giải phóng. Nhưng ông được các anh chị động viên: “Em vừa đi học vừa hoạt động cho tổ chức cách mạng cũng là yêu nước, miễn góp phần giải phóng dân tộc, nhiệm vụ nào cũng vinh quang”.
Ngay sau đó, với những hoạt động sôi nổi trong nội thành, từ nhiệm vụ đơn giản đến những nhiệm vụ phức tạp, hiểm nguy, ông đều hết mình góp sức. Từ việc nghĩ ra những khẩu hiệu tố cáo tội ác của đế quốc, thực dân, chống bắt lính học đường trên các tờ rơi “vô tình” được “để quên” giữa sân trường đông người đến khẩu hiệu đanh thép “Đế quốc Mỹ cút đi, đả đảo Ngô Đình Diệm” tự nhiên hiện lên trên bảng đen khi cô giáo lau đi những nét phấn trắng (do ông dùng sáp đèn cầy viết lên trước đó). Tiếp đến là những vụ đặt mìn đánh cư xá Mỹ hay ném lựu đạn giữa ban ngày phá hoại cuộc vận động bầu cử tổng thống của chính quyền ngụy...
Ghi nhận những việc làm gan dạ, dũng cảm của ông, tổ chức đã bồi dưỡng và chỉ 3 năm sau, ngày 15-7-1964, ông được kết nạp vào Đảng Lao động Việt Nam. Nhớ lại lễ kết nạp Đảng được tổ chức trong căn nhà lá giản dị, ông Phan Thanh Sĩ hào hứng kể: “Ngày hôm ấy, tôi chỉ được báo trước là ăn mặc gọn gàng rồi vô căn cứ. Đến nơi, tôi đã thấy một vài đồng chí đang chờ. Đồng chí Đỗ Cảnh Thạt, Trưởng ban cán sự Thị ủy Cần Thơ long trọng thông báo: Sau một thời gian thử thách, Thị ủy đã quyết nghị và chuẩn y kết nạp đồng chí Phan Thanh Sĩ vào Đảng”.
Lắng nghe những lời khen ngợi, động viên nỗ lực phấn đấu hơn nữa của cấp trên, trong lòng ông Phan Thanh Sĩ trào dâng niềm vui, niềm tự hào cùng sự xúc động nghẹn ngào. Sau lời tuyên thệ, ông hứa với Đảng, với các đồng chí nguyện sẵn sàng chịu đựng mọi hy sinh, gian khổ, quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để góp phần giải phóng quê hương. Những chiến công của người đảng viên Phan Thanh Sĩ sau này có lẽ được hun đúc từ buổi lễ đầy tự hào ấy!
Người đảng viên kiên trung
Ông bảo, ngày ấy cứ say mê hoạt động với tất cả tinh thần, lý tưởng của tuổi trẻ, cũng không sợ hy sinh hay bị địch bắt, ông luôn tự đặt câu hỏi phải làm thế nào để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Giống như chuyện ông đặt mìn phá kho xăng mà địch không thể tìm ra nguyên nhân.
Cuối năm 1967, Phan Thanh Sĩ được giao một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tìm cách vào làm ở kho xăng lộ 19. Qua người bạn học đang làm công nhân ở đó, ông gặp chủ thầu và được nhận vào làm. Trải qua thời gian ngắn làm việc, ông đã điều nghiên và vẽ sơ đồ báo cáo đầy đủ với tổ chức về tình hình, quy luật hoạt động của kho xăng. Được hướng dẫn cách sử dụng mìn nổ chậm tự chế, ông tìm cách giấu mìn dưới giường ngủ. Sau đó, để ý thấy bảo vệ khi xét hỏi công nhân qua cổng thường vuốt từ nách xuống lưng quần rồi túi quần, ông tìm cách cột mìn xuống vùng ống quyển để dễ bề qua cổng. Để có chứng cứ ngoại phạm, ông báo mình đi vệ sinh rồi nhanh chóng luồn đến những dãy thùng phuy đầy xăng và hành động. Xong việc, ông ung dung về nhà chờ đợi. Cuối cùng, tiếng nổ mong đợi cũng vang lên, sau đó là những tiếng la hét hỗn loạn cùng những tiếng hô “cháy kho xăng rồi”...
    |
 |
Ông Phan Thanh Sĩ (thứ sáu, từ trái sang) trong lần trao quà tặng hội viên. Ảnh: BÍCH DIỄM |
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 diễn ra không như ta mong đợi, địch phản kích ác liệt và chiếm lại những nơi đã mất, ta thiệt hại lớn, nhiều đồng chí hy sinh, nhiều cơ sở bị lộ. Trưa 21-5-1968, Phan Thanh Sĩ bị địch bắt tại nhà riêng. Một phát đạn bắn thẳng vào lưng, xuyên qua phổi khiến ông ngã quỵ. Địch đưa ông đi bệnh viện, quyết cứu chữa để lấy thông tin. Sau khi mổ cho ông qua cơn nguy kịch, không cần chờ hồi phục, chúng đã dùng đủ các ngón đòn tra tấn man rợ hòng làm ông lung lạc ý chí. Từ dọa dẫm “đồng bọn của mày đã bị bắt hết” đến dùng dụng cụ đánh mạnh vào đầu gối, gan bàn chân, kẹp điện vào lỗ tai cho điện giật, chúng tra tấn đủ mọi cực hình khiến ông chết đi sống lại nhiều lần. Không moi được thông tin gì từ ông, hơn một năm sau, chúng đưa Phan Thanh Sĩ ra tòa và kết án 15 năm khổ sai, 15 năm biệt xứ rồi đưa về giam ở Khám lớn Cần Thơ.
Sau khi bị kết án, bao đêm trằn trọc, ông xác định phải vượt ngục cho bằng được trước khi bị đưa đi đày. Khám lớn Cần Thơ tường cao, phòng giam kiên cố, 2-3 lớp rào nên không thể vượt ngục. Ông bàn với 5 đồng chí giả bệnh để địch đưa đến Bệnh viện Thủ khoa Nghĩa (nay là Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ) rồi tìm cách vượt ra ngoài. Đến “giờ G”, cả nhóm nháy mắt với nhau hành động. Vũ khí mang theo là những ống nước bằng sắt, cây móc sắt giấu trong những chiếc gối ôm cầm vào bệnh viện. Phòng giam trong bệnh viện gồm hai dãy đối diện nhau có hai giám thị canh giữ và cửa luôn khóa chặt. Một tên bị quật ngã, tước súng và bị bắn chết. Tên còn lại cũng bị bắn chết ngay sau đó. Sau khi ông Sĩ dùng súng bắn vỡ khóa khu giam giữ, cả nhóm thoát được ra ngoài và lao về phía bờ tường của bệnh viện. 4 người thoát ra được an toàn, nhưng đến lượt ông và một đồng chí nữa thì địch đã vây tứ phía. Một lần nữa, ông bị chúng bắn trọng thương và bị bắt lại.
Địch đã dùng nhiều ngón đòn tra tấn dã man với ông và người đồng đội để trả thù, còng tay chân giam biệt lập ở xà lim suốt 8 tháng trời, thẩm vấn liên tục hòng tìm ra manh mối của tổ chức đảng trong nhà lao. Ông Phan Thanh Sĩ kể: “Lúc ấy, nhiều người sợ rằng nếu chúng tôi không chịu nổi mà cung khai thì cả chi bộ nhà lao sẽ bể, sẽ có một cuộc khủng bố đẫm máu. Nhưng đời nào, chúng tôi thà chết chứ nhất định không đầu hàng! Chúng chỉ nhận được những câu trả lời: Không ai tổ chức, không ai xúi! Thấy bên nhà thương sơ hở thì anh em rủ nhau trốn!...”. Rốt cuộc, chúng kết thêm tội “cố sát” và án của ông lúc này là chung thân khổ sai. Ông bị chuyển lên Khám Chí Hòa rồi đày ra Nhà tù Côn Đảo.
Ngày 15-5-1975, trên chuyến tàu thứ ba rời Côn Đảo sau khi giải phóng, Phan Thanh Sĩ được trở về quê nhà sau những tháng ngày ở “địa ngục trần gian”. Ông về công tác tại Thành đoàn Cần Thơ, tiếp tục gắn bó với công tác thanh niên, rồi hỗ trợ đồng bào trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc. Trải qua nhiều vị trí công tác, ông say sưa hoạt động trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP Cần Thơ đến khi về nghỉ hưu. Cũng từ thời gian này, ông bắt đầu gắn bó với các hoạt động chăm lo, hỗ trợ đồng đội. Năm 2009 nghỉ hưu thì năm 2010, ông bắt đầu tham gia Hội Người tù kháng chiến TP Cần Thơ.
Giờ đây, ở tuổi 80, hằng ngày, ông vẫn tự đi xe máy hàng chục cây số đến trụ sở của Hội và đi thăm hỏi, chăm lo cho đồng đội. Trò chuyện với tôi, ông không quên nhắc về những người đồng chí, đồng đội bị địch bắt, tù đày, sau chiến tranh trở về với những suy kiệt cả về thể chất và tinh thần, gia cảnh khốn khó, thiệt thòi. Vì vậy, ông và Ban Thường trực hội không tiếc công sức làm đầy đủ các chế độ, vận động xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, hỗ trợ hội viên khi khám bệnh, thăm hỏi khi đau ốm... Chia tay tôi, ông Phan Thanh Sĩ bộc bạch: “Từ tuổi hoa niên, ánh sáng của Đảng đã soi đường, chắp cánh cho lý tưởng của tôi, để tôi được thỏa nguyện, đóng góp cho dân, cho nước. Tôi nguyện đem hết sức lực phấn đấu vì Đảng, nguyện bước theo Đảng trọn cuộc đời!”.
THU THỦY